Gen Z bước vào cuộc chơi đầu tư tài chính, thay vì tiết kiệm hãy học cách "sinh lời".
Với số tiền hơn vài trăm triệu đồng, hai thế hệ Gen Y, hay còn gọi là thế hệ Millennials (những người có năm sinh trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1995) và thế hệ Z (những người có năm sinh trong khoảng từ năm 1996 đến năm 2009) sẽ làm gì?
Mỗi người sẽ sử dụng tiền cùng những nguồn đầu tư và mục đích khác nhau. Thế hệ trước chọn mua vàng, mua đất, hoặc an toàn nhất là gửi ngân hàng. Gen Z lại khác, sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển và chú trọng trải nghiệm, họ là những người tiêu xài khá phóng tay và có những cuộc chơi "liều" trong khoản đầu tư thay vì sống an toàn trong những lựa chọn.
Ngày nhỏ, chúng ta quen với việc tiết kiệm những đồng bạc lẻ, xin gia đình để bỏ ống heo. Lớn dần lên, mỗi người trẻ học cách khám phá để "tiền đẻ ra tiền". Không còn lựa chọn "ăn chắc mặc bền", các cô cậu Gen Z khi có một khoản tiền nhất định sẽ chọn đầu tư thay vì tiết kiệm "truyền thống".
Cùng lắng nghe những Gen Z chia sẻ về câu chuyện tham gia đầu tư tài chính, những điều nên hay không nên khi bước vào cuộc chơi "nhiều rủi ro" này.
Gen Z chọn lối đi khác thế hệ cũ, cha mẹ và anh chị
Với mong muốn được tự lập trong cuộc sống, "đập hộp" những món đồ hiệu do chính mình làm ra, việc đầu tư tham gia vào các kênh tài chính là sự lựa chọn đang được Gen Z ưa chuộng và bước vào cuộc chơi. Họ nghiêm túc tham gia vào sân chơi tài chính vì hơn hết, đó là cơ hội và nơi cho họ những bài học thực tế và trải nghiệm trong cuộc sống.
Chúng ta đã quen với việc nhìn ông bà, cha mẹ sẽ đầu tư tiền qua những cuốn sổ tiết kiệm gửi ngân hàng, họ luôn ưu tiên việc đủ sống, và tiết kiệm. Giờ đây khi điều kiện sống tốt hơn, thế hệ trẻ đã "đủ sống", họ chuyển hướng và quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư sinh lời. Họ tiếp cận các công cụ đầu tư, sản phẩm tài chính sớm hơn thế hệ trước.
Chứng khoán là nơi giúp cho người trẻ có được khoản lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng từ đó ngăn được việc mất giá trị tiền mình đang có dưới lạm phát. Đây là một cuộc chơi mà nhiều Gen Z cho là xứng đáng và hứa hẹn gắn bó lâu dài. Gen Z cho rằng đây là một cuộc chơi dễ gây nghiện và khó lòng dứt bỏ ngang nhất là vào khoảng thời gian nhiều biến động như hiện tại.
Anh Khoa, Tâm Nguyễn bước vào đầu tư tài chính khi chỉ mới là những cậu sinh viên năm nhất. Từ những bài học trên giảng đường, cậu bạn muốn áp dụng nó vào thực tế, những bài học cơ bản đến những gì quan sát, được học hỏi qua nhiều trang thông tin và trải nghiệm "nhiều nước mắt" đã cho các Gen Z nhiều bài học lớn khôn trên con đường đầu tư.
"Lớn khôn, không còn phải mất tiền oan", lời hay lỗ không phải là tất yếu
Nó không chỉ đơn thuần là việc kiếm tiền và chạy theo xu hướng của thời đại, đó còn là một "học phần" khi học đại học. Người trẻ chạy theo biểu đồ giá để được va chạm thực tiễn và đi đúng hướng cho những quyết định trong tương lai.
Các khoá học phân tích chart, nhận định thị trường từ những người có kinh nghiệm, cập nhật thông tin thị trường trên các nhóm đầu tư. Kiến thức đa phần được Gen Z chơi và tự tìm hiểu, từ các group trader trên mạng, những trader đi trước. Ngoài ra còn là sách, báo và các nghiêm cứu khoa học, những bài học sương máu được rút ra sau mỗi lần giao dịch, nó còn quan trọng hơn việc lời hay lỗ.
