Sau gần 45 năm "lạc" nhau, 2 chi tiết con ốc và đóa sen đã được chuyển giao về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng để "đoàn tụ" cùng bảo vật quốc gia "Tượng Bồ tát Tara".
Theo Dân trí, ngày 6/9, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương chuyển giao 2 hiện vật con ốc và đóa sen của bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Laskmindra Lokesvara - Bồ tát Tara về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2023, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc hợp nguyên hiện vật của bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara từ Bảo tàng Quảng Nam về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng theo ý kiến của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL).
Bảo vật Tượng Bồ Tát Tara có niên đại vào thế kỷ thứ IX, với tuổi đời khoảng 1.200 năm, là hiện vật gốc độc bản. Theo kết quả khai quật khảo cổ, vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX, tại Đồng Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), tồn tại một Phật viện lớn.
Các di tích nền móng cho thấy đây là Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chăm Pa. Văn bia tìm thấy ở Đồng Dương cho thấy vua Chămpa Indravarman II cho xây dựng ở đây một Phật viện và một đền thờ để thờ Bồ Tát Laksmindra Lokesvara vào năm 875. Hiện vật này là tượng Bồ tát bằng đồng, tiêu biểu cho việc thờ Bồ tát tại Phật viện Đồng Dương.
Tượng Bồ tát Tara được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2012. Bảo vật được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng với hiện trạng không có 2 chi tiết con ốc và hoa sen trên bàn tay của tượng. Hai chi tiết này do Bảo tàng Quảng Nam bảo quản từ năm 2019.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Kỳ Phương, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, cho biết Tượng Bồ tát Tara là một kiệt tác của nghệ thuật Chăm và nghệ thuật Phật giáo Đông Nam Á. Tượng được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá rất cao. Việc tìm thấy tượng được coi là một sự kiện rất quan trọng về nghệ thuật Champa trong thế kỷ 20.
Theo ông Phương, trong nghiên cứu về tượng có bộ môn tiếu tượng học nhằm nghiên cứu về nội dung và ý nghĩa pho tượng. Muốn nghiên cứu thì phải dựa trên những vật tiêu biểu. Vật cầm tay của các vị Bồ tát trong Phật giáo được gọi là pháp khí. Riêng Bồ tát Tara thì 2 pháp khí là một đóa sen và một con ốc. Nhờ 2 vật cầm tay này mà người ta mới có thể biết thêm ý nghĩa bức tượng bằng đồng.
Ông Trần Kỳ Phương cho rằng việc gắn lại 2 vật cầm tay với tượng gốc là không thể bởi vật liệu gắn kết có thể sẽ dẫn đến hỏng pho tượng gốc.
"Cho nên, cách tốt nhất là trưng bày 2 hiện vật này cùng với bức tượng. Qua đó, người xem có thể hình dung được tượng gốc trông như thế nào và cũng hiểu được ý nghĩa 2 hiện vật hoa sen và con ốc", ông nhấn mạnh.