Tác giả Đặng Quang Dũng cũng đã có những chia sẻ thú vị cùng sau khi được vinh danh tại danh sách Under 30 của Forbes Việt Nam năm 2022.
Mới đây, Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách Under30 năm 2022, là tập hợp những cá nhân xuất sắc tại Việt Nam tại nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong những cái tên nổi bật được vinh danh là Họa sỹ truyện tranh Đặng Quang Dũng, người đứng sau hình tượng Mèo Mốc đã "làm mưa làm gió" mạng xã hội của giới trẻ trong gần một thập kỷ.
Đặng Quang Dũng (sinh năm 1992), anh từng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội. Sau đó, anh tiếp tục theo học thiết kế đồ họa tại LASALLE College of the Arts, Singapore. Anh là chủ nhân của các series truyện tranh xuất bản dài kỳ như Nhật ký Mèo Mốc, Tây Du Hí,... Từ năm 2014 đến nay, Mèo Mốc đã có khoảng 16 đầu sách được xuất bản và được tái bản nhiều lần. Anh cũng từng có khoảng thời gian làm việc tại tập đoàn Google trụ sở Singapore với vị trí Creative Writer, thuộc team dự án Google Assistant. Anh phụ trách việc dạy tiếng Việt cho Google Assistant (phiên bản Việt Nam là Trợ lý Google).
Vượt qua hơn 530 cái tên để góp mặt và Under 30 của Forbes Việt Nam năm nay, Tác giả Đặng Quang Dũng cũng đã có những chia sẻ thú vị cùng về quá trình "làm nghề" một cách thẳng - thật như một lời nhắn gửi dành cho các bạn trẻ có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này.
Under 30 là sự công nhận cho những gì mình kiên trì theo đuổi
“Có thật không nhỉ? Có thật là truyện của mình đã được in thành sách không nhỉ? Không biết sách in có đẹp không? Không biết có trục trặc gì không?”, những câu hỏi như vậy cứ xoay vòng vòng trong đầu mình.
Rồi càng tới gần địa điểm hơn, cảm giác hồi hộp cũng càng tăng dần: “Vậy là ước mơ có sách xuất bản của mình sắp thành hiện thực rồi à? Đi hết con phố này… Rẽ vào đường này… Ngõ này… Nhà kia… Sách của mình đang ở trong đó thật kìa".
Phải để tận lúc vào trụ sở SkyComics, được tận tay cầm cuốn sách lên, lật mở từng trang, mình mới dám tin đó là sự thực. “Nhật ký Mèo Mốc" chính là tập truyện tranh đầu tiên của mình được xuất bản, và sẽ mãi được ghi nhớ là cột mốc đáng nhớ nhất của sự nghiệp họa sĩ truyện tranh của mình.
Thời gian đầu, Nhật ký Mèo Mốc vẫn nổi hơn nhờ lợi thế viral của những mẩu truyện nhỏ được đăng đều đặn trên fanpage Mèo Mốc, nhưng sau “cú twist" lớn ở tập 3 Tây Du Hí, ngày càng có nhiều độc giả quan tâm tới bộ truyện này hơn. Năm 2021 vừa qua, Tây Du Hí đã ra tập 6 và được nhiều bạn đọc đón nhận nhiệt liệt, thậm chí yêu cầu một năm nên ra nhiều tập hơn vì nội dung truyện ngày càng gay cấn hơn.
Ngoài Mèo Mốc và Tây Du Hí, mình cũng đã xuất bản các tập truyện ngắn như Nào ta cùng ăn! (2019) hay Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! (2021), cả hai đều nhận được sự ủng hộ của bạn đọc và phụ huynh nhiều lứa tuổi. Đặc biệt, Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! còn mang về cho mình giải thưởng Khát vọng Dế Mèn lần 2, một giải thưởng về văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi vào năm 2021 vừa qua nữa.
Các đầu truyện tranh Nhật Bản vẫn đang áp đảo về số lượng lẫn chất lượng
Số tác giả truyện tranh Việt Nam có thực lực và tâm huyết thực ra không thiếu, tuy nhiên vì nhiều lý do mà vẫn chưa có điểm tựa vững chắc để sáng tác bền bỉ được.
