"Ông đồ" trẻ yêu Thư Pháp Việt: Đừng để văn hoá mai một

Nhật Thịnh - "ông đồ" 9x sở hữu một gia tài Thư Pháp đồ sộ với những giấc mơ lớn đang trên đường chinh phục.

Ông Đồ - một hình ảnh vô cùng thân quen với những người trẻ... nhưng chỉ là hình ảnh được lưu giữ và giới thiệu trong những trang sách giáo khoa. Khi học bài thơ Ông Đồ, có lẽ ai cũng từng day dứt mãi về câu thơ "Nhưng mỗi năm mỗi vắng/ Người thuê viết nay đâu?", điều này ngầm nói lên một thực trạng: Văn hoá Thư Pháp đang ngày càng mai một theo thời gian. 

"Mai một", hiểu đơn giản là sự mục rữa không còn vẹn nguyên như ban đầu. Vì vậy, ai cũng hiểu và thấm nhuần câu nói "cần chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc" nhưng có lẽ chưa ai từng hỏi: Làm thế nào để khôi phục lại? 

Bất ngờ thay, những bạn trẻ Gen Z - thế hệ được cho là hướng ngoại với dòng chảy của thời đại - lại chính là những người đang "giăng lưới" kéo lại những gì bị cho là đang dần "mai một". Đó là Nhật Thịnh, "ông đồ" 9x sở hữu một gia tài Thư Pháp đồ sộ với những giấc mơ lớn đang trên đường chinh phục. 

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0
"Ông Đồ" Nhật Thịnh - Hiện đang là Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Cổ phần nghệ thuật Viet Art Group

Tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đỗ Nhật Thịnh hiện đang là Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty Cổ phần nghệ thuật Viet Art Group chuyên về viết thư pháp, họa sĩ thiết kế và nhiếp ảnh gia. đã nối máy cùng Nhật Thịnh để ngồi "hàn thuyên" về những câu chuyện xoay quanh và cách người trẻ đi tìm và gìn giữ nét đẹp Thư Pháp trong thời đại 4.0 hiện nay. 

Đừng để văn hoá mất đi mới bắt đầu nói "giá như"

Tại sao bạn lại theo đuổi nghệ thuật Thư Pháp, bộ môn này có ý nghĩa như thế nào đối với bạn? 

Thư Pháp xuất phát từ niềm đam mê của mình và từ nhỏ mình đã có sự yêu thích với hội hoạ và những cái đẹp. Bên cạnh đó mình cũng đã đạt nhiều giải thưởng trong nhiều cuộc thi khác nhau về mỹ thuật và Thư Pháp nên mình cũng có nhiều cơ duyên với con chữ. Qua đó mình cảm nhận được cái hồn, cái nét đẹp của chữ Thư Pháp và mình đã chọn và gắn bó với nó mãi cho đến bây giờ.

Thư Pháp mang lại cho mình rất nhiều ý nghĩa tích cực, qua đó mình cũng rèn luyện được tính kiên nhẫn. Ngày xưa mình khá là nóng tính, nhưng qua việc trau dồi Thư Pháp thì mình cũng trở nên bình tĩnh hơn và thư thái hơn. Đồng thời mình cũng yêu hơn những lời hay ý đẹp và lời dạy của cha ông ta ngày xưa để vận dụng nhiều hơn vào cuộc sống của mình.

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Người ta thường nói, nghệ thuật Thư pháp thể hiện nét đẹp của chữ và tâm hồn người cầm bút. Vậy nhìn vào những nét chữ của Ông đồ Nhật Thịnh, người ta sẽ thấy gì?

Tuỳ vào cảm nhận của mỗi người sẽ có cảm xúc, suy nghĩ và nhìn nhận khác nhau. Với vai trò là một người yêu chữ, Nhật Thịnh sẽ luôn cố gắng hướng con chữ của mình đến cái tính Chân - Thiện - Mỹ.

"Chân" là chân thực, tức là những con chữ đầu tiên nó phải đúng trước đã. Sau đó mới đến "Thiện" là những lời hay ý đẹp, những điều răn dạy của ông cha mình. Rồi mới đến cái "Mỹ", đó chính là những nét đẹp, bố cục, nói lên khả năng hội hoạ và nét bút của người viết. 

Đối với Thư Pháp Nhật Thịnh, mỗi con chữ mình viết ra dù đơn giản hay kì công thì mình đều đặt vào đó cái tâm của người cầm bút, người yêu chữ, người yêu cái nét đẹp truyền thống của văn hoá Việt. 

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Bạn theo đuổi Thư Pháp vì đam mê là chính hay còn là niềm mong muốn khôi phục một nét đẹp văn hoá Việt trước sự mai một dần theo thời gian...

