Quản lý tài chính cá nhân, việc làm giúp Gen Z gạt bỏ âu lo khi "cháy túi"

Quản lý tài chính cá nhân là một trong những kỹ năng mềm mà nhiều bạn trẻ thiếu hụt. Dù vậy, việc thay đổi thói quen tiêu dùng chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, cho đến khi bạn thực sự muốn.

Nhiều bạn trẻ hiện nay thường tâm sự những đồng lương họ kiếm được thường không đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Không khó để nhận ra, cùng một mức thu nhập nhưng có người sở hữu đời sống khá thoải mái, có người chưa đến cuối tháng đã lâm vào tình cảnh oái ăm: Hết tiền! 

Vậy, vấn đề ở đây chính là do do cách chi tiêu chưa thực sự hợp lý và hiệu quả. Tiết kiệm để dành dụm cho tương lai hay thoải mái chi tiêu để tận hưởng cuộc sống luôn là câu hỏi gây mâu thuẫn. Đây cũng chính là điểm khác biệt trong lối suy nghĩ của thế hệ trẻ so với thế hệ đi trước. 

quan ly tai chinh ca nhan viec lam giup gen z gat bo au lo khi chay tui - anh 0

Thực trạng một bộ phận người trẻ không có kỹ năng chi tiêu tốt như thế hệ trước

“Tiết kiệm tiền đi con, để lo cho tương lai” là câu quá quen thuộc mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã từng được nghe phụ huynh nói. Sự thay đổi của thời đại đã dẫn đến hố sâu khác biệt về lối sống, cách nghĩ giữa hai thế hệ, trong đó có thói quen chi tiêu.

Chắc hẳn ai cũng từng thắc mắc không hiểu vì sao ông bà, cha mẹ mình luôn sở hữu một khoản tích luỹ đáng ngưỡng mộ và rồi tự trách mình khi không thể tiết kiệm được như vậy.

Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến đó chính là sự leo thang của vật giá thời nay. 2000 VNĐ cách đây 20 năm có thể mua được một tô phở nhưng tới năm 2020, số tiền đó khó mà giúp bạn đi gửi xe ở các trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, mức phí sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố lớn cũng là rào cản khiến người trẻ không thể thực hiện việc tiết kiệm chi tiêu. 

quan ly tai chinh ca nhan viec lam giup gen z gat bo au lo khi chay tui - anh 0

Ngày nay, giới trẻ đang được tận hưởng một cuộc sống có thể nói là khá yên bình, không chiến tranh, hiếm bất ổn. Không còn nữa những nỗi lo về nạn đói hoặc khủng hoảng bất chợt khiến người trẻ không cần phải quá gấp gáp để tạo lập khoản thu phòng thân cho tương lai. 

Đôi khi, tiết kiệm chưa phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của một số bạn trẻ ngày nay. Thay vào đó, nâng cao chất lượng cuộc sống mới là chính là mục tiêu cũng như động lực để người trẻ kiếm tiền. Đó là lý do tại sao, họ có thể sẵn sàng đầu tư hết số tiền mình kiếm được vào chiếc túi mới hoặc thiết bị điện tử hợp mốt chứ không phải đổ vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng như thế hệ trước vẫn thường hay làm.

Trong thời đại thông tin phủ sóng rộng rãi, chúng ta rất dễ bị chi phối bởi xu hướng tiêu dùng đang thịnh hành. Nhiều người nói vui, khả năng kiềm chế bỗng trở thành kỹ năng quan trọng để “bảo toàn độ dày của chiếc ví”, buộc ta phải cưỡng lại những chiêu tiếp thị quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt đối với những ai có sự hứng thú với các trải nghiệm mua sắm.

Quản lý tài chính cá nhân đối với người trẻ: Tại sao lại thiết yếu?

Quản lý tài chính cá nhân luôn là yếu tố quan trọng trong cuộc đời mỗi người, đóng vai trò quyết định đến hiện tại và cả ở tương lai. Người trẻ, đặc biệt là thế hệ GenZ - đã bắt đầu biết tự tạo ra nguồn thu nhập đầu tiên cho mình, nhưng nhiều bạn lại chưa biết, hoặc chưa thành thạo việc quản lý thu chi sao cho hợp lý. 

