Lê Yên Thanh đã có những chia sẻ thú vị cùng sau khi được vinh danh tại danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2022.
Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách Under30 năm 2022, là tập hợp những cá nhân xuất sắc tại Việt Nam tại nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong những cái tên nổi bật được vinh danh là Lê Yên Thanh - nhà sáng lập BusMap (hay Phenikaa MaaS). Anh là một trong số ít những gương mặt startup có nhiều hoạt động tích cực và đóng góp nổi bật trong năm qua.
Chàng trai mảnh đất miền Tây đã trở thành một nhà sáng lập BusMap thành công, từ ngày còn ngồi trên giảng đường, cậu sinh viên đã nghiên cứu và tạo ra ứng dụng cán mốc hơn 2 triệu người dùng mà gần như không mất tiền cho chi phí marketing, quảng cáo.
"Gương mặt trẻ tiêu biểu", "Nhân tài đất Việt 9X", "Đường đến Google của chàng sinh viên An Giang", bỏ mức lương hơn 6.000 USD để về Việt Nam khởi nghiệp là những điều mà người người biết đến cái tên Lê Yên Thanh.
Từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, việc đi xe bus mỗi ngày đến trường cũng trở nên khó khăn cho sinh viên và người dân, cậu bạn đã nuôi dưỡng ý tưởng tạo nên bản đồ dành cho xe buýt, BusMap hình thành từ hoàn cảnh đó.
Bên cạnh đó, anh còn có thời gian làm việc tại nhiều startup cũng như thực tập tại Google Mỹ với mức lương 6.000 USD. Tuy nhiên không lâu sau, chàng trai 9x lựa chọn từ bỏ cơ hội nơi xứ người để trở về, xây dựng BusMap thành mô hình doanh nghiệp một cách nghiêm túc.
Đến tháng 3/2019, Lê Yên Thanh cùng những đồng đội của mình bắt đầu xây dựng lại mô hình kinh doanh cho BusMap để tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và kêu gọi đầu tư. Anh còn thành công khi tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là lúc Yên Thanh đạt được thỏa thuận với một tập đoàn lớn về việc đầu tư hơn 1,5 triệu USD vào ứng dụng.
Lê Yên Thanh
Forbes Việt Nam - Forbes Under sinh năm 1994 tại An Giang. Anh là cử nhân Công nghệ thông tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Sau nhiều năm theo đuổi con đường khởi nghiệp hiện tại anh là Nhà sáng lập - CEO ứng dụng BusMap (hay Phenikaa MaaS).
BusMap bắt đầu từ cậu sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học
Nguồn cảm hứng nào đã giúp anh thực hiện dự án BusMap?
Đó là mong muốn giúp cho người đi xe buýt có thể dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc sử dụng loại phương tiện công cộng này. Hơn 5 năm phát triển BusMap đã giúp cho hàng triệu sinh viên và người dân sử dụng xe buýt được thuận tiện và tối ưu hơn, đó là điều tự hào của mình và đội ngũ nhân sự khi phát triển một ứng dụng như BusMap.
Mong muốn của anh khi thực hiện và tạo nên BusMap với những ý nghĩa như thế nào? Tính đến thời điểm hiện tại anh thấy dự án của mình đã hoàn thiện khoảng bao nhiêu phần trăm?
BusMap hiện tại đã có hơn 2 triệu lượt tải, mỗi ngày có hàng ngàn người dùng mới, riêng tại TPHCM đã có gần 30% lượng người đi xe buýt sử dụng ứng dụng này để tra cứu. Ứng dụng là một trong những giải pháp CNTT góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng phương tiện công cộng của người dân, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tính đến thời điểm hiện tại BusMap đã trở thành ứng dụng lớn nhất về GTCC tại Việt Nam, có nhiều tính năng thông minh, tích hợp xe buýt với metro, xe buýt sông, xe ôm công nghệ, taxi công nghệ,... tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tính năng mới mà BusMap sẽ ra mắt trong thời gian tới để giúp cải thiện tình hình giao thông công cộng nói riêng và giao thông tại Việt Nam nói chung.
Từ ứng dụng xã hội thành công ty Phenikaa MaaS, anh có gặp khó khăn, thử thách như nào trong quá trình thực hiện?
Điều thách thức nhất là tạo nên một mô hình kinh doanh phù hợp cho công ty, bởi lẽ một ứng dụng xã hội không thu phí sẽ không thể tạo được doanh thu và thuyết phục được nhà đầu tư. Phải mất hơn 1 năm kể từ Startup BusMap được thành lập, nhận được rất nhiều góp ý từ nhà đầu tư, giám khảo các cuộc thi thì mô hình kinh doanh cho Phenikaa MaaS mới hoàn thiện.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đội ngũ lãnh đạo vẫn luôn nghiên cứu và tìm thêm nhiều hướng phát triển mới cho công ty để có được sự phát triển bền vững nhất là trước tình hình dịch bệnh thay đổi rất nhiều thói quen của người dân về giao thông.
Tinh thần không sợ thất bại, biết cách học hỏi từ những thất bại của bản thân và đứng lên mạnh mẽ hơn sau những lần thất bại đó, những thất bại đã tạo nên Yên Thanh của hôm nay.
