Trường Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nơi từng được ví là nhà tù đanh thép, "chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt".
Ngày 5/9 vừa qua hình ảnh cô Phó Hiệu trưởng Văn Thùy Dương đứng giữa sân trường vắng lặng đọc diễn văn chào mừng năm học mới tại trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).
Đó cũng được xem là bức ảnh lịch sử, sẽ mãi là khoảnh khắc không quên trong suốt chặng đường "trồng người" của cô và cũng là kỷ niệm khó quên của các bạn học sinh, người dân Việt Nam khi nhắc nhớ về ngày hôm qua.
Nhắc đến ngôi trường này, chắc hẳn đã không còn quá xa lạ với người dân Hà Nội. Trường Lương Thế Vinh là một trong những ngôi trường nổi tiếng hàng đầu Hà Nội về chất lượng giáo dục trong những năm qua. Đây được xem là "người anh cả" trong các khối trường THPT dân lập đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập bởi Cố Phó Giáo sư Văn Như Cương.
Nhà tù đanh thép của ông "đồ gàn" Văn Như Cương
Trường THCS THPT Lương Thế Vinh được thành lập đến nay đã đi qua chặng đường hơn 30 năm giáo dục, phát triển và khẳng định vị thế riêng của mình. Cũng từng được ví von là "nhà tù" với những nội quy, kỷ luật thép.
Điều này có lẽ đúng vì từ khi thành lập nhà trường đã định hướng mục tiêu đào tạo "Giáo dục toàn diện cho học sinh đỗ tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nhất cho các em học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng".
Người đặt viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục ngoài công lập đã xây dựng, phát triển trường trở thành một nơi chắc chắn để phụ huynh yên tâm cho con em của mình theo học tại đây.
Các thế hệ ở Lương Thế Vinh đều đã được tôi luyện bởi những quy định, những điều cấm kỵ không được phép làm khi theo học tại trường. Từ năm 2013, ông đã nêu ra những điều cấm kỵ khi sử dụng Facebook. Thầy cũng từng đuổi học một số em vì những hành vi không đúng trên mạng xã hội. Thầy tuyên bố sẽ đuổi giáo viên nào tát học sinh, yêu cầu đóng cửa các trang Confession (thú tội) để không làm ảnh hưởng học tập.
Nhắc đến đây không thể nào không nhắc đến những điều "ông tiên" của ngôi trường trạng Lường này từng nói: "Đối với con cái, nếu yêu cho roi vọt là quan điểm sai lầm thì yêu cho ngọt bùi cũng sai lầm không kém".
Mỗi học sinh trước hết phải là những người tử tế, "các con có thể sẽ trở thành nhà nghiên cứu thành công, doanh nhân tầm cỡ, lãnh đạo xuất sắc, chính khách uyên bác,...nhưng trước hết phải là người tử tế".
Trường học của sự kỷ luật, có phần "hà khắc" đối với những cô cậu học trò mới lên nhưng chắc hẳn trong tâm trí mỗi học sinh trường Lương Thế Vinh hình ảnh thầy Văn Như Cương hiện lên như một ông tiên giữa đời thực, cương nghị, thẳng thắn, nghiêm khắc nhưng vô cùng nhân hậu và đầy lòng vị tha.
Dù thầy không còn, nhưng ngôi trường Lương thế Vinh vẫn luôn đi theo những tôn chỉ đã được đặt ra, dù có "đanh thép" nhưng học sinh vẫn có nhiều hoạt động tưởng như: xếp hạc giấy, làm phim nhớ về ông "đồ gán", quyên góp từ thiện trẻ vùng cao như di nguyện của thầy...Thành tích học tập của học sinh Lương Thế Vinh cũng là điều làm cho xã hội công nhận, trường dân lập vẫn chất lượng và tầm cỡ như các trường công lập.
Những nội quy, quy định 1-0-2 chỉ có tại Lương Thế Vinh
Nơi đây đã từng bị tố rất nhiều về việc hà khắc trong những quy định, kỷ luật thép khiến nhiều học sinh, phụ huynh từng phải trải qua cảnh "chưa vơi nụ cười đã rơi nước mắt". Nhắc đến Lương Thế Vinh không thể nào không nhắc qua những điều không bao giờ được làm đối với học sinh.
Quy định "đanh thép" về các vấn đề trong trang phục, không đi dép lê, dép quai hậu xỏ ngón, giày cao gót. Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc. Học sinh ra vào trường phải quẹt thẻ theo đúng quy định, nếu quá 3 lần/một kỳ không quẹt thẻ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của kỳ học đó. Học sinh vào lớp muộn quá 5 phút (bất cứ tiết học nào) đều không được vào lớp và phải lao động công ích trong suốt thời gian còn lại của một tiết.
Ngoài ra, trường Lương Thế Vinh đưa ra rất nhiều điều "không" như: Không đi xe máy khi chưa có bằng lái xe; không văng tục, gây gổ, đánh chửi bạn; không vào quán chơi điện tử trước hoặc sau giờ học. Học sinh tuyệt đối không được mang và ăn kẹo cao su trong trường, nếu vi phạm sẽ xử phạt nặng.
Và còn rất nhiều quy định khác đã tạo nên thương hiệu riêng tại ngôi trường này. Điều đặc biệt hơn hết, học sinh theo học tại trường không thể nào xem nhẹ những điều cần phải làm khi sử dụng mạng xã hội (Facebook).
Từ năm 2013. trường Lương Thế Vinh còn có quy định riêng về việc sử dụng Facebook và nó có hiệu lực đến hiện nay. Theo đó, trên mạng xã hội, học sinh không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt. Học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu người khác, chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm.
Việc môi trường giáo dục có những quy định nghiêm khắc là tốt cho học sinh. Nghiêm khắc ở đây không tuyệt đối, không phải là hà khắc, để tạo ra những sản phẩm giống nhau là điều mà nhà trường, giáo viên và học sinh đều hướng đến.
Sau chặng hành trình suốt ba mươi năm vừa qua, nhà trường đã thu về những trái ngọt về việc đào tạo, giáo dục, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% trong nhiều năm trở lại đây. THPT Lương Thế Vinh đứng thứ 7 toàn quốc về xếp loại các trường THPT có điểm thi vào đại học từ cao xuống thấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm qua.
Nguồn: TH&PL