Ngày xưa khi được học bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên, mình cảm nhận được sự ngậm ngùi, tiếc nuối của tác giả về thực trạng của nghề Thư Pháp lúc bấy giờ. Hình ảnh đẹp đó dần dần biến mất và càng ngày càng mai một đi. Ông đồ vẫn ở đó vào mỗi dịp Tết đến nhưng thay vào đó là sự thờ ơ của người đời vì người ta không còn sự "mặn mà" với nét đẹp nghệ thuật này nữa.

Đó có thể gọi là sự thất thế của những ông đồ trước sự thay đổi của thời đại. Điều này đã cho mình một bài học rằng: Cần phải đứng lên bảo vệ những giá trị tốt đẹp của văn hoá, truyền thống để viễn cảnh đó không còn phải lặp lại nữa, để chúng ta không còn luyến tiếc hay phải thốt ra câu "giá mà…". 

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Cho nên khi những giá trị này vẫn đang còn hiện hữu thì chúng ta hãy càng nên trân trọng và giúp phát huy, ủng hộ những người đang thực hiện và phát huy bảo tồn nét đẹp truyền thông này.

Nghĩ đến những nét đẹp văn hoá Việt được trưng bày ở nước ngoài và được đánh giá cao thì chỉ biết "sướng"

Bạn có nghĩ việc gìn giữ này đó là nghĩa vụ của bạn không? Có bao giờ bay day dứt rằng: Nếu mình không làm nữa thì ai làm?

Đúng! Là một người trẻ, mình nghĩ việc gìn giữ này cũng là một phần nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Tuy nhiên mình cũng không còn day dứt quá nhiều nữa mà thay vào đó mình cảm thấy có những tín hiệu lạc quan vì đã có rất nhiều những bạn trẻ tài năng và cũng yêu hơn những nét đẹp của Thư Pháp dân tộc.

Đồng thời mình cũng rất vui khi có những người bạn của mình là người trẻ cũng quan tâm và hỏi han về Thư Pháp, về những giá trị nghệ thuật này. 

Thật sự thì để giữ gìn và phát huy nét đẹp này nếu chỉ có một mình thì không thể nào đủ được mà cần đó rất nhiều sự chung tay của nhiều người. Có cả sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và tính lan tỏa cùng tinh thần dân tộc, cộng đồng để mỗi người một tay cùng ủng hộ và phát triển nó.

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Có thế hệ người trẻ nối nghiệp là một chuyện, nhưng có người mua chữ thư pháp hay không lại là câu chuyện khác nữa. Đối tượng những người mua chữ của bạn thường là ai… có bóng dáng người trẻ nào không?

Tuỳ theo mỗi người họ sẽ có cảm nhận khác nhau nên đối tượng cũng sẽ đa dạng với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Với Thư Pháp cũng vậy, cũng có những người trẻ, cả những người trung niên và những người lớn tuổi thì họ càng yêu thích, cũng như rất muốn sở hữu những sản phẩm của Thư Pháp. 

Đã có nhiều hơn những người trẻ đang dần yêu thích bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Thậm chí có những bạn còn mời Nhật Thịnh về để dạy chữ cho họ, cho cả người thân và bạn bè của họ nữa. Mình nghĩ đó là một tín hiệu rất đáng mừng. 

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Bạn đã và đang làm gì để ngày càng truyền cảm hứng vẻ đẹp tiếng Việt qua thư pháp cho người trẻ? 

Mình đã và đang thực hiện nhiều hơn những tác phẩm và có những ý tưởng khác biệt hơn cho những sản phẩm sắp tới. Mình có dự định sẽ thực hiện triển lãm những tác phẩm của mình tại nhiều nơi khác nhau.

Mình cũng sẽ mở thêm nhiều lớp hướng dẫn viết chữ Thư Pháp để nhiều bạn trẻ biết đến bộ môn này. Để mọi người cảm thấy Thư Pháp cũng rất là gần gũi và dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh việc viết chữ tại nhà thì nhiều đơn vị tổ chức sự kiện cũng mời mình viết thư pháp để tặng chữ tại chương trình của họ. Hoặc là trong những chương trình lễ Tết, cuối năm, hoặc tất niên… họ cũng thường mời mình đến để mà kết hợp biểu diễn Thư Pháp trên sân khấu.

Mình cũng luôn luôn cố gắng để làm đa dạng hơn nhiều chất liệu và nhiều cách ứng dụng khác nhau như viết trên giấy, trên gỗ, trên đá, trên kính và cả hình thức khắc hay chạm trổ Thư Pháp nữa. 