Yên Thanh
Vấn đề
Anh cảm thấy như thế nào khi trở thành một trong 26 đại diện được vinh danh tại Forbes Under 30?
Vào danh sách Forbes Under 30 là một trong những mục tiêu mình đặt ra cho bản thân vào 3 năm trước khi quyết định sẽ gắn bó với con đường khởi nghiệp.
Qua giải thưởng này mình cảm thấy rất vui và quan trọng hơn là thành công này chắc chắn sẽ cổ vũ cho những người trẻ thế hệ tiếp theo tự tin hơn trong việc dấn thân vào con đường khởi nghiệp giống cách mình đã làm cách đây 3 năm trước, đó là điều mà mình mong muốn có thể đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Để diễn tả Yên Thanh của hiện tại với cậu sinh viên ngày ấy, anh sẽ dùng từ gì để nói về chính mình?
Sự trưởng thành và trải nghiệm.
Tuổi trẻ là đặc ân, đó là quyết định làm chủ bản thân
"Chàng trai vàng" tin học khi sở hữu tới hơn 100 giải thưởng, huy chương tin học trong nước và quốc tế? Vậy đâu là yếu tố anh cho là quan trọng khi nhận được nhiều giải thưởng này?
Đó là tinh thần không sợ thất bại, biết cách học hỏi từ những thất bại của bản thân và đứng lên mạnh mẽ hơn sau những lần thất bại đó, nhiều người thấy mình qua những thành công nhưng đằng sau đó là sự trải nghiệm thất bại nhiều hơn rất nhiều, nhưng không phải những giải thưởng mà là những thất bại đó đã tạo nên con người của mình như ngày hôm nay.
Anh là một trong những lứa sinh viên đầu tiên thực tập tại những nơi tên tuổi lớn như Google, Facebook tại Silicon Valley? Chia sẻ của anh về việc thực tập và khẳng định bản lĩnh của người trẻ Việt trên thị trường lao động quốc tế.
Mình nghĩ rằng sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ bản lĩnh và năng lực để làm việc tại các tập đoàn công ty lớn của nước ngoài. Quan trọng là các bạn có dám đương đầu với những thử thách và rào cản về văn hóa, ngôn ngữ cũng như địa lý hay không mà thôi.
Mình tin rằng trong vài năm nữa thôi việc một sinh viên đi thực tập tại các công ty công nghệ lớn sẽ trở nên phổ biến hơn, nhất là đối với các sinh viên CNTT - vốn là một lĩnh vực không có biên giới.
Sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ bản lĩnh và năng lực để làm việc tại các tập đoàn công ty lớn của nước ngoài, quan trọng là dám đương đầu.
Yên Thanh
Vấn đề
Từ chàng sinh viên tỉnh lẻ đến một người trẻ làm nên chuyện trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh nghĩ điều gì đã làm nên thành công của chính mình?
Đó là tin thần không ngừng học hỏi và phát triển bản thân, đối với mình việc học không bao giờ là đủ, luôn cố gắng phấn đấu để bản thân ngày một tốt hơn, ngày hôm nay sẽ tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ luôn tốt hơn hôm nay.
Đâu là lý do anh quyết định trở về Việt Nam để làm việc, khi tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn luôn diễn ra tại nước mình suốt nhiều năm qua?
Đối với mình, trở về Việt Nam mới là cơ hội để mình khẳng định bản thân, có rất nhiều bài toán mà Việt Nam cần những người có năng lực để giải quyết, và với lợi thế là một con người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam mình có thể hiểu và giải quyết những vấn đề đó tốt hơn.
Nhiều người muốn đi nước ngoài để có cuộc sống tốt hơn, mình thì muốn ở Việt Nam để học hỏi và cố gắng để Việt nam ngày nào đó cũng có cuộc sống tốt như vậy.
Việc học không bao giờ là đủ, luôn cố gắng phấn đấu để bản thân ngày một tốt hơn, ngày hôm nay sẽ tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai sẽ luôn tốt hơn hôm nay.
Yên Thanh
Vấn đề
Bỏ một mức lương khủng, một vị trí tốt tại các tập đoàn lớn để trở về nước khởi nghiệp? Có bao giờ anh thấy tiếc hay đó là một sự đánh đổi “đắt giá”.
Mình nghĩ rằng lương hay môi trường làm việc tốt chỉ là một phần trong nhu cầu cuộc sống của mình, cái mình coi trọng hơn cả còn là cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân. Do đó đối với mình lựa chọn con đường ở Việt Nam để khởi nghiệp mới là quyết định “đắt giá” hơn cả.
Hiện nay, người trẻ rất thích khởi nghiệp và khẳng định tên tuổi của bản thân, anh có lời khuyên nào gửi đến Gen Z về câu chuyện “Khởi nghiệp”.
Không phải ai cũng có thể phù hợp với con đường khởi nghiệp, do đó trước khi bắt tay vào con đường này các bạn trẻ cần tìm hiểu thật kỹ về con đường này, những yếu tố cần thiết để bắt đầu khởi nghiệp cũng như trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và tin thần của người làm khởi nghiệp trước khi bắt đầu.