Quản lý hiệu quả sẽ giúp bạn tránh khỏi tình trạng cuối tháng ăn mì tôm chỉ vì lỡ quá tay vào đầu tháng bởi mọi người thường có xu hướng chi tiêu cho hôm nay mà không cần biết đến ngày mai. Bên cạnh đó, việc quản lý sẽ giúp bạn có một nguồn ngân sách dự bị trong tương lai, giúp bạn chủ động hơn khi có kế hoạch hoặc sự cố bất ngờ cần dùng đến tiền. 

quan ly tai chinh ca nhan viec lam giup gen z gat bo au lo khi chay tui - anh 0

Tin mừng là sau biến cố lớn như đại dịch Covid-19, có vẻ như chủ đề Tài chính cá nhân được quan tâm khá nhiều khi chúng ta đã bắt đầu để ý hơn đến việc quản lý tài chính cá nhân. Theo báo cáo của Nielsen về cách người Việt chi tiêu trong năm 2020, có tới 72% người được hỏi sử dụng nguồn tiền của mình vào việc tiết kiệm. Các khoản chi cho việc mua sắm quần áo mới hoặc đi du lịch đều giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 vì tác động của dịch bệnh.

Một số bí kíp quản lý tài chính cá nhân

1. Chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được

Đây chính là bí kíp đầu tiên đồng thời là yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện thành công quá trình quản lý tài chính cá nhân. Hãy cố gắng nhớ điều này bởi khi bạn chi tiêu bằng hoặc nhiều hơn nguồn thu nhập, bạn sẽ không còn nguồn chi phí dự trữ cho các khoản tiết kiệm, chưa kể còn có khả năng tạo thêm các khoản nợ bên ngoài.

2. Sử dụng các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân

Trong thời đại công nghệ lên ngôi, tại sao ta lại không sử dụng các phần mềm - ứng dụng quản lý tài chính cá nhân? Điểm mạnh lớn nhất của chúng chính là tính tiện lợi khi ta có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi mà không cần phải lích kích giấy bút để ghi chép. Việc thu chi hàng ngày đều sẽ được hệ thống sắp xếp một cách hợp lý trên ứng dụng, giúp bạn thống kê được nguồn chi tiêu một cách đầy đủ mà không nhàm chán. 

quan ly tai chinh ca nhan viec lam giup gen z gat bo au lo khi chay tui - anh 0

Chưa kể, các ứng dụng ngày nay còn cho phép liên kết với một số tài khoản ngân hàng nội địa và quốc tế. Bất cứ giao dịch nào xảy ra trên tài khoản ngân hàng cũng sẽ được tự động cập nhật trên ứng dụng. 

Một số ứng dụng được đánh giá khá cao có thể kể đến là MoneyLover, Bobby, HomeBudget, My Expenses, Mint, Pocker Guard,...

3. Áp dụng phương pháp quản lý tài chính cá nhân

Có khá nhiều quy tắc và phương pháp quản lý tài chính cá nhân được nhiều người áp dụng, bạn có thể tham khảo để đưa ra kế hoạch phù hợp với điều kiện bản thân mình.

Phương pháp đầu tiên chính là nguyên tắc 50/30/20. Trong đó, tổng thu nhập hàng tháng của bạn được chia làm 3 phần: 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn, sở thích và 20% cho vào khoản tiết kiệm hoặc đầu tư.

Phương pháp thứ hai cũng được sử dụng khá phổ biến là quy tắc 6 cái lọ do T. Harv Eker lập ra. Ông là tác giả của các đầu sách bán chạy như Bí Mật Tư Duy Triệu Phú (Secret Of Millionaire Mind) và Làm Giàu Nhanh (Speed Wealth). Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ.

quan ly tai chinh ca nhan viec lam giup gen z gat bo au lo khi chay tui - anh 0

4. Kiểm soát, làm chủ lý trí

Yếu tố tâm lý chính là nhân tố quan trọng gúp người trẻ thành công trong việc quản lý tiền bạc. Với suy nghĩ còn trẻ còn nhiều cơ hội làm ra tiền, khá nhiều người nghĩ rằng cứ chi tiêu thoải mái cho hiện tại đã rồi tính sau. Chưa kể, những cám dỗ từ sở thích cá nhân cũng sẽ bòn rút ví tiền của bạn một cách từ từ mà bạn không hề hay biết. Hãy tỉnh táo về giá trị của món đồ mà mình sắp mua để biết rằng liệu nó có thật sự cần thiết trong thời điểm hiện tại, hay bạn chỉ đang bị cuốn hút bởi những câu từ mời gọi quảng cáo hấp dẫn!

Quá trình thay đổi chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt đối với những thói quen. Việc hình thành thói quen quản lý tài chính cá nhân cũng vậy. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hình thành những bước đi ban đầu trong việc tạo lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất, để quản lý chi tiêu không còn là điều gây khó khăn trong mỗi lần nghĩ tới...

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