Chẳng có ai thúc ép, chỉ vì thương Sài Gòn, thế là tụi mình làm thôi!
Nhắc đến sinh viên Bách Khoa, ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ bởi tinh thần chịu khó và óc sáng tạo trong các công trình kỹ thuật. Với "4 chàng ngự lâm này", cũng là tinh thần chịu khó đó nhưng lại ở một diễn biến khác với công việc… làm nông.
Đều xuất thân từ quê hương Nghệ An vào Sài Gòn học tập và chẳng may bị "kẹt" lại giữa mùa dịch Covid-19, những chàng sinh viên của Đại học Bách Khoa đã nhanh trí tận dụng mọi nguồn lực hiện có để dựng nên "vườn rau 0 đồng" hỗ trợ người dân khó khăn mùa dịch.
"Tuổi trẻ mà, ngồi yên một chỗ không hay lắm"
Nhóm 4 nam sinh viên bao gồm Nguyễn Đình Tiến, Nguyễn Hữu Cường, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành. Hiện tại các bạn đang là những sinh viên năm cuối của trường Đại học Bách Khoa TP.HCM và lưu trú tại phường Linh Tây, Thủ Đức.
Chia sẻ về những khó khăn khi "mắc kẹt" lại Sài Gòn những ngày dịch bùng phát mạnh tại Thành phố, bạn Đình Tiến chi biết: "Tụi mình không gặp quá nhiều khó khăn vì chỗ mình là nơi ít người nhiễm nhất. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là việc đi chợ. Có lần đi mua mà mì, miến, nhiều thứ cạn hết không mua được. Đến sữa và rau củ nhiều lúc cũng hết sạch và mình nghĩ đây cũng là khó khăn chung của mọi người rồi".
Xuất phát từ chính nhu cầu khó khăn của bản thân, các bạn đã cùng nhau xây dựng nên "vườn rau 0 đồng" để hỗ trợ cho người dân. Được biết, ban đầu các bạn chỉ có ý định trồng để đáp ứng nhu cầu cho bản thân và người dân tại xóm trọ. Tuy nhiên khoảng 3 - 4 ngày sau các bạn cảm thấy tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài nên đã bàn bạc và quyết định mở rộng quy mô để có thể giúp được nhiều người hơn.
"Ban đầu tụi mình chỉ có ba người, và sau hơn một tuần có thêm sự giúp đỡ của em Thành (sinh viên năm 3). Ngoài ra tụi mình cũng được sự hỗ trợ từ nhà trường cũng như phường và các mạnh thường quân, nên tụi mình cảm thấy cũng nên làm cái gì đó để đóng góp được phần nào. Tuổi trẻ mà, ngồi yên một chỗ lâu không hay lắm nên cùng nhau đưa ra quyết định và thực hiện ngay luôn" - Tiến chia sẻ.
Học kỹ thuật nhưng máu làm nông nghiệp đã chảy trong người
Học Đại học Bách khoa với những ngành nghề đặc thù như Cơ khí, Kỹ thuật,... và rồi lại trồng rau như những "bác nông dân" chuyên nghiệp. Chia sẻ về câu chuyện thú vị này, Đình Tiến cho biết: "Đúng, tụi mình học kỹ thuật, nhưng tụi mình đều xuất phát từ miền quê tỉnh lẻ nên việc trồng rau đối với tụi mình không khó. Hơn nữa, tụi mình có sức khỏe và một chút kiến thức sẵn nên việc làm không quá khó khăn".
Gần 1 tháng nay, cứ 6h30 sáng là cả nhóm lại "ra đồng" để tưới nước và chăm sóc cho vườn rau. Được biết, đây là mảnh đất đã bị bỏ hoang từ một dự án. Nhờ sự giúp đỡ, các bạn đã tìm gặp được chủ thầu để trao đổi, sau đó được sự cho phép của công an phường và thực hiện trồng rau trên mảnh đất trống này.
