Những điều nên hiểu kỹ trước khi tiêm phòng vaccine Covid-19

Để tránh tình trạng hoang mang về việc tiêm vaccine, hãy đọc kĩ thông tin đừng vì nghi ngờ mà mất đi cơ hội.

Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, với tốc độ triển khai thần tốc vaccine trong 7 ngày, cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết 21, công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Những ngày tới, TP HCM sẽ tiếp tục tổ chức tiêm chủng với công suất trung bình 200.000 liều mỗi ngày, hoàn thành chiến dịch tiêm trước 27/6.

Theo quy định của Bộ Y Tế, người dân cần biết rõ những điều kiện, việc cần làm khi đi tiêm phòng vaccine Covid-19 như sau:

Những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng là những người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng vắc xin của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vắc xin. 

nhung dieu nen hieu ky truoc khi tiem phong vaccine covid 19 - anh 0

Các trường hợp sau phải cẩn trọng, khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu: 

1. Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

2. Người có bệnh nền, bệnh mãn tính được điều trị ổn định.

3. Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

4. Người trên 65 tuổi. 

5. Người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.

6. Người có bệnh mãn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: mạch dưới 60 lần/phút hoặc trên 100 lần/phút, huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg, nhịp thở dưới 25 lần/phút hoặc SpO2 < 94% (nếu có). 

Các trường hợp trì hoãn tiêm chủng bao gồm những người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được. Ngoài ra, những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...

nhung dieu nen hieu ky truoc khi tiem phong vaccine covid 19 - anh 0

Ngoài ra, trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao, hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ cũng sẽ trì hoãn tiêm chủng.

Người được tiêm vaccine Covid-19 cần mang theo giấy tờ tùy thân, ăn uống đầy đủ, tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, theo dõi sức khỏe 3 tuần sau tiêm.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM ban hành hướng dẫn về những điều cần biết khi tiêm phòng vaccine Covid-19. Theo đó, trước khi đi tiêm chủng, người dân cần chuẩn bị chứng minh nhân dân/căn cước Công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế; sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vaccine khác...sử dụng trong thời gian gần đây (nếu có). Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android hoặc IOS. Ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm, đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K trước, trong và sau tiêm vaccine Covid-19.

nhung dieu nen hieu ky truoc khi tiem phong vaccine covid 19 - anh 0

Chủ động thông báo cho cán bộ y tế các thông tin sức khỏe cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại như: đang bị sốt, mắc bệnh cấp tính, các bệnh mạn tính mắc phải hoặc đang điều trị; các thuốc, liệu trình điều trị đang hoặc đã sử dụng gần đây; tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào .

Nếu là lần tiêm thứ 2, phải thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau tiêm vaccine phòng Covid-19 lần trước, tình trạng nhiễm nCoV (nếu có). Các vaccine tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua, thông tin có đang mang thai hoặc nuôi con bú nếu là nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Ngoài ra cần chủ động tìm hiểu và hỏi cán bộ y tế về loại vaccine phòng Covid-19 bạn được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo, các dấu hiệu có thể xuất hiện sau khi tiêm chủng và cách xử lý.

Sau khi tiêm chủng, cần ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng. Khi về nhà hoặc nơi làm việc, cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 3 tuần sau tiêm.

Một số triệu chứng thông thường sau tiêm vaccine Covid-19 có thể gặp như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn ... Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm, cho biết cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng Covid-19.

Giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm ngừa vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để chúng ta bảo vệ sức khoẻ và trở lại cuộc sống bình thường.Tuyến bài Toàn cảnh Vaccine sẽ giúp độc giả có cái nhìn tích cực, lạc quan và sự hiểu biết nhất định về vaccine Covid-19 để nâng cao ý thức tiêm ngừa và phòng chống dịch bệnh.

Sài Gòn bùng dịch trở lại, Gen Z đang làm gì ngoài học online, ăn ngủ cho "qua ngày đoạn tháng"?

Tuần giãn cách xã hội thứ 3: Sài Gòn chỉ "cảm cúm", rồi sẽ "khỏe" lại sớm thôi!

Hà Nội ngày "trở lại": Đường phố vẫn vắng vẻ, cà phê chưa sôi động nhưng lòng người phấn chấn

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