Với những mánh khóe khôn ngoan và tinh vi, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhắm vào các bạn tân sinh viên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đa phần các bạn tân sinh viên khi chuẩn bị những ngày học đầu tiên ở môi trường đại học còn khá bỡ ngỡ và luôn tìm một công việc ngắn hạn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và phục vụ cho những sở thích cá nhân. Thế nhưng nhiều trường hợp, tân sinh viên đã bị các đối tượng có mưu đồ ác ý lợi dụng và lừa đảo lên đến hàng chục triệu đồng.
Với những chiêu trò tinh vi và đánh vào tâm lý của con mồi, các đối tượng này dễ dàng lừa tân sinh viên bằng những cách thức tuyển dụng "việc nhẹ lương cao" hay những công việc tuyển dụng và nhận hoa hồng mỗi khi tuyển được người mới thành công.
Nội dung liên quan
Đa cấp - liên tục "biến tướng" sinh viên trở tay không kịp
Hình thức bán hàng đa cấp mặc dù không quá mới lạ, luôn được cảnh báo thường xuyên nhưng vẫn có rất nhiều bạn tân sinh viên sập bẫy. Bằng những lời quảng cáo mật ngọt, "thao túng tâm lý" bằng số tiền lương hấp dẫn để kích thích sự ham muốn kiếm thêm thu nhập của sinh viên để lừa đảo. Hay thậm chí chính những bạn bè người quen bạn biết, rủ rê lôi kéo vào câu chuyện bán hàng đa cấp cho các công ty "ma".
Thông thường, các công ty đa cấp biến tướng sẽ tổ chức các hội thảo chia sẻ về kinh nghiệm sống, cách khởi nghiệp và những mô hình kinh doanh được giới thiệu là sẽ đem lại lợi nhuận khủng từ hệ thống cho người tham gia.
Ngoài ra một số cá nhân, tổ chức dụ dỗ nạn nhân mua hàng hóa với công dụng vượt trội và giá cả cao hơn rất nhiều giá trị thực để gia nhập hệ thống kinh doanh. Đặc biệt là mỹ phẩm, các mặt hàng thực phẩm chức năng được giới thiệu với công dụng "đỉnh của chóp" khiến sinh viên dễ dàng sập bẫy.
Hoặc khi gửi hồ sơ vào các công ty "ma" họ sẽ yêu cầu đóng tiền hồ sơ, đồng phục và từ đó họ đã lừa được vài trăm nghìn đến tiền triệu của sinh viên. Khi gia nhập được vào công ty, họ sẽ bắt đầu chiêu thức "tẩy não" bằng đặt ra những mức lương khủng, những lời hứa hẹn về sự đổi đời.
"Đầu tư càng nhiều thu lại càng khủng" là câu nói cửa miệng của các đối tượng đa cấp biến tướng để dụ dỗ "con mồi". Hiện nay các mô hình đa cấp được giới thiệu một cách tinh vi hơn, vì thế tân sinh viên phải cảnh giác cao độ, không nghe lời dụ dỗ của bất kỳ ai.
Gia sư - "bóc lột" sức lao động của sinh viên
Hiện nay việc sinh viên trở thành gia sư, trợ giảng cho các lớp học, dạy kèm 1:1 cho các bé là công việc rất quen thuộc. Chỉ cần sinh viên có một thế mạnh về một lĩnh vực chuyên môn như Toán, Văn, Tiếng Anh... thì đã có thể nhận lớp và giảng dạy.
Tuy nhiên có hai hình thức trở thành gia sư, một là nhận lớp trực tiếp, trao đổi thẳng thắn với các phụ huynh, hai là qua trung gian chính là các trung tâm gia sư. Tại một số cơ sở, trung tâm gia sư họ sẽ giới thiệu các lớp cho sinh viên dạy kèm nhưng bù lại họ sẽ lấy một khoản tiền nhất định ở những tháng lương đầu tiên của sinh viên.
Nếu không tìm hiểu kỹ về khoản tiền hoa hồng, tiền giới thiệu mà các trung tâm này lấy của sinh viên thì sẽ dễ bị bóc lột. Đôi khi một số trung tâm còn bắt sinh viên phải nộp tiền trước khi nhận lớp dạy, nhưng cuối cùng sau khi thanh toán phí thì lớp dạy hóa ra chỉ là "lớp ma", hoàn toàn không có thật, trung tâm này cũng sẽ chặn liên lạc của các bạn sinh viên và biệt vô âm tín.
