Giảng dạy online trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện tại, MC kiêm giảng viên Trần Thanh Tùng đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề này.
Là một gương mặt thân quen với khán giả truyền hình qua những bản tin thời tiết của VTV, MC Trần Thanh Tùng thương được mọi người gọi bằng cái tên "anh chàng thời tiết". Ngoài sự nghiệp ở nhà đài đáng ngưỡng mộ, nam MC điển trai này còn đang làm giảng viên khoa Quản lý Kinh doanh - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội từ năm 2010 đến nay.
Được biết, anh là cựu học sinh trường THPT Minh Khai, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh trở thành sinh viên Đại học Thương mại, sau đó, anh tiếp tục học vấn của mình khi theo học Cao học tại ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Anh từng đoạt giải nhì giáo viên dạy giỏi toàn quốc hệ trung cấp chuyên nghiệp năm 2012 cùng nhiều bằng khen của Bộ Công thương, Công Đoàn Công thương,...
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp gần 4 tháng qua, việc giảng dạy và học tập cũng dần trở nên "online hóa". Lần đầu tiên ngành giáo dục phải dự phòng phương án dạy học từ xa trong 75% thời gian năm học.
Là một giảng viên gắn liền với hình thức giảng dạy online trong suốt thời gian qua, với tư cách là một giảng viên đại học, Trần Thanh Tùng cũng đã có chia sẻ thẳng thắn với về những khó khăn trong việc truyền tải kiến thức online. Qua đó anh cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho các bạn trẻ có đam mê theo đuổi công việc MC/BTV truyền hình.
Trải qua những ngày giảng dạy online vì ảnh hưởng của dịch bệnh, anh đang cảm thấy như thế nào?
Dịch bệnh những tháng quá đã làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta, trong đó có cả vấn đề về giáo dục. Nhưng ngành giáo dục của chúng ta đã kịp thích nghi rất nhanh và đã có những quyết sách kịp thời để đảm bảo tiến độ của các cấp học.
Trong bối cảnh khó khăn như thế chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những điều tích cực: đó là việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập diễn ra mạnh mẽ hơn. Đây cũng là xu hướng đang diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới. Dù có những bất cập không ít nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận và học cách "sống chung" với việc học và giảng dạy online vì thời điểm này chúng ta không còn cách nào khác cả.
Chúng ta đã nghe quá nhiều về những khó khăn của học sinh, sinh viên khi học online, vậy khó khăn của một giảng viên khi dạy online có hay không?
Vì đối tượng người học của tôi đa số là sinh viên nên cũng có nhiều thuận lợi các cấp bậc khác vì các bạn ấy đều đã trưởng thành rồi, lại có khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thành thạo nữa nên việc hợp tác giảng dạy cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên vì dạy học online nên giảng viên cũng gặp một số khó khăn trong việc diễn đạt, không tận dụng được triệt để sức mạnh của giọng nói, ngôn ngữ cơ thể. Và đặc biệt là sự tương tác với sinh viên, chắc chắn là hạn chế nhiều hơn so với trên giảng đường. Một khó khăn lớn nữa đó là giảng viên sẽ khó kiểm soát được lớp học với một số lượng sinh viên không nhỏ.
Những ngày qua, có rất nhiều sự việc liên quan đến mâu thuẫn giữa giảng viên - sinh viên trong quá trình học online. Anh có áp lực chuyện tất cả mọi buổi học và bài giảng của mình đều được quay màn hình lại, sau đó nó sẽ phát tán lên mạng xã hội bất kỳ lúc nào… và kèm theo "phốt"?
Bạn đề cập đến một câu chuyện rất hay. Đúng! Đó cũng là một vấn đề mà các giảng viên phải chú ý hơn thôi chứ tôi không nghĩ nó nặng nề đến mức trở thành "áp lực".
Thực tế là trên giảng đường, trong các bài giảng, chúng tôi đôi khi có thể truyền đạt theo một cách thoải mái, gần gũi hơn, thậm chí có những lời bông đùa với sinh viên vào lúc thích hợp để tạo ra không khí học tập vui vẻ. Nhưng đúng là với hình thức học online như thế này, người xem nhiều khi không còn chỉ là các bạn sinh viên trong lớp học nữa mà còn có thể là nhiều đối tượng khác. Chính vì thế, nội dung, ngôn ngữ, phong thái của giảng viên cũng nên chỉn chu nhất có thể để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Vậy anh đã làm như thế nào để tránh tình huống đó xảy đến với mình?
Khi đã đứng trên bục giảng, bản thân mỗi giảng viên như chúng tôi đã tự phải ý thức được việc mọi lời nói, hành vi của mình đều có thể trực tiếp ảnh hưởng đến các em. Vì thế luôn cần phải giữ được tính mô phạm nhất định trong giảng dạy. Nhưng với tôi, một bài giảng mà mô phạm quá, chỉn chu quá đôi khi lại làm giảm đi sự thú vị và hấp dẫn.
