Nhân ngày 20/10, đừng quên tôn vinh những nữ vận động viên của làng thể thao Việt Nam, luôn tập luyện trong môi trường thể thao khắc nghiệt, quanh năm cố gắng nâng cao thành tích thi đấu.
Thể thao không chỉ là sân chơi dành riêng cho phái mạnh bởi các nữ vận động viên luôn có đóng góp lớn vào thành công chung. Trong bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới, không khó để thấy những cái tên nữ giới ghi dấu ấn tài năng.
Tại kỳ đại hội Olympic Tokyo vào mùa hè vừa qua, đoàn thể thao nước ta góp mặt tới 10 gương mặt nữ. Đó là minh chứng cho thấy phụ nữ Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia nào. Để có thể tới được Olympic, họ đã phải tập luyện cũng như cống hiến vô cùng vất vả với mong muốn vươn xa hai chữ Việt Nam. Họ toả sáng không chỉ nhờ thực lực trên trường quốc tế mà còn sở hữu ngoại hình vô cùng quyến rũ. Hãy cùng điểm qua những "bóng hồng" Việt mạnh mẽ nhất tại Olympic Tokyo 2020.
Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi lội)
Nhắc tới những nữ vận động viên có sự nghiệp thể thao vinh quang nhất, không thể không kể đến Nguyễn Thị Ánh Viên. Kình ngư Ánh Viên sinh năm 1996 tại TP.Cần Thơ và là VĐV bơi lội xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam. Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, cô đã từng giành 25 HCV SEA Games; 1 HCB và 1 HCĐ vô địch châu Á; 2 HCĐ Asiad; 2 lần tham dự Olympic…
Ánh Viên cũng là VĐV được đầu tư lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam. Cô được đi Mỹ tập huấn dài hạn từ năm 2012 đến 2019 với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Ánh Viên đã phải đánh đổi cả thanh xuân, tạm quên đi hạnh phúc của chính mình để cống hiến cho nền thể thao đất nước. Dù mới đây đã có thông tin Ánh Viên xin thôi tuyển và dừng sự nghiệp thi đấu ở tuổi 25 nhưng những thành tích của Ánh Viên vẫn mãi ở đó và là minh chứng cho người phụ nữ Việt mạnh mẽ và luôn ngoan cường trên mọi thế trận.
Hoàng Thị Duyên (Cử tạ)
Nhiều người nghĩ rằng bộ môn cử tạ đầy sức mạnh chỉ dành cho phái mạnh, thế nhưng lĩnh vực này không hề thiếu bóng dáng của các cô gái. Hoàng Thị Duyên chính là một trong số đó. Cô gái người dân tộc Giáy từ tỉnh Lào Cai chính là VĐV nữ duy nhất tranh tài tại bộ môn Cử tạ ở Olympic Tokyo 2020. Tại Trung tâm huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Lào Cai, cô không chỉ là VĐV xuất sắc của cử tạ Việt Nam mà còn là người chị đi trước, là tấm gương sáng trong luyện tập cũng như thi đấu.
Từ việc lén bố mẹ đi bộ 12km mỗi ngày để tập tạ, cô gái trẻ đã đạt hàng loạt thành tích đáng nể trong bộ môn được xem là "khó ăn" này. HCB Giải vô địch châu Á 2016, HCĐ Giải vô địch châu Á 2021, 3 HCV Cúp cử tạ thế giới 2020 cùng nhiều huy chương tại SEA Games.
Các HLV cho biết, Duyên tính trầm, ít nói nhưng lại vô cùng siêng năng trong tập luyện. Vượt qua mọi khó khăn từ thời thơ ấu, cô gái trẻ đã đi được một hành trình đáng tự hào từ miền núi cao của Việt Nam để tới được đấu trường cao nhất của thể thao thế giới.
