Những "tổ ấm" được tạo nên từ lầm lỡ "ngoài ý muốn" có thực sự ấm như chúng ta nghĩ?
“64,5% thanh niên quan hệ tình dục không an toàn” (2017)
“Mang thai ngoài ý muốn phải làm sao?”
“Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất Châu Á”
Thời gian qua, chúng ta đã được nghe quá nhiều về những dòng tin quen thuộc trên mạng xã hội đại loại như vậy. Những con số biết nói như tố cáo lại một xã hội với đầy định kiến gắt gao về tình dục và tố cáo cả một nền giáo dục giới tính “thất bại” tại Việt Nam. Các bạn trẻ yêu vội, sống vội, lên giường vội… và có thai ngoài ý muốn cũng vội.
Nhưng thật may quá, giữa vô vàn các trường hợp chọn phá thai khi lỡ có con ngoài ý muốn, có không ít bạn trẻ đã chọn xây “tổ ấm” vì hai từ trách nhiệm. Đầu tiên, chúng tôi xin cảm ơn các bạn vì quyết định liều lĩnh đó. Ít ra, các bạn cũng đã chọn phương án để cho đứa bé được sinh ra đời, được sống một cuộc đời “tổ ấm”. Nhưng tổ ấm mà những đứa trẻ này may mắn sở hữu có thật sự là tổ ấm hay không?
Nhân ngày Gia đình Việt Nam, chúng tôi muốn bàn đến một khía cạnh khác trong suy nghĩ của những đứa con "ngoài ý muốn". Họ được may mắn sinh ra đời, những tưởng sẽ có được hạnh phúc như bao đứa trẻ khác nhưng việc làm con của một cặp bố mẹ chưa đủ sẵn sàng cho chuyện lập gia đình thì cuộc sống sẽ khác đi như thế nào?
“Ba mẹ cưới nhau cũng chỉ vì lỡ có tôi thôi, căn bản tôi cũng chỉ là đứa trẻ ngoài ý muốn”
Vì có thai ngoài ý muốn nên phải cưới. Đây là câu chuyện mà chúng ta đã quá quen thuộc trong thời đại bây giờ. Đó có thể là câu chuyện của những người bạn đồng trang lứa, có thể là câu chuyện của con gái nhà bác hàng xóm, đôi khi cũng là câu chuyện của anh, chị, em trong gia đình, họ hàng. Có một điều buồn cười thay, khi thấy một đám cưới bất ngờ được tổ chức, người ta lại tụm năm tụm ba rồi bán tán: Chắc là cưới để “chạy làng”!
“Chạy làng” một ngôn ngữ nói giảm nói tránh nhằm ám chỉ những cặp đôi cưới nhau vì bác sĩ bảo thế. Mà thôi cũng không sao, chọn ở lại vì nhau để gánh trách nhiệm cũng là tốt lắm rồi, những đàm tiếu xung quanh có xá chi! Nhưng có khi nào chúng ta chịu khó dừng lại và quan sát, những cuộc hôn nhân chóng vánh vì “chạy làng” có kết cục thật sự ra sao hay không?
“Ba mẹ mình cưới nhau khi chỉ mới 17 tuổi, mình là kết quả ngoài ý muốn của ba mẹ. Bây giờ khi đã đủ nhận thức về mọi thứ mình mới hiểu, à… thì ra mình cũng chỉ là cục nợ ngoài ý muốn không ai chào đón cả. Ba mẹ mình bây giờ cũng có một cuộc sống không hạnh phúc. Họ buộc phải lấy nhau chắc tại vì có mình thôi” - K. một người bạn giấu tên chia sẻ.
Một lời tâm sự khác đau lòng hơn mà chúng tôi nghe được từ T.: “Mẹ từng muốn phá tôi đi. Bây giờ mẹ cũng thường hay la mắng tôi câu này: Biết vậy ngày trước tao không đẻ mày ra”.
Lắng nghe tâm sự của một số bạn trẻ sinh ra dưới danh phận “ngoài ý muốn” chúng tôi chợt chạnh lòng vì những sự thật phía sau công cuộc “chạy làng” bấy lâu nay. Hóa ra, không phải cứ lỡ có thai, đồng ý cưới nhau vì trách nhiệm là có thể xây dựng một tổ ấm hạnh phúc. Có lẽ, không phải ai cũng may mắn như vậy. Ngoài ý muốn, sau cùng cũng chỉ là một ý muốn không ai trông đợi, nên hình như “chạy làng” cũng chỉ là một giải pháp nhất thời mà không ai thật sự sẵn sàng vì điều đó.
