"Nghỉ việc âm thầm" (quiet quitting) đang ngày trở nên phổ biến. Đây là một trạng thái "phản kháng" của người lao động đối với công việc của mình.
"Nghỉ việc âm thầm" (quiet quitting) là trào lưu nghỉ việc trong im lặng. Đây là thuật ngữ biểu hiện hình thức nghỉ việc trong tâm lý bằng cách người lao động chỉ làm đủ việc rồi về, không tham gia hoạt động khác của công ty, đồng thời sẽ ngắt kết nối với đồng nghiệp ngay khi giờ làm kết thúc.
Hình thức nghỉ việc âm thầm đang ngày càng trở nên phổ biến. Người lao động chỉ làm đúng với những phần việc thuộc bổn phận, trách nhiệm của họ; họ sẵn sàng từ chối những công việc ngoài giờ và không bận tâm đến những người có liên quan tới công việc ngoài giờ hành chính.
Những điều này xuất phát từ đâu?
Thay đổi định hướng nghề nghiệp nhưng lại tiếc công việc hiện tại
Một trong những nguyên nhân khiến nhân viên rơi vào tình trạng "nghỉ việc âm thầm" đó chính là sự nhiệt huyết dành cho công việc hiện tại không còn nữa, họ có định hướng sẽ thay đổi nghề nghiệp, nhưng cũng tiếc công việc hiện tại mà mình từng gắn bó.
Thật vậy, sẽ có một lúc nào đó, thậm chí hơn một lần trong đời, quyết định sẽ thay đổi nghề nghiệp sẽ xảy ra. Lý do thay đổi trong nghề nghiệp của mỗi người có thể khác nhau, nhưng khi sự thay đổi nghề nghiệp được nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị sẵn sàng mới có thể mang lại kết quả tốt hơn, còn nếu không, đa số gen Z sẽ rơi vào tình trạng "nghỉ việc âm thầm" dù chính họ cũng không nhận ra.
Những lý do phổ biến khiến nhân viên muốn thay đổi nghề nghiệp của mình bao gồm: không còn sự nhiệt huyết với nghề nghiệp hiện tại, căng thẳng, cảm thấy công việc hiện tại không dành cho mình, tìm kiếm một sự linh hoạt hơn, mong muốn mức thu nhập tốt hơn, mong muốn trải nghiệm nhiều công việc hay đơn giản là muốn tìm kiếm cảm giác được đánh giá cao hơn. Họ sẽ làm công việc của mình một cách hời hợt, mong chờ có một cơ hội khác ngoài kia tìm đến, để dễ dàng lập tức nhảy việc.
Đồng nghiệp nói xấu lẫn nhau
Chuyện phiếm hay những tin đồn ở chốn công sở xuất hiện ở hầu hết mọi môi trường làm việc.
Chuyện phiếm, hay tin đồn (gossip), được xem như một kiểu giao tiếp không phụ thuộc trách nhiệm, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau.
Trong đó, những tin đồn thường nhằm mục đích gián tiếp công kích cá nhân, từ đó gây ra nhiều "drama" chốn công sở, văn phòng. Bên cạnh những người có khả năng đối phó với những tình huống này, thì có rất nhiều bạn trẻ ngại động chạm, luôn giữ thái độ bất mãn nhưng không thể hiện ra. Từ đó, họ nảy sinh cảm giác chán ghét môi trường làm việc.
Để có thể "an toàn", nhiều người đã chọn "nghỉ việc âm thầm" như một giải pháp để tránh vướng vào các mối quan hệ hay câu chuyện rắc rối không mong muốn.
Mô tả công việc/ KPI không rõ ràng
Phạm vi công việc là phạm vi trong thỏa thuận mà người lao động sẽ thực hiện, chúng được mô tả chi tiết trong phần mô tả công việc (Job Description).
Khi đã trực tiếp nhận việc, các phần trong bảng mô tả công việc sẽ được cụ thể hóa bằng các Scope of word (SOW). SOW bao gồm mốc thời gian (milestones), thời gian từng hạng mục (timeline), báo cáo, các chỉ số đánh giá (KPIs),...