Trong quá trình giảng dạy từ bục giảng cho đến trước màn hình máy tính, tôi luôn cố gắng tạo ra một không khí học tập vui vẻ, gần gũi và cởi mở nhất có thể trong phạm vi cho phép. Ngoài ra, tôi luôn cố gắng rút ngắn khoảng cách thầy - trò nhưng không để mất ranh giới đó. Cứ dạy các em bằng hết trách nhiệm và thiện chí của mình, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp. Tôi nghĩ vậy!
Thế hệ Z bây giờ rất quan tâm đến ngành báo chí truyền thông và công việc MC tại VTV. Và VTV cũng là điểm đến mơ ước của nhiều bạn. Anh có thể chia sẻ một chút hành trình của mình để chạm đến ước mơ này không?
Một hành trình vừa tình cờ vừa chủ động. Tình cờ là tôi được một người bạn nhận thấy có tố chất, có khả năng và phù hợp nên đã giới thiệu sang thử việc với vai trò là một người dẫn bản tin dự báo thời tiết. Chưa kịp háo hức thì tôi bắt đầu vỡ mộng vì mọi thứ không dễ dàng, hào nhoáng như mình tưởng. Yêu cầu của công việc rất cao. Dù tôi đã từng có vài năm kinh nghiệm dẫn dắt ở một số kênh truyền hình khác. Tôi tập luyện tới cả nửa năm trời nhưng vẫn chưa được duyệt. Đúng thời điểm tôi cũng gặp một số vướng bận cá nhân khác nữa nên đã xin dừng lại…
Bẵng đi hơn một năm, tự nhiên thấy nhớ ánh đèn, nhớ trường quay, nhớ công việc cồn cào. Cảm thấy hành trình trước đó mình vẫn có thể nỗ lực nhiều hơn nữa. Tôi đã chủ động kết nối, xin một cơ hội quay trở lại. Từ đó tôi tập trung cao độ, dồn mọi tâm huyết của mình vào các buổi tập, tìm hiểu thêm về khí tượng, về phong cách dẫn của các MC dự báo thời tiết trên thế giới. Và cuối cùng, mọi nỗ lực cũng đã được đền đáp khi tôi chính thức trở thành gương mặt của Bản tin dự báo thời tiết. Và gắn bó cho đến nay cũng đã 7-8 năm rồi. Công việc cứ thế phát triển lên. Sau này tôi còn tham gia dẫn nhiều chương trình khác nữa.
Theo anh, 3 tiêu chí quan trọng nhất để có thể làm một MC/BTV là gì?
Nếu chỉ được chọn 3 tiêu chí, tôi sẽ chọn: Trung thực, năng động, chịu được áp lực.
Vừa làm giảng viên vừa làm MC, anh thấy hai công việc này bổ trợ cho nhau như thế nào?
Hai công việc rất khác nhau nhưng lại bổ trợ khá nhiều cho nhau: Làm giảng viên tôi luyện được cho mình kỹ năng làm việc, nghiên cứu khoa học, và sự chỉn chu trong từng bài giảng. Tôi có thể áp dụng điều đó để việc dẫn được sâu sắc hơn.
Ngược lại, vì là người dẫn chương trình nên tôi cũng phải tìm hiểu kỹ đối tượng khán giả của mình là ai? Họ cần gì? Từ đó tôi cũng sẽ biết lắng nghe sinh viên của mình hơn. Cố gắng đặt các bạn làm trung tâm và khai thác triệt để năng lực cá nhân của các bạn.
Thật khó để nói tôi thích nghề nào hơn. Vì tất cả đều là nghề, thậm chí là nghiệp rồi. Chỉ biết là cứ cần mẫn làm tốt việc của mình mà thôi.
Với tư cách là một giảng viên, anh nghĩ như thế nào về tình trạng "lạm phát" điểm thi Đại học xảy ra năm nay khiến hàng nghìn bạn dù điểm cao nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng?
Đó là vấn đề được cả xã hội quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt là năm nay, tôi được biết là có những em đạt 29.5, thậm chí 30 điểm mà không có điểm ưu tiên vẫn không trúng tuyển đại học. Đọc những thông tin kiểu như thế tôi thấy thực sự xót xa và day dứt thay cho các bạn! Giá như có một cơ chế nhất định nào đó cho những trường hợp đặc biệt như thế thì tốt và các trường cũng sẽ không phải bỏ lỡ các tài năng.
Với những ai chưa may mắn tại kỳ thi năm nay. Tôi mong các em đừng quá thất vọng hay chán chường. Các em còn rất trẻ và con đường phía trước còn rộng mở lắm. "Thua keo này ta bày keo khác". Hãy lựa chọn những mục tiêu phù hợp với sức của mình. Lên kế hoạch cụ thể để chinh phục những mục tiêu ấy. Cứ quyết tâm và bền bỉ, thành công rồi sẽ đến thôi!
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Nguồn: TH&PL