Mạng xã hội đang dành sự chú ý cho bức ảnh xúc động trong ngày khai giảng không bóng dáng học sinh, ngoài ra họ còn liên tục bàn tán xoay quanh hình xăm của cô Phó hiệu trưởng.
Trong buổi lễ khai giảng vừa qua, xuất hiện bức ảnh nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng bởi trong thời khắc đáng lẽ mọi thứ phải được nhộn nhịp hân hoan cùng tiếng trống trường thì lại là khung cảnh đìu hiu và im lặng, chỉ còn lời phát biểu của Phó hiệu trưởng nhà trường.
Tuy nhiên, thay vì dành sự quan tâm đến câu chuyện đầy xót thương này, nhiều người lại tập trung công kích và chia làm 2 luồng ý kiến trái chiều với việc giáo viên có hình xăm.
Tại sao phải chú tâm vào hình xăm trong thời khắc ý nghĩa?
Theo đó, cô Văn Thùy Dương nguyên Phó hiệu trưởng của trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) phát biểu trong buổi lễ khai giảng đã thu hút được hàng ngàn lượt thích và bình luận.
Bức ảnh được lan truyền nhanh chóng khắp nơi, bởi lẽ chưa từng có ai chứng kiến một buổi lễ khai giảng đặc biệt như thế, nó làm người ta xúc động và không khỏi xót thương cho nhiều bạn học sinh vì dịch bệnh mà không thể tận hưởng được không khí đầy thiêng liêng này.
Song đó nhiều người lại bỏ qua những điều ý nghĩa trên chỉ vì sau gáy của giáo viên có hình xăm, họ đưa ra hàng loạt những quan điểm phản đối, thậm chí có phần công kích và xúc phạm đến nghề giáo vì trong tư duy của nhiều người khó lòng để chấp nhận được vấn đề này. Họ chăm chăm nhìn vào và soi mói chỉ vì một hình xăm, tự mặc định đó là một điều gì đó rất xấu xa.
Dân mạng cũng dần mang sự việc này ra để tranh luận cùng nhau về vấn đề đúng sai của một người làm nghề giáo có hình xăm, mà chẳng còn ai còn quan tâm đến bức ảnh về một hiện thực từ những tác động ghê gớm của dịch bệnh. Họ khắt khe trong tất cả mọi vấn đề, vội vàng đánh giá một cá nhân với vô số những điều tiêu cực chỉ vì có một số vấn đề vượt khỏi những suy nghĩ vốn có của họ.
Đối diện với một cuộc công kích lớn trên mạng xã hội, cô Văn Thùy Dương cũng đã có những lên tiếng trên trang cá nhân của mình để mọi người có cái nhìn khách quan hơn về sự việc. Cụ thể cô đã đưa ra những quan điểm của riêng mình và giải thích ý nghĩa của hình xăm, đồng thời cô còn khẳng định: "Đây là một hình đẹp và ý nghĩa".
Định kiến hình xăm trong sự khác biệt về tư duy
Cách đây 6 năm một giáo viên dạy Tiếng Anh tại Phú Thọ cũng đã bị cộng đồng mạng lên án gay gắt bởi trên người có hình xăm. Đồng thời cô cũng đã có động thái viết tâm thư để giải thích rõ với nhiều người và nhấn mạnh: "Hình xăm của cô không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục hay hình ảnh của nhà trường".
Liên hệ 2 sự việc trên có thể thấy dù đã hơn nửa thập kỷ trôi qua, thậm chí là hơn thế nữa thì câu chuyện hình xăm vẫn là vấn đề muôn thuở được nhắc đến với những sự quy chụp và đánh đồng. Điều này có thể hiểu trong lối tiếp nhận tư duy, văn hóa của người phương Đông hoàn toàn có nhiều điểm khác biệt so với phương Tây, trải qua một quá trình dài để hình thành nên những chuẩn mực thì rất khó để có thể thay đổi.
Trong sự việc này thì vẫn chưa thể nào nhận định được đúng sai, bởi lẽ vấn đề hình xăm nó thuộc về những bất đồng trong quan điểm, chính từ sự khác biệt đó thì vẫn sẽ gây ra nhiều sự tranh cãi. Tuy nhiên, nhìn về một khía cạnh khác thì rõ ràng đây thuộc quyền riêng tư và sở thích cá nhân của mỗi người, nên chúng ta không có quyền để buộc ai đó phải tuân theo những suy nghĩ của mình.
Tranh cãi đó cũng có thể đến từ việc nhìn nhận vấn đề ở những góc độ khác nhau. Ta có thể thấy được những giáo viên trên theo chủ nghĩa tự do và tôn trọng sở thích, cũng như quyền riêng tư của bản thân, còn với những người công kích trên mạng xã hội thì họ vẫn đang đứng trên quan điểm lâu đời của Nho Giáo về một người thầy chuẩn mực. Vì vậy hình xăm hoàn toàn không sai hay lệch chuẩn, chỉ là do suy nghĩ với những tư tưởng thì mới khiến nó trở nên sai trái.
Đừng nên đánh giá con người qua hình xăm
Bất kể trong một nhóm thiểu số nào khác nhiều so với đám đông thì người ta thường có xu hướng chỉ chú ý vào những điều không tốt đẹp và nhận định cả một cộng đồng, tập thể đó cũng như thế. Họ luôn cho rằng hình xăm chỉ dành cho những người chợ búa, máu mặt hay các đảng phái và dùng nó để đánh giá một người.
Xã hội đã ngày càng hiện đại với những bước tiến vượt bậc thì chúng ta cũng cần nên có cái nhìn rộng mở hơn, tiếp thu những điều tốt đẹp để cuộc sống được trở nên văn minh và dễ dàng. Tất nhiên sẽ không phải việc ta chối bỏ hoàn toàn những thuần phong mỹ tục vốn có, mà sẽ làm cho nó ngày càng được trở nên mới mẻ và phù hợp với thời đại hơn.
Đâu phải chỉ những người làm nghệ thuật mới được có hình xăm, chúng ta không thể nào có cái nhìn định kiến khi đánh giá ai đó chỉ qua những hình xăm. Nghề nghiệp vốn cũng chỉ là "cái áo" khoác trên người, cốt lõi vẫn là nhân cách và cái tâm với công việc mà bản thân đang hướng đến.
Tất cả cần phải được đánh giá trong cả một quá trình dài với những giá trị mà họ cống hiến chứ không phải vì mắt nhìn thấy hay những suy nghĩ mang nặng định kiến.
Nếu ta có cái nhìn tích cực hơn thì sẽ thấy những người có hình xăm không phải để họ chứng tỏ bản thân mình là ai, đôi khi chỉ vì nó gắn liền với những sự kiện đặc biệt trong đời buộc họ phải khắc ghi hay mang nhiều tầng ý nghĩa khác. Nó có thể xuất hiện trên một cô gái với mái tóc thướt tha, chàng trai văn phòng, một ông bố của những đứa con hay cụ ông ở tuổi xế chiều… Tất cả đều bình đẳng và hình xăm không phải thứ để đánh giá con người.
Nguồn: TH&PL