Một nhạc sĩ đầy tài năng với cách sáng tác khác biệt, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn rất sâu sắc.
Những bản nhạc không thể thiếu vào mùa Xuân
Sáng ngày 17/3, thông tin nhạc sĩ Ngọc Châu qua đời ở tuổi 55 khiến nền âm nhạc Việt Nam tràn ngập một màu sắc đau thương. Một loạt nghệ sĩ như diva Mỹ Linh, Văn Mai Hương, Đinh Mạnh Ninh, Đông Hùng, Lưu Hương Giang... đã chia sẻ những cảm xúc và lời chia buồn đến với gia đình cố nhạc sĩ.
Trong suốt sự nghiệp của mình, cố nhạc sĩ Ngọc Châu có cách sáng tác hoàn toàn khác biệt so với phần lớn các nhạc sĩ cùng thời.
Anh không khai thác quá nhiều vào những câu chuyện tình yêu, thay vào đó, anh lựa chọn mùa Xuân và những hình ảnh đáng yêu trong cuộc sống để làm cảm hứng cho những sáng tác của mình. Thì Thầm Mùa Xuân, Chiều Xuân,... là những ca khúc đã quá quen thuộc trong những dịp Tết đến, Xuân về.
Đặc biệt, Thì Thầm Mùa Xuân là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của diva Mỹ Linh. Khán giả thường hay đùa rằng, khi được nghe Mỹ Linh hát ca khúc này, không cần nhìn lịch cũng biết Tết đã đến rất gần rồi.
"Và em đã biết nói tiếng yêu đầu tiên
Và em đã biết thương nhớ biết giận hờn
Mùa xuân đã đến bên em trao nụ hôn
Và mùa xuân đã trao cho em ánh mắt anh"
Ca khúc Thì Thầm Mùa Xuân là lời tâm sự của cố nhạc sĩ về mối tình đầu, giúp anh vào top 10 bình chọn của Làn Sóng Xanh năm 1998.
Cách cố nhạc sĩ miêu tả những hình ảnh về mùa xuân, kết hợp với đó là những rung cảm tình yêu của người con gái rất nhẹ nhàng, tinh tế và không bị quá "phô". Cách viết này đặc biệt phù hợp với chất giọng của Mỹ Linh.
Cũng vì thế, ca khúc này dần trở thành "đặc sản" của mùa Xuân tại Việt Nam, đồng thời in sâu vào tiềm thức của khán giả như một sản phẩm không thể thiếu vào những ngày đầu năm.
Nội dung liên quan
"Mơ ước thành cô Tấm ngày xưa..."
Nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ suy nghĩ về người bạn:"Anh hội tụ đầy đủ cả tài năng, tri thức và tình cảm, thành công ở nhiều khía cạnh đời sống, dù cũng có những trăn trở hay cả những góc khuất riêng".
Với nguồn cảm hứng từ đời sống, cách anh kể lại những câu chuyện thông qua âm nhạc cũng rất đơn sơ và thuần khiết. Điều này có thể thấy rõ nhất thông qua cách anh sáng tác Cô Tấm Ngày Nay.
Anh chọn kể về câu chuyện đô thị hóa và những cô gái quê bắt đầu có xu hướng lên các thành phố lớn để tìm kiếm một cuộc sống khác hơn so với ruộng vườn và những hình ảnh thân thuộc ở quê hương.
"Xa cánh diều mơ ước tuổi thơ, nhớ thương những lời mẹ ru những đêm trăng vàng sáng trong,
Mơ ước thành cô tấm ngày xưa sớm hôm không ngại gian khó, tiếng chim oanh vàng thiết tha"
Nhạc sĩ Ngọc Châu sử dụng những hình ảnh từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám để miêu tả hành trình của những cô gái thời hiện đại cũng là một điểm nhấn rất đặc biệt.
Cách viết này tạo ra một chút bâng khuâng, nuối tiếc và những hoài niệm về tuổi thơ với cuộc sống yên bình.
Năm 1998, ca khúc này đã trở thành OST của bộ phim truyền hình Chuyện Nhà Mộc thông qua giọng hát Khánh Linh - em gái ruột của anh. Đây cũng là một bộ phim nói về câu chuyện một cô gái được bố cho thi vào đại học để có thể có một cuộc sống sung túc và tốt đẹp hơn.
Đây cũng là bài hát gắn liền với tên tuổi Khánh Linh, là ca khúc để em gái anh chắp cánh ước mơ ca hát. Cũng từ đó, cô dần được biết đến nhiều hơn với vai trò một ca sĩ.
Đến tận thời điểm hiện tại, sau gần 25 năm, mỗi khi nhắc về ca khúc này, nhiều người vẫn nhớ rõ câu chuyện tình yêu của Mai (Như Trang) và Cường (Xuân Bắc) trong bộ phim.
Ngoài ra, Ngọc Châu còn sáng tác rất nhiều ca khúc hàm chứa những giá trị nhân văn và bộc lộ rõ thế giới quan của bản thân anh như: Ngây Thơ, Ban Mai Xanh, Mùa Thu Vàng,...
Tất cả những di sản đó sẽ tiếp tục được trình diễn trên các sân khấu âm nhạc trong tương lai. Những cảm xúc, câu chuyện của Ngọc Châu vẫn sẽ tiếp tục được kể, và anh sẽ sống mãi thông qua những nốt nhạc đó.
Mượn những câu hát trong ca khúc Tạm Biệt để gửi lời chào chân thành nhất đến với người nhạc sĩ tài hoa của âm nhạc Việt:
"Một ngày bình yên, tay cầm tay nắm tay vượt qua
Nghìn trùng xa cách, giọt nước mắt dâng trào.
Ta vẫn thấy cuộc đời vui, và niềm tin trong đôi mắt.
Chia tay nhé, rồi ngày vui, ta gặp nhau..."
Nguồn: TH&PL