Dù xuất hiện tại Việt Nam gần nửa thập kỷ nhưng phong trào Me Too chưa thể gọi là đã có mặt ở Việt Nam.
Me Too là phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục được phổ biến rộng rãi nhiều nơi trên thế giới từ năm 2017. #MeToo cho thấy sức mạnh của tiếng nói tập thể, của tinh thần phản kháng từ những con người luôn bị coi là phái yếu.
Phong trào Me Too đã được phụ nữ khắp thế giới đón nhận khi họ ý thức rằng mình cần phải công khai câu chuyện để kẻ đáng xấu hổ là thủ phạm chứ không phải nạn nhân!
Nội dung liên quan
#MeToo cũng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ 5 năm trước, từ vụ quấy rối tình dục hồi tháng 4/2018.
Đến tháng 5/2018, vũ công Phạm Lịch đã tố ca sĩ nhạc rock Phạm Anh Khoa "gạ tình". Sự im lặng chối tội của Anh Khoa không tồn tại được lâu khi xuất hiện người thứ hai, rồi người thứ ba lên tiếng tố cáo.
Anh Khoa đã buộc phải cúi đầu, khóc xin lỗi các nạn nhân trong một họp báo chóng vánh. Thời điểm đó, nếu không có sức mạnh cộng hưởng từ nhiều nạn nhân cùng lên tiếng, dư luận vẫn tin rằng Phạm Lịch dựa hơi Anh Khoa để nổi tiếng.
Mới đây, hashtag #MeToo một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ sau lời tố cáo bị hiếp dâm từ 23 năm trước của nhà thơ Dạ Thảo Phương. Câu chuyện gây xôn xao văn đàn khi người bị tố cáo là ông Lương Ngọc An - Phó tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ.
Dù câu chuyện đã xảy ra từ 23 năm trước, tuy nhiên, sự lên tiếng của nhà thơ Dạ Thảo Phương đã có tác động rất tích cực trong việc giúp nhiều nạn nhân có thể đồng cảm và tự lên tiếng để bảo vệ bản thân mình. Và nhiều người nhận thức được rằng việc lên tiếng khi bị xâm hại tình dục, chưa bao giờ là quá muộn.
Có thể nói, với các vụ tố cáo liên quan đến tình dục gây tác động mạnh đến dư luận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù đã nhen nhóm xuất hiện tại Việt Nam gần nửa thập kỷ nhưng phong trào Me Too chưa thể gọi là đã có mặt ở Việt Nam.
Những sự việc này chỉ là manh nha để chúng ta có thể liên tưởng đến #MeToo trên thế giới, chứ thực sự chưa có một tổ chức nào đứng ra phát động và cổ vũ phong trào #MeToo tại Việt Nam. Dù vậy, sức ảnh hưởng lớn từ dư luận và tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng hiện nay sẽ là một tín hiệu tích cực để nhân cơ hội này đẩy mạnh hơn nữa tiếng nói tố cáo của phụ nữ.
Câu chuyện của nhà thơ Dạ Thảo Phương hiện nay chính là một hình thức phản tỉnh xã hội rất lành mạnh. Giúp mỗi người chúng ta nâng cao nhận thức và hiểu biết về quấy rối, tấn công và xâm hại tình dục - một vấn nạn có quá nhiều sự "giấu kín" xuyên suốt mấy thập kỉ và cả hiện tại.
Nguồn: TH&PL