"Miếng đất này rất rộng, nhưng tính đến hiện tại tụi mình chỉ khai hoang khoảng 2000 mét vuông và trồng tầm đó luôn. Trước đó, cỏ ở đây cao hơn cả người và sỏi đá rất nhiều" - Đình Tiến chia sẻ.
Về chi phí thực hiện, Đình Tiến cũng tiết lộ hầu như các bạn đều tự bỏ tiền túi ra để mua hạt giống và phân bón. Những ngày đầu, các bạn cũng phải tự xách nước từ phòng trọ ra để tưới cho vườn mỗi ngày, nhưng sau đó chủ thầu thấy vất vả quá nên đã hỗ trợ các bạn nước tưới và phân bón, cũng như nguồn nước hỗ trợ từ nhà hàng xóm bên cạnh. Hiện tại, các bạn cũng đang rất cần có thêm hạt giống và phân để mở rộng quy mô vườn, tuy nhiên cũng "hơi khó" về kinh tế vì đều là sinh viên.
Cứ thế, trên mảnh đất 2000m2 lại xuất hiện ngày càng nhiều những loại rau, củ, quả đa dạng và phong phú hơn. Từ những bó rau muống ban đầu, các bạn tiếp tục trồng thêm bí đỏ, đậu bắp, rau lang, cải xanh, cải thìa, mồng tơi, dưa leo, bí đao, mướp,... Thậm chí, các bạn còn trồng thêm một số loại cây ăn quả như ổi, cây táo và một số loại cây nhỏ khác.
Chia sẻ thêm với , Đình Tiến cho biết sắp tới sẽ chăm sóc và tiếp tục mở rộng quy mô nếu có thể vì các bạn cũng đã khai hoang thêm một ít đất. Phần vì muốn có càng nhiều rau xanh càng tốt để có thể giúp đỡ được nhiều người trong vùng dịch.
"Cây táo đã nở hoa" và trao yêu thương cho Sài Gòn
Không sinh ra tại mảnh đất này, nhưng chẳng hiểu sao Sài Gòn luôn mang đến cho người ta một cảm giác thân thuộc và một tình thương đặc biệt. Sài Gòn - "miền đất hứa" nuôi dưỡng bao ước mơ của các cô cậu học sinh, sinh viên trên khắp cả nước. Rồi những ngày Sài Gòn ngã bệnh họ vẫn chọn ở lại với nhiều "nghĩa vụ" tự giao phó.
"Tụi mình rất thương Sài Gòn mùa dịch này! Mình thật sự rất cảm động khi chứng kiến cảnh người ta mất đi người thân vì Covid-19, khốn đốn vì thiếu thực phẩm, không biết nói thế nào để diễn tả những cảm xúc khó tả này. Có lẽ đó là phần nhiều lý do khiến tụi mình phải cố gắng 'đỡ đần' được chút nào cho Sài Gòn thì hay chút đó" - Đình Tiến Chia sẻ.
Bên cạnh đó, các bạn cũng mong mỗi cá nhân hãy đóng góp một chút sức lực để gom góp thành một sức mạnh lớn chống lại "kẻ thù" Covid-19. Hơn hết vẫn là một sự tin tưởng về đội ngũ y bác sĩ, quân đội và chính phủ để cùng nhau vượt qua mùa dịch này. Rồi Sài Gòn sẽ khỏe lại, tiếp tục nuôi dưỡng nên ước mơ của bao người trẻ.
''Chờ ngày Sài Gòn… kẹt xe trở lại'' là mong muốn của nhiều người trẻ ở TP.HCM lúc này, cũng là tên tuyến bài được khởi xướng. Trong tuyến bài này, ghi nhận những chia sẻ, những câu chuyện và kỷ niệm về Sài Gòn. Có thể là của một người nổi tiếng, cũng có thể đến từ một bạn trẻ bình thường. Nhưng tất cả cùng gặp nhau ở tình yêu dành cho Sài Gòn và niềm tin thành phố sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh để đường phố đông vui trở lại!
Nguồn: TH&PL