Kỷ niệm những ngày sống trong khu phong toả, là bài học của sự trưởng thành.
Tiếng còi xe cấp cứu, bản đồ thông tin thành phố dày đặc ca nhiễm, từng ngõ hẻm con đường luôn trong cảnh giăng dây, phong tỏa. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp suốt khoảng thời gian qua, đợt giãn cách thứ 4 cũng đang thực hiện, siết chặt từng ngày.
Thành phố vẫn ngày đêm chống dịch, đội ngũ áo trắng, áo xanh vẫn đang tích cực truy vết, test nhanh, kiểm soát ổ dịch. Tất cả đang cùng chung tay vì Sài Gòn sớm quay trở lại. Người dân cũng oằn mình vì hạn chế ra đường, công việc trì hoãn, cuộc sống thêm phần lo toan. Nhiều nơi phải sống trong cảnh phong tỏa, giăng dây bao khó khăn lại thêm phần chồng chất.
Những cô cậu sinh viên những ngày này cũng "kẹt" trong cảnh cuồng chân, ở cũng chẳng ổn mà về nhà cũng chẳng được, chỉ biết cố gắng vượt qua và mong chờ, hy vọng. Sống trong cảnh giăng dây, phong tỏa có lẽ là một câu chuyện, hồi ức mà Gen Z chẳng thể nào quên, những dòng nhật ký được cẩn thận ghi chép lại từng ngày để thấy mình đã trưởng thành hơn qua những ngày phong tỏa.
đã may mắn được ghi chép lại những dòng nhật ký của Quỳnh Anh - cô bạn sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH&NV những ngày ở trọ đã cố gắng vượt qua 15 ngày phong tỏa.
7/7/2021 - "Ngày đầu phong toả, mình hoang mang chẳng kịp phản ứng…"
Dịch đã diễn ra suốt hai tháng dài, mình đã không còn đi học tại trường hay đến chỗ làm từ những ngày đầu dịch bùng phát trở lại tại thành phố náo nhiệt, ồn ào này. Mọi thứ vẫn diễn ra nhẹ nhàng, mình vẫn đi chợ và tập thể dục mỗi chiều xung quanh khu trọ, thành phố những ngày chỉ thị 15, chỉ thị 10.
Mọi thứ vẫn diễn ra như thường nhật, mình không thường xuyên xuống sảnh chỉ trừ khi có việc, bất ngờ mình nhận tin giăng dây, chỗ mình ở thành khu vực bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. Nhận tin trong lòng chỉ toàn là sự hoang mang, lo lắng thể hiện rõ trên khuôn mặt mình. Đội ngũ y tế, các anh dân quân và hàng rào đỏ cùng chiếc bảng "khu vực đang cách ly" cũng ập đến nơi mình sống.
Lần thọt mũi thứ hai đã đến chỉ sau hai ngày test toàn quận. Mình chẳng biết xử lý thế nào, lần đầu trong ba năm mình lên Sài Gòn, rối bời, những cuộc gọi từ gia đình liên tục, mình chính thức giam chân tại nhà, chẳng kịp chuẩn bị hay sẵn đồ ăn trong nhà, mình chật vật suốt 3 hôm liền.
Nơi mình ở có một ca F0, cả dãy nhà giăng dây, chỉ thị 16 cũng được thực hiện sau đó không lâu, chợ đóng cửa, người dân mua đồ dự trữ, mình thì "đóng băng" trong việc mua thực phẩm, đặt hàng online cũng "cháy hàng". Mình đã có ba ngày giăng dây đầu tiên tủi thân, khóc và không có lấy một bữa cơm ngon.
"Những ngày tiếp theo, may mắn khi có thùng đồ ăn mẹ gửi từ quê lên, bó rau của cô hàng xóm"
Sẽ thật khó khăn cho một sinh viên như mình những ngày trái ngang như này. Phân vân không dám gọi điện báo tình hình, cứ bảo với gia đình là ổn vì sợ mọi người lo lắng. Bạn bè cũng trở về nhà tránh dịch từ hai tháng trước, không sự chuẩn bị, mình bơi trong bể bế tắc, không biết phải làm thế nào để vượt qua hoàn cảnh hiện tại. Mình đã ăn với cá khô, mì gói và những lon gạo cuối cùng, tủi hờn và khóc nhiều, tâm trạng suốt mấy ngày đầu thật sự bất ổn, khó chịu và bất lực.