Sau những lần giao dịch lỗ Nhật Quang luôn cho rằng: "Lỗ là điều tất yếu khó tránh khỏi dù mình là sinh viên ngành tài chính. Mình xem khoản tiền lỗ ấy là tiền học phí, tiền học lại cho những lầm lỡ đã xảy ra. Bài học lớn nhất mình học được là giữ 'cái đầu lạnh' để đưa ra quyết định đúng đắn và khả năng kiềm chế cảm xúc của bản thân, không để cảm xúc tác động đến quyết định đầu tư".
Cũng như Nhật Quang, cô nàng Thuý An cũng đã từng khóc cười mỗi sáng khi chạy theo biểu đồ giá, cô bạn cho biết: "Khoản đầu tư này lúc mới bắt đầu thì đương nhiên là lỗ, vì kiến thức đầu tư còn quá ít. Lúc đó cũng sợ mất tiền và không biết chừng nào mới hoàn vốn. Nhưng từ từ thì cũng cải thiện, khoản lời cũng nhiều hơn và hiện tại mua mã nào là phải tìm hiểu thật kỹ mới mua".
Gen Z sau tất cả luôn nhận thấy người trẻ có sự hiểu biết về công nghệ. Đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm. Phải thật hiểu rõ mình, nếu không tỉnh táo, chúng ta dễ trở thành con mồi của các ứng dụng lừa đảo và mất tiền.
Những rủi ro nhiều nước mắt khi "hụt trước thiếu sau"
Chứng khoán hay các khoản đầu tư tài chính không "dễ ăn" như vậy, nó cần nhiều hơn một yếu tố. Nếu chỉ xem nó là cuộc chơi để vơi đi những áp lực đồng trang lứa hay cuộc đua làm giàu thì chắc chắn cái kết đắng đã đang cận kề. Thị trường chứng khoán cũng giống như tâm trạng tuổi mới lớn thất thường, "sáng nắng chiều mưa". Nó có thể đem lại cho bạn rất nhiều tiền nhưng cũng có thể rút cạn vốn của bạn chỉ trong vài giây.
Ranh giới giữa đánh bạc và đầu tư cổ phiếu rất mong manh. Nếu lăn xả vào thị trường chứng khoán mà không có thông tin, không kỹ thuật phân tích thì điều đó chẳng khác gì canh bạc đỏ đen. Rủi ro trong cuộc chơi này là không hề nhỏ và nó không phải là miếng mồi béo bở để ai ai cũng ùa vào xơi.
Câu chuyện lời lỗ vẫn không thể nào tránh khỏi, nếu không có sự am hiểu và kế hoạch, thông tin thì chắc chắn bạn sẽ "lỗ sấp mặt". Khi phân bổ vốn đúng cách, dùng tiền nhàn rỗi đầu tư, thì khoản lỗ sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Rủi ro là thứ tất yếu khi tham gia đầu tư bất kì loại tài sản nào.
Tuy nhiên, các rủi ro này có thể giảm thiểu dựa vào các cổ phiếu mình đầu tư. Trên thị trường có rất nhiều nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro khác nhau và khả năng chịu đựng rủi ro của từng người khác nhau. Đừng quá nhanh tay mà phải nhận về cái kết đắng cho bản thân, hãy là một người đầu tư thông minh, có hiểu biết và kiến thức trước khi bước vào chặng đường chạy đua cùng tài chính.
Tâm lý FOMO cũng luôn là một vấn đề "nhức nhối" trong đầu tư, đặc biệt là ở nhóm người mới. Những quyết định mua hoặc bán dựa trên số đông đều có thể "lợi bất cập hại". Khi bạn thua lỗ, không ai có thể giúp bạn. Trang bị không đủ kiến thức để chơi, mua theo người khác, mua đỉnh bán đáy gây ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và gia đình, trái đắng luôn rình rập đối với những người chưa đủ.
Giới trẻ tham gia vào việc đầu tư tài chính, đây được xem là một dấu hiệu tốt, khi thế hệ này đã dám mạo hiểm và dòng tiền từ tiết kiệm chảy vào kênh đầu tư. Nó đã góp phần phát triển cá nhân và kinh tế thị trường hiện nay. Nhưng chứng khoán không phải dễ như việc mua một món đồ online, hãy thật sự trang bị đủ một cái đầu lạnh, quả tim nóng và kiến thức sâu rộng để không phải rơi nước mắt vì mất tiền oan.
Nguồn: TH&PL