Ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống tự lập mà không nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bố mẹ, dành thời gian rảnh rỗi yên bình trong không gian riêng của mình.
Nếu thế hệ trước thường ở cùng bố mẹ đến lúc lập gia đình mới chính thức chuyển sang ở riêng hay bắt đầu định cư ở một khu vực khác họ mới thực sự rời xa nhà. Nhưng trong thời đại ngày nay, có vô số người trẻ quyết định "cuốn gối" ra khỏi nhà để tìm kiếm sự tự do, cũng như có được cuộc sống riêng tư hơn, tất nhiên điều này không đồng nghĩa với sự vô tâm mà cần nhìn nhận tích cực để thấy đó là sự trưởng thành và trách nhiệm.
Xu hướng tự chủ, không sống cùng gia đình ở người trẻ
Theo The Korea Times đã chia sẻ về xu hướng này ở người trẻ Hàn Quốc, thuật ngữ "bộ tộc kangaroo" - mô tả một con kangaroo muộn rời túi mẹ đã được sử dụng rộng rãi chỉ những người chưa kết hôn chọn sống phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ của họ cho đến cuối 30 tuổi. Nhưng trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên chọn rời tổ ấm trước khi kết hôn, bao gồm cả những người có cha mẹ không sống xa.
Theo Thống kê Hàn Quốc, tính đến năm 2020, hơn 1,26 triệu người ở độ tuổi 20 đang sống một mình, tăng 43% so với khoảng 887.000 vào năm 2015. Sự gia tăng dân số 20 tuổi sống một mình là đáng chú ý khi xem xét tỷ lệ gia tăng của tổng thể hộ gia đình, người ở tất cả các nhóm tuổi đứng ở mức 27% trong cùng thời kỳ.
Lee Hyo-jin Park Yu-hui, 25 tuổi, đã chuyển đến một căn hộ riêng sau khi tìm được việc làm vì nơi làm việc nằm ở Seoul, tiết kiệm thời gian đi làm là một trong những lý do chính khiến cô ấy chuyển ra ngoài sống, nhưng đó không phải lý do duy nhất. "Bây giờ tôi đã có một công việc toàn thời gian với thu nhập ổn định, tôi muốn có một cuộc sống tự lập mà không nhận bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào từ bố mẹ. Tôi cũng muốn dành thời gian rảnh rỗi sau giờ làm việc để yên bình trong không gian riêng của mình", Park nói với The Korea Times.
"Ngoài sự tự do kiểm soát cuộc sống của mình, tôi cảm thấy rất thoải mái vì tôi có thể trang trí và làm cho ngôi nhà của mình theo cách tôi muốn và mời bạn bè đến bất cứ khi nào. Tôi có toàn bộ nơi cho riêng mình, sự riêng tư được đảm bảo mà không cần phải vào phòng riêng", Park nói thêm. Chuyển ra khỏi nhà của bố mẹ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang tuổi trưởng thành, giúp chúng ta nhận ra được nhiều giá trị và có cho mình những bài học từ thực tế.
Có được tự do nhưng lại "đau đầu" vì chi tiêu mỗi tháng
Các khoản vay hay tiền thuê của các căn hộ, cùng với chi phí sinh hoạt và hóa đơn điện nước, đôi khi là một gánh nặng lớn so với sự tự do mà nhiều người trẻ có thể tận hưởng tại nhà của mình. Nhưng dường như điều này chưa từng khiến người trẻ phải lo sợ bởi khi đã ra khỏi nhà thì họ đã chấp nhận có cho mình những rủi ro từ chính sự tự chủ.
Các chuyên gia giải thích sự gia tăng của những người ở độ tuổi 20 chọn sống một mình phản ánh sự sẵn sàng được chấp nhận như một cá nhân độc lập không chỉ ở nơi làm việc mà còn trong gia đình của họ. "Không giống như trước đây khi kết hôn được coi là một bước để được chấp nhận là một thành viên độc lập. Ngày nay, kiếm được việc làm và thu nhập ổn định có nghĩa là họ đã sẵn sàng để trở thành một cá nhân độc lập", Koo Jeong-woo, giáo sư Xã hội học (Đại học Sungkyunkwan) cho biết.
Seo Jin-hyung, người đứng đầu Hiệp hội Bất động sản Hàn Quốc, nói với The Korea Times: "Hiện tại, những người chưa kết hôn ở độ tuổi 20 đang ở trong tình thế rất khó khăn trong việc kiếm được nhà riêng hoặc chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn ngoài các căn hộ nhỏ. Ngoài tài sản tương đối thấp, họ hầu như bị loại trừ khỏi các lợi ích nhà ở do Chính phủ cung cấp".
Sự gia tăng này được dự đoán là vẫn sẽ tiếp tục trong những năm tiếp theo, nhất là đối mặt với sự thay đổi lớn từ dịch bệnh. Việc ở riêng chắc chắn sẽ gây ra vô số những vấn đề buộc lòng mỗi người tự giải quyết, nhất là trong vấn đề chi tiêu và thu nhập, đối mặt với nhiều rủi ro nhưng xu hướng này đã giúp người trẻ trưởng thành từ việc biết cách chi tiêu, hiểu được giá trị tiền bạc, hơn hết là trân trọng những điều bản thân đã tạo ra.
Độc lập sớm không sai nhưng hãy có trách nhiệm
Khi đã chấp nhận tự chủ tài chính, sống cuộc đời của riêng bản thân cũng là lúc ta nhận thấy được trách nhiệm của mình, mà trước hết là có được sự ổn định trong thu nhập. Nếu đã chấp nhận rời xa gia đình sớm thì cũng cần chuẩn bị cho bản thân việc sẽ phải đối mặt với vô số những thách thức và tự mình giải quyết.
Song đó thì cũng không nên bỏ quên trách nhiệm yêu thương và chăm sóc những người thân vì dù ở đâu hay làm bất cứ điều gì cốt lõi nơi để chúng ta tìm về vẫn là gia đình. Có được sự tự do và độc lập như đã mong muốn thì hãy cố gắng nỗ lực trong học tập và công việc để mọi thứ có được sự ổn định, hay ít ra không khiến bản thân phải gặp khó khăn.
Nội dung liên quan
Không có được sự kiểm soát từ bố mẹ trong sinh hoạt thì hãy học cách yêu thương lấy chính bản thân, chú ý nhiều hơn về sức khỏe bởi lẽ ngay tại thời điểm này ta phải tự chăm sóc chính mình. Tất nhiên, không có bố mẹ nào mong muốn cho đứa con của mình rời xa họ trong khi chúng vẫn chưa biết cách tự lo cho bản thân.
Đối mặt với vô số những phiền phức và rắc rối, ta sẽ nhìn nhận thực tế cuộc sống tự lập không "màu hồng" như người ta vẫn thường nghĩ. Nhưng khi đã mạnh mẽ vượt qua giai đoạn này, bản thân mình sẽ trưởng thành, sống có trách nhiệm và hiểu được bố mẹ nhiều hơn hay nhận thức rõ được cuộc sống cùng những định hướng của riêng bản thân.
Nguồn: TH&PL