Thời đại thời trang dễ dãi đến mức ai cũng tự xưng danh người mẫu.
Nếu ngày xưa người mẫu là danh xưng mỹ miều mà bao nhiêu người mong muốn thì ngày nay vị trí đó chỉ như từ ngữ miêu tả cho sở thích hay nghề tay trái của một số người dùng trên mạng xã hội. Sự tiến bộ của công nghệ thúc đẩy bước phát triển của thời trang nhưng kéo theo nghề mẫu trượt dài trên con dốc dễ dãi.
Nội dung liên quan
Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Instagram, người dùng không khó để có thể bắt gặp rất nhiều những tài khoản có phần miêu tả trông rất "ngầu": Freelance Model (người mẫu tự do). Cụm từ "to tướng" xuất hiện đầy rẫy đến mức đại trà, khiến công việc người mẫu dần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Thế hệ của người mẫu mạng...
Nội dung liên quan
Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhờ công nghệ, nghề người mẫu cũng thế. Công thức hiện nay để trở thành người mẫu chỉ yêu cầu một tài khoản mạng xã hội có tương tác tốt và được sắp xếp, đầu tư hình ảnh đậm chất thời trang. Người xem sẽ bị thu hút bởi hình ảnh lung linh qua màn hình điện thoại mặc dù không biết những hoàn hảo đó đã qua phần mềm chỉnh sửa ảnh hay chưa.
Càng nhiều người theo dõi và quan tâm, những tài khoản "hot" ấy càng trở thành "con cờ" trong mắt của các thương hiệu thời trang dưới danh nghĩa là "Freelance Model". Từ đó, thế hệ người mẫu "mạng" ra đời và phát triển thành công trong khi những người mẫu thực sự vẫn đang rèn luyện nghiêm ngặt về ngoại hình, thần thái, tạo dáng bằng sức mạnh từ niềm đam mê nội tại của họ.
Vào thời trước, các người mẫu thực thụ dường như chỉ có thể trở nên nổi tiếng thông qua phương tiện truyền thông đời cũ như báo in, tạp chí và truyền hình. Vào thời điểm show thời trang được xem là thứ xa xỉ, hiếm hoi, và thời trang đường phố là cụm từ "vô danh", nghề mẫu là môi trường cạnh tranh khốc liệt và người mẫu thực sự chỉ có thể tồn tại khi cực đẹp, kĩ năng chuyên nghiệp và được "tổ đãi".
Nội dung liên quan
Bây giờ thì khác, nghề mẫu đang trong tình trạng "dư nhân lực" không chỉ bởi số lượng mẫu "offline" mà còn là sự xâm nhập của dàn người mẫu mạng. Sự thoái trào của báo in và tạp chí kèm tình trạng mạng xã hội chi phối đời sống, người trẻ không cần quá nổi tiếng chỉ cần một chút bắt mắt và độc lạ lại chễm chệ trong danh xưng người mẫu - điều mà các anh chị tiền bối phải phấn đấu cả đời để đạt được và duy trì.
Mối quan hệ giữa mạng xã hội và người mẫu thời 4.0 được ví như câu nói "cá gặp nước". Họ hoạt động trên "thế giới ảo" một cách hiệu suất nhằm gia tăng sức ảnh hưởng đến cộng đồng cũng như củng cố công việc người mẫu mạng của mình. Do đó, các bạn trẻ dần nổi tiếng với trang cá nhân mang màu sắc thời trang đều gắn ngay danh xưng "Freelance Model" trong phần miêu tả.
... nhưng sớm nở chóng tàn
Nổi lên như một hiện tượng nhờ sự ủng hộ từ những khách hàng mạng, các người mẫu trên nền tảng "ảo" được xem là tay ngang của nền công nghiệp thời trang, đúng hơn là "kẻ ngoại đạo". Trong khi người mẫu thực thụ phải trải qua trường lớp, bài bản về kỹ năng chuyên môn để hành nghề, người mẫu mạng chỉ cần lượng người theo dõi cao.
Không xét về vấn đề kiếm tiền, các người mẫu mạng thực sự không xứng đáng được gắn với danh xưng "Model". Từ thần thái, hình thể cho đến kỹ năng tạo dáng hay catwalk, họ không thỏa mãn được những yêu cầu cơ bản của công việc người mẫu thực sự.
Nội dung liên quan
Các người mẫu mạng xây dựng hình ảnh bắt mắt, chỉn chu trên trang cá nhân không tỷ lệ thuận với chất lượng công việc như trường hợp góc chụp bị nhàm chán, concept một màu hay tạo dáng thiếu tự tin và sáng tạo. Từ đó, danh xưng người mẫu của họ chỉ trái hình cho việc "bán" người theo dõi và đóng vai "sào treo đồ" cho các thương hiệu thời trang.
Khác với người mẫu mạng, một "fashion model" chuyên nghiệp không thể hiện cho công chúng xem trang phục đang mặc trông như thế nào mà truyền thần vào những thiết kế giúp người xem có thể cảm nhận trang phục đó khi mặc lên chính bản thân họ. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc cố gắng thể hiện sản phẩm đẹp và chất lượng nhất có thể như các người mẫu mạng đang làm.
Có thể nói, sự nở rộ của các người mẫu mạng đến từ tư duy cảm thụ nghệ thuật và cái đẹp của công chúng hiện nay còn thấp. Từ lỗ hổng đó, người mẫu ảnh trở thành địa hạt của những chiêu trò lố lăng và phản cảm.
Quan niệm người mẫu là một nghề "đào thải" cao dường như bị đảo ngược khi các người mẫu nổi lên từ mạng xã hội "xâm lấn" ranh giới của dàn mẫu chuyên nghiệp, điển hình là trường hợp Lê Bống bước chân lên sàn diễn chuyên nghiệp và Phạm Thoại trở thành "người mẫu" đình đám của thời trang Việt Nam.
Tuy nhiên, "Easy come, easy go" - những thứ sớm nở thì sẽ chóng tàn và những người mẫu mạng cũng thế. Quy trình đào thải của nghề người mẫu vẫn sẽ quay lại quỹ đạo ban đầu vì thời trang liên quan điểm thẩm mỹ và nghệ thuật. Những người mẫu mạng tồn tại trong một thời gian, nếu thiếu đi sự rèn luyện chuyên nghiệp và sáng tạo, thay đổi, sẽ mau chóng bị lãng quên bởi những người mẫu mạng thế hệ mới.
Nguồn: TH&PL