Nguyễn Thị Thanh Thủy (Judo)
Nguyễn Thị Thanh Thuỷ là một trong những cái tên khá kín tiếng của ngành thể thao Việt Nam. Cô sinh năm 1996 tại Trà Vinh, là một gương mặt gây bất ngờ khi vào năm 21 tuổi đã giành ngôi quán quân tại SEA Games 2015. Tấm huy chương đó đã khiến tên tuổi cô vụt sáng khi hàng loạt cái tên chủ lực của đội tuyển quốc gia đều không đạt được thành tích như ý.
Kể từ đó, Thanh Thuỷ dần quen mặt hơn với fan hâm mộ khi tham gia hàng loạt giải đấu quốc tế như Oceania Open Wollongong 2015, đạt hạng 5 giải Vô địch Châu Á 2017, HCĐ Giải Châu Á mở rộng 2018 tại Đài Loan, 2 huy chương tại SEA Games 2019. Qua quá trình gian khổ tập luyện, nữ võ sĩ đạt thứ hạng 6 trên bảng tổng sắp thế giới vào năm 2020.
Đấu trường tại Tokyo chính là cơ hội dự Olympic đầu tiên của cô, dù phải chia tay từ sớm nhưng điều đó cũng đã nói lên thực lực khó tin của cô gái miền Tây bé nhỏ trước hàng loạt đối thủ "sừng sỏ" của thế giới.
Nguyễn Thùy Linh (Cầu lông)
Sở hữu gương mặt khả ái cùng thành tích thi đấu thể thao ấn tượng, Nguyền Thuỳ Linh được xem là hạt giống số 1 cầu lông nữ toàn quốc. Không chỉ vậy, cô còn có biệt danh là "hoa khôi cầu lông" Việt Nam.
Theo chia sẻ với giới truyền thông, nàng "hot girl" bén duyên với nghiệp thể thao từ tháng ngày dõi theo các cụ hưu trí đánh cầu lông ở nhà văn hoá. Những cú vợt đầu tiên do ông ngoại chỉ bảo từ năm 10 tuổi là bước đệm quan trọng dẫn dắt cô đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp.
Với những chiến tích đầu đời đáng khen ngợi, tay vợt trẻ được chọn vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games 28 năm 2015 lúc mới 18 tuổi. Từ đó đến nay, cô liên tục đạt hàng loạt giải thưởng trên đấu trường quốc tế, có những thời điểm, Thuỳ Linh vươn đến vị trí 41 trên bảng xếp hạng các tay vợt nữ thế giới. Để có được ngày hôm nay, cô gái trẻ đã luôn quyết tâm cố gắng để chứng minh rằng bản thân mình không những đẹp mà còn có tài.
Nguyễn Thị Tâm (Boxing)
12 năm theo boxing, Nguyễn Thị Tâm được giới chuyên môn đánh giá cao khi sở hữu bảng thành tích hàng đầu làng quyền anh Việt Nam. Từ một cô bé gầy gò nhỏ nhắn tại miền quê Thái Bình, Tâm bước chân ra Hà Nội, một mình sinh hoạt tập luyện, gạt đi sự ngăn cấm của bố mẹ, gạt đi sự đau đớn khi phải liên tục chịu những cú đòn hóc búa và chấn thương.
Không nhiều người biết, Tâm đã từng có ý định giải nghệ khi bị xử thua "tức tưởi" ở một giải đấu vào năm 2016. Thế nhưng, ngọn lửa đam mê nhiệt huyết vẫn giúp cô ở lại để tiếp tục gắn bó với đôi găng boxing.
Quá trình khổ luyện kéo dài cũng giúp cô hái được quả ngọt, HCV giải Boxing vô địch châu Á 2017, HCV SEA Games 30 cùng hàng loạt giải thưởng tự hào khác. Có thể nói rằng, Tâm chính là tấm gương phụ nữ trẻ điển hình khi luôn cố gắng vượt qua khó khăn, dám bước qua định kiến dư luận để tiến tới những mốc vinh quang của cuộc đời.
Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo)
Trương Thị Kim Tuyền được mệnh danh là "Người thắp lại hy vọng cho taekwondo Việt Nam" khi đội tuyển phải chờ đợi 8 năm để giành vé chính thức dự Olympic. Từ mảnh đất Vĩnh Long, từ năm 14 tuổi Tuyền đã phải xa gia đình để theo thể thao.
Có người nói Kim Tuyền là "độc cô cầu bại" của Taekwondo Việt Nam, vì cô đến đâu là giật huy chương vàng đến đấy. 10 năm kể từ ngày xa nhà, Kim Tuyền đã khiến người thân và cả đất nước phải tự hào bằng những tấm Huy chương Vàng SEA Games, huy chương vô địch Châu Á và mới đây nhất là tấm vé dự Olympic quốc tế.
Cuộc đời thể thao của cô gái trẻ cũng chứng kiến những thất bại cay đắng, nhưng cô vẫn luôn trở lại mạnh mẽ, đầy bản lĩnh và tự tin để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Bắn cung)
Là VĐV trẻ tuổi nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo, cô gái sinh năm 2001 đã có bảng thành tích đáng nể khi từng giành HCĐ Châu Á 2019, HCV SEA Games 30. Vốn xuất phát là VĐV bóng rổ nhưng cô nhanh chóng chuyển hướng sang lĩnh vực bắn cung.
Trên mạng xã hội, Nguyệt có hơn 22 ngàn người theo dõi, được xếp vào hàng ngũ những cô nàng hot girl thể thao vì sở hữu ngoại hình xinh xắn. Cô gái trẻ không ngại ngần đăng tải thường xuyên những hình ảnh đời tư của mình, chứng minh rằng dù theo thể thao nhưng vẫn có thể yêu đời, vẫn có thể điệu đà như bất cứ người con gái nào khác.
Quách Thị Lan (Điền kinh)
Hành trình thể thao của Quách Thị Lan bắt đầu khá muộn màng, 16 tuổi cô mới khăn gói lên đường rèn luyện điền kinh. Thế nhưng chỉ mất một năm sau, cô đã góp mặt vào đội tuyển quốc gia. Xuất phát điểm quá muộn lại đan xen với việc rút ngắn quá trình tuyển chọn lên thi đấu đỉnh cao khiến Lan phải trải qua những áp lực về chấn thương.
Trước khi tới với kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp, Quách Thị Lan đã đoạt HCB ASIAD 2014, HCV ASIAD 2018, HCV giải Điền kinh châu Á 2017, HCV SEA Games 2015 -2017. Là đại diện Việt Nam duy nhất lọt vào bán kết 400m rào nữ - một trong những nội dung thi đấu khó nhất tại Olympic, cô vẫn chứng tỏ bản lĩnh kiên cường, không hề lo sợ khuất phục khi dự thi với tâm thế luôn thoải mái.
Với xuất thân là dân tộc Mường, Lan xứng đáng là một trong những gương mặt VĐV dân tộc xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam.
Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo (Rowing)
Lường Thị Thảo sinh năm 1999 tại Sơn La. Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Lường Thị Thảo liên tiếp giành những tấm HCV ở các giải trẻ quốc gia. Năm 2017, cô được gọi lên đội tuyển quốc gia và nhanh chóng trở thành nhà vô địch ASIAD khi mới 19 tuổi.
Đinh Thị Hảo sinh năm 1997 tại Tuyên Quang. Cũng như những VĐV nữ khác, Hảo cũng phải đấu tranh trong thời gian dài mới nhận được sự chấp thuận của gia đình. Trong sự nghiệp của mình, cô đã giành được hàng loạt HCV, HCB ở các giải đấu quốc tế như Giải vô địch Đông Nam Á, Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, và nổi bật nhất là cùng đồng đội giành tấm Huy chương bạc quý giá tại ASIAD năm 2018.
Nguồn: TH&PL