Một cuộc gọi cho mẹ "Alo mẹ ơi", thế là đồ ăn đã được gửi đến tận nơi, hôm đó mình đã suýt khóc vì nhớ nhà và vui mừng trong hoàn cảnh hiện tại. Thùng đồ ăn với đầy đủ thịt cá, nhu yếu phẩm và rau củ quả được mẹ chia sẵn từng ngày, nó là niềm an ủi lớn nhất, nỗi lo đã được vơi dần.
Cũng là lần đầu tiên, cửa nhà mình hé mở, bác hàng xóm cho bó rau luôn kèm theo lời nhắn "Khi nào không có gì ăn cứ nói bác", là ổ bánh mì của cô Hồng cho mình lúc 7h sáng, là bó rau muống chia nhau mỗi chiều dưới sảnh. Mình lại mỉm cười và thấy may mắn khi được cho một túi gạo, một thùng mì vào ngày giữa tuần.
Cô chú và cả những anh dân quân như tiếp thêm cho mình sự lạc quan, nụ cười, vài lời hỏi thăm như giúp mình có thêm phần động lực vượt qua những ngày khó khăn này. Đây cũng là dịp, mình được nhìn lại, mở lòng với những người xa lạ nhưng lại nghĩa tình, thân quen ngày ngày cùng bảo nhau "sẽ sớm tháo gỡ phong tỏa thôi, mong chỗ mình không có thêm ca nào!"
21/7/2021 - "Mình đã vượt qua cái dây màu đỏ, tiếp tục ở nhà theo chỉ thị 16"
Những lần thọt mũi cũng lần lượt trôi qua, 14 ngày cả dãy nhà không ai đi vào đi ra, đám trẻ cũng không đạp xe, người lớn cũng chẳng ai đi làm. Dãy nhà hơn 20 hộ dân trở nên thinh lặng, có phần đìu hiu.
Những ngày phong tỏa đã giúp mình khác đi trong lối sống hằng ngày, có phần tự lập và trách nhiệm hơn với bản thân. Mình đã tích cực hơn khi xem đây là khoảng thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, được sống chậm lại và làm vài điều mình thích.
14 ngày hữu ích với một sinh viên như mình, vẫn thực hiện công việc được giao tại nơi thực tập, đọc được vài chương sách mỗi ngày, làm những chiếc bánh ngọt, tập thói quen ngủ sớm, tập những bài tập nhẹ nhàng và tự nấu ăn cho chính mình.
Mình trân trọng những ngày qua, đó cũng là lúc mình biết sợ, biết lo hơn cho sức khỏe của bản thân.Từng rất chủ quan vì nghĩ mình còn trẻ, còn sức nhưng giờ đây ai ai cũng phải lo âu trước Covid-19, bổ sung từ những việc nhỏ nhất, uống nhiều nước hơn mỗi ngày, pha nước cam và tự cảm thấy mình phải ăn đầy đủ.
Nhớ nhất, hôm mình sốt, sổ mũi và hắt xì liên tục, vào thời điểm nhạy cảm này mình luôn trong tình trạng lo lắng, luôn nghĩ về hai chữ "dương tính", nỗi sợ cứ theo mạch nguồn chạy mãi trong đầu mình, cứ sợ cuộc gọi sẽ báo đến điều chẳng may, nhưng mình may mắn, may mắn hơn nhiều người khi còn có đủ ba bữa cơm mỗi ngày, may vì đó chỉ là bệnh lúc chuyển giao mùa.
Ngày thứ 14 đã đến, nơi mình ở đã không có thêm ca dương tính, hàng rào đã được dỡ bỏ, mình đã không còn sống cảnh phong toả. Đó cũng là lúc mình thấy bản thân đã thật sự vượt qua, có cho mình thêm nhiều bài học để dù trong hoàn cảnh nào cũng "sinh tồn" và trụ vững vàng. Giờ thì, mình lại tiếp tục ở nhà, thực hiện chỉ thị 16 và mong chờ một tín hiệu tốt từ thành phố hoa lệ này….
Mình chờ ngày sài Gòn kẹt xe trở lại, đóng băng do kẹt xe ở Hàng Xanh vẫn dễ chịu hơn trong khu phong toả.
Nguồn: TH&PL