“Nhiều khi tôi nghĩ, không sinh tôi ra có thể sẽ tốt hơn cho ba mẹ”
Khi một đứa trẻ thốt lên câu nói này thì sự tổn thương trong họ không thể diễn tả bằng lời được nữa. “Ngoài ý muốn”, không ai mong mình trở thành một đứa trẻ ngoài ý muốn cả. Điều mà mọi người con trên cuộc đời này mong ước đó là có đủ ba và mẹ, sống hạnh phúc trong một gia đình thật “ấm” dù vẻ bề ngoài của ngôi nhà đó trông như thế nào thì cũng không quan trọng.
Các cặp đôi chọn lấy nhau vì “chạy làng” cũng chỉ là một sự bất đắc dĩ như chính kết quả “ngoài ý muốn” mà họ tạo ra. Cặp đôi nào may mắn sẽ được sự hậu thuẫn từ gia đình hai bên và việc cưới nhau là chuyện họ đã xác định từ đầu như thế. Nhưng khi chưa thực sự hiểu về nhau, khi chưa có nền tảng kinh tế ổn định và việc gánh trách nhiệm cho cuộc đời nhau là một nhiệm vụ bất khả thi.
“Mình ám ảnh việc ngày nào ba mẹ cũng cãi nhau vì chuyện tiền nong, đến mức mỗi lần tới hạn đóng học phí mình cũng chẳng dám mở lời xin dù đã lố hạn rồi, vì mình sợ ba mẹ lại lôi mình ra làm cái cớ cho sự túng thiếu này. Mình biết ơn ba mẹ vì đã chọn sinh mình ra, nhưng mà nếu như không sinh mình ra thì cuộc sống của họ có tốt hơn không?” - K. chia sẻ.
Một sự chào đời đúng nghĩa trong niềm tự hào của ông bà, cha mẹ là điều mà những đứa con “ngoài ý muốn” luôn khao khát có được. Những đứa trẻ ấy sinh ra đã sở hữu một danh phận thiệt thòi, được lớn lên trong một tổ ấm không thực sự ấm, trở thành một cục nợ từ sai lầm tuổi trẻ của ba mẹ,...nhưng đó chỉ là một khía cạnh của câu chuyện.
Một viễn cảnh tệ hơn, là khi xảy ra chuyện ngoài ý muốn và không ai đứng ra chịu trách nhiệm, đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khi không có đủ cha lẫn mẹ, hoặc là mồ côi, hoặc là bị gọi là “đứa con hoang”... thì câu chuyện đã rẽ sang một bi kịch khác.
Đừng để lầm lỡ tuổi trẻ của bạn trở thành niềm ám ảnh của con cái sau này
Bài viết này không cổ xúy việc chọn gánh trách nhiệm khi lỡ có thai ngoài ý muốn là sai trái. Rõ ràng, giữa việc xóa bỏ và giữ lại đứa bé để nó được sống như một con người thì dĩ nhiên quyết định giữ lại đứa bé là một hành động cao cả mà không phải ai cũng làm được.
Nhưng xin bạn đừng đổ lỗi, đừng “tại vì”, cũng đừng giáng xuống đầu những đứa bé ấy bất kỳ danh phận xấu xí nào. Hãy thật sự yêu thương và trân trọng đứa con do chính mình sinh ra, hãy mạnh mẽ để đối diện với sai lầm của mình cho đến phút cuối cùng. Đừng để lầm lỡ tuổi trẻ của bạn trở thành niềm ám ảnh của con cái.
“Dù mình là một đứa trẻ ‘ngoài ý muốn’ nhưng dù sao mình cũng may mắn được sinh ra, như thế là đã hơn rất nhiều hàng trăm đứa trẻ bị tước đi cuộc sống mỗi ngày vì nạn nạo phá thai. Mình mong cầu tất cả những người trẻ sẽ hiểu được hệ lụy của tình dục không an toàn sẽ như thế nào, vì giải pháp là nạo phá hay giữ lại mạng sống cho đứa bé thì kết cục nào cũng không vui, chỉ là ai may mắn hơn ai mà thôi” - lời nhắn nhủ của T. - một đứa con “ngoài ý muốn”.
_________
GenVie ra mắt tuyến bài Người chơi hệ 18+ với mong muốn đem đến những câu chuyện, góc nhìn đa màu sắc trong thế giới tình dục của người trẻ. Đây là nơi để bạn mở lòng mình đón nhận vấn đề, thấu cảm và có cho mình những sự lựa chọn đúng đắn khi "làm chuyện 18+".
Nguồn: TH&PL