Không đánh đồng việc dạy thêm của tất cả các cơ sở, nơi luyện thi đang tuyển dụng các bạn sinh viên để làm trợ giảng hay gia sư cho các học sinh, nhưng các bạn tân sinh viên cần tìm một nơi uy tín, có hồ sơ hợp đồng rõ ràng, cần trao đổi thẳng thắn về mức lương khi nhận lớp, tránh trường hợp bị lấy phí giới thiệu lớp quá cao và bạn sẽ trở thành nhân viên "không công" cho các trung tâm dạy thêm.
Lợi dụng tình thương của tân sinh viên
Bằng cách đánh vào lòng thương của tân sinh viên, một số kẻ lừa đảo đã núp bóng với chiêu trò bán tăm tình thương do người khuyết tật làm ra, hay mua các vật phẩm đơn giản như khăn giấy, bút bi... Tưởng chừng chỉ đưa một khoản phí bằng với giá trị thật của các món hàng này, các đối tượng sẽ tiếp tục nói lời ngon ngọt, bằng cách đưa ra nhiều lý do như đây là hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn để moi tiền sinh viên.
Còn trường hợp, người bị lừa đảo còn phải ký tên vào một tờ giấy, ghi rõ số tiền từ 20,000 đến 50,000 đồng, sau khi đưa tiền thì sẽ không đòi lại được. Tuy số tiền bị lừa đảo chỉ tương đương bằng một cốc trà sữa, nhưng điều này sẽ khiến chúng ta khó chịu vì bị lừa vì một chiêu trò lợi dụng tình thương người của người khác.
Lớp học kỹ năng "miễn phí"
Các bạn tân sinh viên mới nhập học đều bị dụ dỗ bằng loạt lời chào mời về các lớp học kỹ năng, tiếng Anh miễn phí. Với lời quảng bá học miễn phí nâng cao trình độ, cải thiện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm với thủ tục đơn giản chỉ cần điền thông tin ghi danh và học theo lộ trình.
Tuy thông báo là miễn học phí hoặc giảm giá kịch liệt, nhưng khi đăng ký ghi danh, tân sinh viên vẫn phải chi một khoản tiền cho những thứ khác như giáo trình, tiền bồi dưỡng giáo viên.
Thật chất đây là chiêu thức đánh vào sự ham muốn học hỏi của các bạn tân sinh viên, vì thế nên cần tìm hiểu những trung tâm uy tín để trau dồi kỹ năng, còn các khóa học miễn phí phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc và quy định của các lớp học.
Bán hàng Online
Biết tân sinh viên là những người có mối quan hệ trên mạng xã hội tốt, các đối tượng lừa đảo sẽ đánh vào tâm lý muốn có thêm thu nhập của các bạn trẻ và đưa hàng để kinh doanh online. Ban đầu các bạn tân sinh viên sẽ không cần bỏ ra quá nhiều vốn để nhập hàng, chỉ cần đăng bài và sau khi chốt đơn sẽ có tiền hoa hồng nhất định cho từng sản phẩm.
Sau đó là những lời dụ dỗ về chuyện kinh doanh Online với mức thu nhập khủng, đặt ra những KPI riêng và thưởng những số tiền khủng khi đạt doanh thu cao. Ban đầu kẻ lừa đảo sẽ "tự biên tự diễn" tự đưa sản phẩm cho con mồi và lấy tài khoản khác mua lại hàng để cho việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ. Thế nhưng trong thực tế, sau khi các bạn tân sinh viên đưa tiền lấy hàng về bán thì những kẻ lừa đảo sẽ không còn xuất hiện và các bạn tân sinh viên phải ôm một nguồn hàng lớn và mất đi số tiền đã đưa cho họ.
Đây là chiêu thức không quá mới nhưng nó lại sử dụng những mặt hàng tinh vi và gần gũi hơn như mỹ phẩm, thuốc trị mụn, kem dưỡng trắng... kẻ lừa đảo còn xây dựng các hệ thống và có đội ngũ kinh doanh riêng để đánh vào lòng tin của con mồi.
Vì thế các bạn tân sinh viên cần tỉnh táo và giữ một cái đầu lạnh trước khi bắt đầu nộp hồ sơ vào bất kỳ một nơi làm việc nào. Cần phải rõ ràng, trao đổi thẳng thắn với cấp trên để nhận được mức lương tương xứng với công sức đã bỏ ra, đừng tin tưởng vào những lời mật ngọt, tránh để bản thân là nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo.
Nguồn: TH&PL