Hành vi làm sai lệch lịch sử trong The Queen’s Gambit đã khiến Netflix đối mặt đơn kiện hơn 5 triệu USD từ kiện tướng cờ vua vô địch thế giới - Nona Gaprindashvili.
Series The Queen's Gambit được dựa trên tiểu thuyết cùng tên xuất bản vào năm 1983 của cố nhà văn Walter Tevis khi công chiếu đã thu hút rất nhiều khán giả xem bởi tính mới lạ. Bộ phim xoay quanh nhân vật Beth Harmon - cô bé 9 tuổi sống trong cô nhi viện vào thập niên 1950 ở Mỹ. Trong một lần tình cờ được tiếp xúc bộ môn cờ Vua, cô đã nhanh chóng thể hiện tài năng của mình và sau này trở thành kiện tướng vô địch của thế giới. Tuy nhiên, sự thành công của series trên đã nhanh chóng bị "dập tắt" khi kiện tướng Nona Gaprindashvili đệ đơn kiện vì đã bôi nhọ hình ảnh của mình trên phim.
BBC News: "Sai sự thật, cũng như bị phân biệt giới tính và coi thường"
Trở lại trong The Queen's Gambit - bộ phim được xây dựng dựa trên sự nghiệp của kiện tướng cờ vua có thật ngoài đời là bà Nona Gaprindashvili. Bà năm nay đã hơn 80 tuổi và trong tháng 9/2021 vừa qua đã đâm đơn kiện Netflix về tội phỉ báng sự nghiệp của mình. Cụ thể trong đoạn cuối của series, nhân vật chính thi đấu tại Moskva (Nga) đã đề cập đến nữ kiện tướng Nona Gaprindashvili với nội dung: "Bà là nhà vô địch thế giới nữ và chưa bao giờ thi đấu cờ vua với nam giới".
Câu nói đề cập đến thành công ngoài đời thực của bà đã bị nữ kiện tướng nhắc đến trong đơn kiện của mình là "rõ ràng là sai sự thật, cũng như bị phân biệt giới tính và coi thường", theo BBC News đưa tin. Tiếp nhận đơn khởi kiện, "ông lớn" cũng đã đưa ra biện minh rằng bộ phim "được xây dựng nhằm mục đích tôn vinh, chứ không phải chê bai bà ấy".
Gaprindashvili được biết đến là người đi tiên phong trong lĩnh vực cờ vua, trở thành người phụ nữ đầu tiên được Liên đoàn Cờ vua Quốc tế trao tặng danh hiệu Đại kiện tướng vào năm 1978, theo World Chess Hall of Fame đưa tin. Trong số nhiều giải thưởng của mình, bà đã 5 lần giành chức vô địch Thế giới dành cho nữ và 5 lần giành chức vô địch Cờ vua nữ của Liên Xô. Vì vậy mà lời thoại xuất hiện cuối phim hoàn toàn đang cố tình hạ thấp thành tựu của bà để tôn vinh nhân vật trong phim.
Một dòng cảnh báo là chưa đủ với những sai lệch về lịch sử
Trước đó, Netflix từng dẫn lại việc mình đã đề cập cảnh báo ở đầu phim rằng: "Mọi tình tiết và nhân vật được đề cập trong phim đều là hư cấu. Chúng tôi không có ý định mô tả về con người hoặc sự kiện có thật". Tuy nhiên, toà án đã nhanh chóng bác bỏ vì cho rằng như thế là chưa đủ để khiến khán giả phân biệt được ranh giới giữa đời thực và trên phim.
Xét trên nhiều góc độ, khán giả cũng bày tỏ rằng chỉ một cảnh báo đầu phim nhưng nội dung lại xây dựng gần như giống hoàn toàn cuộc đời người khác và thời lượng lại kéo dài nên việc họ sẽ nhớ nhầm, hoặc để lại ấn tượng sai lệch là có khả năng. Cũng theo BBC News, thì một thẩm phán liên bang hôm thứ Năm vừa qua (27/1) đã từ chối đề nghị của Netflix để bác bỏ vụ kiện do một cựu thành viên cờ vua Liên Xô khởi kiện.
Những lo ngại về việc có ấn tượng sai lệch về lịch sử là hoàn toàn có thật bởi tính đến thời điểm năm 1968 (mốc thời gian được Netflix đề cập) thì bà đã thi đấu ít nhất 59 nam kỳ thủ, trong đó có trận bà một mình đấu với 28 người cùng lúc. Đồng thời trong khoản thời gian đó, một số Đại kiện tướng lừng lẫy thế giới như: Boris Spassky, Viswanathan Anand và Mikhail Tal thì bả cũng đã thi đấu qua. Như vậy, khán giả hoàn toàn có thể hiểu lầm sự kiện trong phim với thành tựu ngoài đời thật của Nona Gaprindashvili.
Hiện tại, phía nữ kiện tướng Nona Gaprindashvili đã đề nghị Netflix phải bồi thường 5 triệu USD và 75.000 USD nữa cho các hợp đồng thương mại bị ảnh hưởng từ vụ việc trên. Bất chấp nhà sản xuất phim hàng đầu thế giới viện dẫn Hiến Pháp Mỹ cho phép sáng tạo nội dung từ các sự kiện có thật, nhưng việc nhân vật có thật cảm thấy bị coi thường hay phỉ báng cũng là hợp lý nên họ có quyền khởi kiện.
Nguồn: TH&PL