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Còn tham vọng mang Thư Pháp ra khỏi lằn ranh Việt Nam thì sao?

Hiện nay cũng có rất nhiều người nước ngoài yêu thích Thư Pháp Nhật Thịnh ở nhiều gian hàng mà mình từng tổ chức, hoặc những chương trình sự kiện mà mình từng tham gia. Bên cạnh thư pháp tiếng Việt thì mình cũng thử thách viết nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp,... và nhiều ngôn ngữ khác sử dụng hệ thống chữ Latinh.

Hiện tại tác phẩm của mình cũng đã đến được với rất nhiều những quốc gia và nền văn hoá khác nhau và đó chính là niềm vui nhỏ đối với riêng mình. Khi nghĩ đến việc những nét đẹp văn hoá của mình được trưng bày ở nước ngoài hoặc được đánh giá cao thì mình cảm thấy rất tự hào. Đó chính là động lực để Thư Pháp Nhật Thịnh luôn luôn cố gắng trong những dự định mà mình đang ấp ủ.

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng được trả giá cao hơn cả giá trị thực sự của chính nó

Thư pháp còn được gọi là nét văn hoá xin chữ, cho chữ với nhiều ý nghĩa trong những dịp đầu năm từ thời xa xưa. Nhưng văn hoá xin chữ Thư Pháp ngày nay đã bị nhuốm màu thương mại với chi phí khá đắt… Bạn có nghĩ thế không và với cá nhân bạn thì sao?

Đối với mình việc tăng cường thương mại các tác phẩm nghệ thuật thì không có gì là xấu cả. Bên cạnh đó còn giúp khẳng định những giá trị thực tế của tác phẩm và tác giả làm nên tác phẩm đó.

Nếu các tác phẩm nghệ thuật bị bán ra với giá rẻ mạt nhưng lại không có ý nghĩa về giá trị thì mình nghĩ đó là mới là điều đáng trách khi nó không hoàn thành được sứ mạng mang đến yếu tố Chân - Thiện - Mỹ cần có. Còn nếu như những tác phẩm được định giá cao, được nhiều người tôn trọng thì nó đã khẳng định được cái giá trị của nó rồi.

Với nhiều người, đôi khi việc cho đi miễn phí họ lại không trân trọng nhưng khi tác phẩm được mua bởi một mức giá nào đó thì họ sẽ có những suy nghĩ, đánh giá cao và trân trọng hơn khi bỏ một số tiền xứng đáng để nhận về một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng.

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Trở về cuộc sống thường nhật một chút, dịch bệnh vừa qua có ảnh hưởng như thế nào đến công việc và cuộc sống của bạn?

Vừa qua chúng ta đã phải trải qua một đợt dịch bệnh khá dài, nên là công việc của mình cũng đã ảnh hưởng nhiều khi các sự kiện, chương trình, lễ hội văn hoá và các chương trình Thư Pháp đều bị tạm hoãn.

Khi các chương trình không được tổ chức thì mình không có cách nào để lan toả những giá trị văn hoá một cách trực tiếp hơn đối với mọi người. Nên là mình cũng đã chọn hình thức online thông qua những kênh truyền thông mạng xã hội để mình chia sẻ và lan toả những câu chuyện về thư pháp, nó cũng tạo cho mình những điều kiện để mình mở mang ra những hình thức Thư Pháp mới phù hợp hơn với thời đại.

ong do tre yeu thu phap viet dung de van hoa mai mot - anh 0

Trải qua đợt dịch bệnh thì mình cũng cảm thấy được những giá trị thực sự của cuộc sống để mình bình tâm hơn, có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho những dự án, những dự định mà mình ấp ủ. 

Mình cũng dành nhiều thời gian hơn để lấy ý tưởng trong khoảng thời gian này, để mong một ngày nào đó mình sẽ ra mắt và nhận được sự chào đón của tất cả mọi người. Hy vọng chúng ta sẽ cùng chung tay, lan toả những giá trị nghệ thuật nhiều hơn nữa. 

Cảm ơn những chia sẻ của Nhật Thịnh cùng !

Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực. 

Chàng trai in thơ Xuân Quỳnh, nhạc Trịnh ở Mỹ: "Tại sao phải là tiếng Anh khi tiếng Việt hay biết mấy?"

Chủ nhân giải thưởng Tình nguyện Quốc gia: "Không làm vì giấy chứng nhận, hay gom điểm rèn luyện"

Chủ dự án Xăm Tiếng Việt Đi: "Không bảo xăm tiếng Anh là sính ngoại, nhưng tiếng Việt rất hay mà!"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