Sự vụ Em Và Trịnh với danh ca Khánh Ly, thực tình khiến người ta nghĩ nhiều hơn về hai chữ “trách nhiệm” được đặt để ở đâu khi đứng cạnh “nghệ thuật”.
Nhiều ngày, im lặng trước cơn "sóng dữ" là lựa chọn của nhà phát hành đối với sự vụ Em Và Trịnh - danh ca Khánh Ly. Sóng lớn để trả biển êm, còn phớt lờ để… tăng doanh thu? Câu chuyện "cấn cấn" mà ai cũng đều thấy (hoặc thấy như chưa) thời gian qua khiến sức hút của một dự án ngày càng tăng cao.
Tất nhiên, phim được quan tâm là một điều đáng mừng, phim Việt lại càng mừng hơn. Nhưng cũng có kiểu thu hút "this" và "that". Khi cả những nhà phê bình, khán giả, người tiếp nhận nảy lửa tranh cãi, tự phản biện lẫn nhau thì đơn vị phát hành chọn đứng ngoài cuộc chơi. Ai làm gì cứ làm, ai nói gì cứ nói, miễn phim vẫn công chiếu và con số doanh thu tăng trưởng là đủ.
Hư cấu suy ra nhân vật nguyên mẫu bị phớt lờ?
Trong những "nàng thơ" được kể, Khánh Ly (Bùi Lan Hương) được đánh giá nổi bật hơn cả khi vẽ ra cảm giác chân thật và đáng tin. Không quá đáng khi nói nhân vật này giúp giữ chân một lượng lớn khán giả.
Giữa những "Em" mộng mị và mơ màng của Trịnh, cá tính của Khánh Ly nổi trội hơn hẳn, đồng thời cũng đáp ứng được những tiêu chuẩn của đời sống hiện tại. Thêm vào những tin tức trước khi phát hành rằng, phim "việc thật người thật" đã trao đổi với danh ca Khánh Ly về những điều đang được công chiếu.
Khán giả càng có cơ sở tin đó là Khánh Ly - một câu chuyện có thực được dịp kể rộng rãi.
Tái hiện trên màn ảnh, câu chuyện đời Trịnh, nhạc Trịnh và rồi gắn mác hư cấu để ai bàn mặc ai. Hình mẫu nguyên bản lên tiếng về những mâu thuẫn tình tiết và tính cách hoá trên màn bạc, lại nhận về sự im lặng đến đáng sợ từ phía chịu trách nhiệm sản xuất.
Chắc hẳn phải có trúc trắc đằng sau, danh ca Khánh Ly mới gay gắt nhiều đến vậy khi nhắc về phim. Xây dựng một nhân vật từ hình tượng có thật, sử dụng tên tuổi và khai thác những chất liệu xoay quanh bà nhưng đoàn phim lại vịn vào hai chữ "hư cấu" để dửng dưng như không có gì.
Trách nhiệm "rơi rớt" nơi nhà sản xuất
Sự thật đang tồn tại, nhà phát hành không có động tĩnh gì trước nhiều lần lên tiếng từ danh ca Khánh Ly. Song, vẫn liên tiếp quảng bá sự thành công phòng vé nhiều ngày qua. Chiến lược social vẫn được đẩy mạnh, giữa những khen chê doanh thu sắp chạm mốc 100 tỷ.
Bên cạnh đó, sự im lặng đồng loạt của các diễn viên, từ những người tham gia công tác hỗ trợ Em Và Trịnh khiến danh từ trách nhiệm nơi đoàn phim trở nên xa xỉ.
Không có gì đáng bàn, khi ngày càng xuất hiện nhiều sự lên tiếng "bắt nạt" người bạn tri kỉ của Trịnh. Một nhà phê bình điện ảnh có uy tín lớn trong giới, dùng những lời lẽ không mấy hay ho để nhận xét quyền được nói của danh ca như "thiếu hiểu biết", "tốt nhất là không nên lên tiếng".
Quan trọng, những sự lên tiếng lại không chính thức đại diện cho nhà phát hành.
Một đoàn phim khi phác hoạ và tạo nên một hiểu biết mới về nhân vật có thật, đang còn sống (hay đã mất) điều kiện cần là phải có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Thậm chí có đối chất, bàn luận để bảo vệ hay lên tiếng đính chính cho những sự vụ xoay quanh quyết định đã được đưa ra.
Điều đó, chưa được đoàn làm phim Em Và Trịnh thực hiện!
"Trưởng thành" trong cư xử là điều buộc có!
Trước đây, từng có tác phẩm Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên cũng từng vay mượn chất liệu từ đời sống và nhạc của Trịnh Công Sơn để phát triển trên màn ảnh. Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lại có cách ứng xử được lòng cả nguyên mẫu Trịnh Công Sơn.
Khác với Em Và Trịnh được truyền thông rộng rãi là phim tiểu sử, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định "Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên không phải bộ phim chân dung kể về cuộc đời Trịnh. Chúng tôi sử dụng những bài hát của anh ấy để tạo ra một con người, thân phận nhạc sĩ". Ngay từ tinh thần đã có sự khác biệt rõ rệt, do đó Trịnh Công Sơn trở thành Quang Sơn, Khánh Ly thành Huyền My,...
Cách cư xử của hai đoàn làm phim khác nhau, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên không tạo ra sự mập mờ, thiếu rõ ràng giữa nguyên tác và phim. Hay cụ thể hơn, nó không lấy tiểu sử của các nhân vật có thật để quảng bá. Nhờ thế, phim nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Cái câu chuyện trong phim cũng giống đời tôi lắm. Nó không phải là tôi nhưng rất giống tôi".
Đó mới được xem là sự thành công của một tác phẩm phác hoạ lại câu chuyện đời sống của một nhân vật có thật. Khâu đầu tiên, phải được những con người nguyên bản tôn trọng và quý mến, dù hư cấu đến mấy cũng phải giữ lại một phần hồn của sự thật.
Việc về nước của danh ca Khánh Ly vừa hay đúng thời điểm Em Và Trịnh kể câu chuyện của chính bản thân nó. Va vấp không ít khen chê, tạo làn sóng tranh cãi cho điện ảnh Việt còn "hiền lành" bấy lâu. Để từ đó những khúc khuỷu trong danh ca Khánh Ly, cần một sự "trưởng thành" từ nhà phát hành để được giải thích thỏa đáng.
Nếu nhà phát hành Em Và Trịnh cư xử khác đi, làm tốt công việc tiền kỳ với các hình tượng nguyên tác còn sống thì làm gì có cớ sự hôm nay. Dẫu cho mọi sự trước đó đã rồi thì lựa chọn im lặng như hiện tại cũng đâu phải là một cách hay?
Biết đâu cục diện sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt lên khi có một văn bản hay sự lên tiếng rõ ràng từ đoàn làm phim về những ồn ào xoay quanh. Khán giả cũng đang rất trông chờ một lần được nghe lý giải đúng sai về hình ảnh thần tượng của họ giống khác thế nào trong chế tác điện ảnh Em Và Trịnh. Chí ít là để họ đi xem phim với một tâm thế... thoải mái hơn.
Vậy tại sao, lại không lên tiếng!
Nguồn: TH&PL