Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường cho rằng quản lý nhà nước cần đảm bảo hơn về quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp OTT trong nước và OTT xuyên biên giới trong các khía cạnh như giấy phép, nhập khẩu phim, tiêu chuẩn kỹ thuật phát sóng, kiểm duyệt nội dung, thuế và các chế tài khi vi phạm.
Nghị định 06/2016/NĐ-CP (sửa đổi) sắp ban hành đang nhận được sự quan tâm của giới trong nghề và dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo hiện tại đang thiếu quy định nhất thể trong quản lý nhà nước, không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Thái Cương (Chuyên gia pháp luật Việt Nam, Quốc tế) cho biết từ góc độ pháp lý, các quy định cần mang tính minh bạch, cụ thể. Từ tính minh bạch và cụ thể đó, việc áp dụng đạo luật mới sẽ dễ dàng hơn.
Hiện nay các nội dung truyền phát trên nền tảng trực tuyến và không gian mạng rất đa dạng, bao gồm cả phim và sản phẩm ghi hình không phải phim (tin tức, gameshow, trò chơi điện tử,...) nhưng không được đề cập trong Nghị định 06 (sửa đổi), và cũng không được điều chỉnh trong Luật Điện Ảnh. Nhiều nghi vấn đặt ra, liệu vậy hoạt động này có đang bị bỏ trống, không ai quản lý và giám sát?
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thái Cường cho biết các sản phẩm ghi hình không phải phim hiện nay đã được điều chỉnh bởi những khung pháp luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, những luật này đang được nằm rải rác ở nhiều bộ luật.
"Ở đây không hẳn là bỏ trống. Có thể nhà nước đang tiến hành quá trình thử nghiệm, từ những cái chung nhất, sau đó sẽ đưa vào từng cái cụ thể, chứ không phải mọi vấn đề đều được đưa vào luật điện ảnh này. Nó có thể được coi là đạo luật cơ bản đối với ngành điện ảnh", TS. Nguyễn Thái Cường cho biết.
Quản lý hoạt động của doanh nghiệp xuyên biên giới, hiện nay, Nghị định 06 (sửa đổi) chỉ mới đưa ra quy định quản lý đối với doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình có sử dụng tên miền do Việt Nam quản lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài nước sử dụng tên miền Quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam lại không được đề cập.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Thái Cường cho rằng những hoạt động OTT dường như bị bỏ ngỏ, nên những vấn đề mới cần có thời gian để cập nhật thêm. Ông nhận định rằng đạo luật mới này rất phức tạp, đòi hỏi quá trình thảo luận và thử nghiệm mới đưa ra ban hành chính. Nhiệm vụ của cơ quan nhà nước và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhất có thể đối với các doanh nghiệp OTT trong và ngoài nước.
"Giống như những hình thức kinh doanh mới, luật cũng cần sự thử nghiệm. Bởi thế, ta không cần quá lo sự bất bình đẳng, pháp luật sẽ định hướng và điều chỉnh. Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh phù hợp, tạo ra môi trường cạnh tranh. Ở đây không có bất kỳ sự ưu tiên nào cả", ông Cường nhấn mạnh.
Nghị định 06 (sửa đổi) hiện nay cũng có liên quan mật thiết đến sản phẩm của điện ảnh, nền tảng truyền phát trên hạ tầng viễn thông và nội dung phổ biến trên không gian mạng. Chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Điều 5 cũng có đề cập việc tuân thủ pháp luật về điện ảnh và viễn thông. Tuy nhiên, Nghị định 06 (sửa đổi) lại không có dẫn chiếu đến Luật Viễn Thông, Luật Điện Ảnh và Luật An Ninh Mạng tại phần Căn cứ.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Thái Cường cho biết: "Thực chất, những nội dung truyền phát trên không gian mạng cũng đã có những quy định chung, ví dụ như Luật an ninh mạng, quy định của Luật dân sự và những quy định trong Luật công nghệ. Những quy định này hiện tại chưa được bố trí chung nhất, nằm ở nhiều nơi rải rác. Về khó khăn trong cách quản lý, không có quá nhiều khó khăn, nhưng vấn đề là phải cụ thể hoá thế nào để nó được minh thị".
Từ góc độ pháp lý, TS. Nguyễn Thái Cường cho biết những quy định cần mang tính minh bạch, cụ thể. Từ tính minh bạch cụ thể đó thì việc áp dụng đạo luật mới sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời cũng đảm bảo hơn về quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về các khía cạnh như giấy phép, nhập khẩu phim, tiêu chuẩn kỹ thuật phát sóng, kiểm duyệt nội dung, thuế và các chế tài khi vi phạm.
"Phim không chỉ liên quan đến vấn đề văn hoá mà còn liên quan đến chính trị, xã hội, nên phải cẩn thận, đưa ra khung quản lý phù hợp", TS. Nguyễn Thái Cường chia sẻ.
Nguồn: TH&PL