Vấn đề với hầu hết các phạm vi công việc (SOW) là thiếu sự cụ thể. Với tư cách là người quản lý dự án, bạn sẽ sử dụng Scope of Work (SOW) để đảm bảo các kỳ vọng rõ ràng và được thống nhất, người lao động cần biết chính xác những gì họ phải làm. Vì thế, khi SOW không rõ ràng, sẽ khiến nhân viên "lúng túng" khi làm việc, nhiều vấn đề sẽ phát sinh, rắc rối và bất cập là điều khó tránh khỏi.
Việc không giao SOW cụ thể, hoặc hay thay đổi SOW cũng khiến người trẻ nản chí với công việc họ đang làm, và dần nảy sinh trạng thái "nghỉ việc âm thầm".
Mức độ hài lòng với công việc "xuống dốc"
Nghỉ việc âm thầm tức là nhân sự trong tình trạng không có ý chí làm việc, cảm thấy không muốn đóng góp quá nhiều vào công việc, chỉ muốn cống hiến ở mức tối thiểu và không có sự cầu tiến.
Khi nhân sự không còn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với công việc hiện tại thì "nghỉ việc âm thầm" là điều dễ xảy ra. Điều này có thể xuất phát từ chế độ phúc lợi của công ty không phù hợp, nhân viên bị stress liên tục vì cường độ làm việc cao,...
Nhiều nhà phân tích còn chỉ ra rằng, chính xu hướng hối thúc nhân viên làm việc chăm chỉ với lượng thời gian làm việc dài hơn, năng suất lao động cao hơn nhưng lương hay các chế độ ưu đãi không đáp ứng,... chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ hài lòng về công việc của nhân viên.
Không hài lòng với sếp
Không phải bất kỳ lãnh đạo lúc nào cũng luôn hoàn hảo trong mắt nhân viên, thậm chí có một vài trường hợp, "sếp" sẽ bộc lộ những điểm yếu của mình.
Mối quan hệ mà nhân viên có với cấp quản lý là yếu tố góp phần quan trọng tạo nên cảm nhận của họ về công việc của mình.
Khi nhân viên không thích cách họ được quản lý, bị giám sát hoặc không tin tưởng vào người quản lý của mình, cảm thấy sếp không thể giúp mình phát triển trong một thời gian dài, khi ấy "lòng nhiệt huyết" của họ sẽ bắt đầu bị lung lay.
Nhân viên sẽ không còn cảm thấy hài lòng với vai trò hiện tại của mình và thậm chí có thể rời đi, hoặc vẫn làm việc nhưng lại rơi vào trạng thái "nghỉ việc âm thầm".
Những người quản lý có kỹ năng lãnh đạo kém có thể là tác nhân ảnh hưởng đến sự thành công của doanh nghiệp. Đồng thời là nguyên nhân gây ra sự bất mãn tại nơi làm việc. Ngược lại, những nhân viên được lãnh đạo truyền cảm hứng sẽ dành thời gian đầu tư nhiều hơn cho công việc.
Đơn giản chỉ là cần nghỉ ngơi
Kiệt sức và căng thẳng là hội chứng cảm xúc, tâm lý đạt mức cao nhất mọi thời đại trên khắp các ngành nghề khi trạng thái làm việc ở mức căng thẳng lâu ngày.
"Nghỉ việc âm thầm" có thể là cách để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên trong môi trường làm việc độc hại. Từ đó, người lao động có thể giảm căng thẳng và mệt mỏi, cân bằng lại công việc và cuộc sống, cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.
Theo số liệu được quan sát từ các nghiên cứu cho thấy, có đến 54% nhân viên rất khó khăn để tận hưởng kỳ nghỉ một cách trọn vẹn. Với lý do khách quan và cả chủ quan, họ đã không thể rời công việc của mình.
Vì thế, "nghỉ việc âm thầm" sẽ tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, cải thiện sự tập trung, từ đó góp phần cải thiện chất lượng công việc được tốt hơn.