Lợi nhuận từ việc vẽ truyện tranh thực ra không quá nhiều, bản thân mình khi mới khởi đầu sự nghiệp vào năm 2014, mặc dù may mắn có tập sách đầu tiên được bestseller, tuy nhiên cũng phải vật lộn khá nhiều trong 2-3 năm sau đó, để tới khi có một “lưng vốn” kha khá là 6 tập truyện tranh chất lượng. Trong khi chờ sách mới được vẽ xong thì sách cũ được tái bản, dòng tiền vào đều đặn thì mới bắt đầu dễ thở hơn.
Song song việc vẽ truyện tranh xuất bản, mình cũng làm thêm một số công việc khác như thiết kế đồ họa, vẽ truyện quảng cáo, hoặc… dạy tiếng Việt cho AI của Google để có thêm thu nhập.
Đến thời điểm này, với 2 series truyện được yêu thích, và 16 tập sách được tái bản đều đặn, mình đã có thể chuyên tâm vào việc sáng tác hơn. Vì vậy, để trả lời cho câu hỏi “Vẽ truyện tranh có ra tiền không?”, mình xin trả lời là: Có, nhưng sẽ cần nhiều kiên trì để đeo bám công việc này nhiều năm, trước khi nó thực sự "ra tiền".
Văn hóa Việt Nam có nhiều điểm đặc sắc, ví dụ như văn hóa tín ngưỡng, tâm linh hay văn hóa ẩm thực. Mình chỉ mới có dịp lướt qua các chủ đề này trong hai tập truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! và Nào ta cùng ăn! Thực sự mong sẽ có dịp đào sâu hơn vào những lĩnh vực này trong các tập truyện sau.
Muốn dùng truyện tranh để hướng dẫn trẻ em ứng phó với nạn bạo lực học đường
Thực ra mình cũng không biết cách đảm bảo 100% là nội dung của bản thân trên mạng xã hội sẽ được bảo vệ. Mặc dù vậy, bản thân mình luôn nghiêm chỉnh trong cung cách làm việc và cách sáng tạo nội dung. Mình cho rằng chính sự nghiêm chỉnh từ bản thân đó đã tạo được sự tin cậy, yêu quý của độc giả. Chính các bạn độc giả là những người phản ứng nhanh nhất, bảo vệ mình nhất mỗi lần bị sao chép ý tưởng.
Trong quá trình suy nghĩ, bạn có thể va phải những ý tưởng khác, lại nhặt về, lại suy nghĩ, và có thể, bỗng dưng thấy hai ý tưởng này có một “mối nối” vừa vặn với nhau. Nói cách khác, lấy cảm hứng sáng tác đòi hỏi bạn phải dùng ý tưởng như một tài liệu để tư duy, chắt lọc và học hỏi, thay vì chỉ đơn giản là sao chép lại y hệt.
Nói tóm lại, trong ít nhất nửa năm đó, cộng thêm một tháng rưỡi chờ thanh toán là ít nhất bảy tháng rưỡi, các tác giả hoàn toàn không nhận được bất cứ khoản thù lao nào từ cuốn sách của mình, nên sẽ không thể sáng tác dài lâu nếu không có những nguồn thu nhập khác tới từ việc làm thêm. Các tác giả trẻ có dự định sáng tác trong 1-2 năm nên cân nhắc vấn đề này.
Thêm một thách thức nữa của việc sáng tác truyện tranh ở Việt Nam, chính là ở việc lượng đầu sách ra mắt không nhiều. Trung bình mỗi năm ở Việt Nam chỉ có khoảng chục tập truyện tranh Việt Nam mới được xuất bản, một con số quá khiêm tốn để có thể cạnh tranh với truyện tranh nước ngoài với hàng trăm đầu truyện mới mỗi năm.
Đơn vị xuất bản không có đủ lượng tác phẩm mới để sản xuất, trong khi đó nhiều tác giả phải ngưng ngang việc sáng tác vì thành quả lao động thu về không đủ sống. Ở đây không thể trách được đơn vị xuất bản hay tác giả, nó đơn giản như cái vòng luẩn quẩn tương tác qua lại trong bức tranh ảm đạm về truyện tranh Việt Nam nói chung.
Bạn đọc có thể tìm thấy những câu hỏi mình băn khoăn về lĩnh vực giáo dục trẻ em bậc tiểu học, hay tìm hiểu sâu về kiến thức trầm cảm, các tâm bệnh liên quan và điều trị bệnh trầm cảm. Với những dự án này, mình mong muốn dùng hình tượng Mèo Mốc để diễn giải lại các kiến thức khó nhằn dưới dạng truyện tranh dễ theo dõi, giúp truyền tải các kiến thức đó tới đông đảo độc giả hơn.
Thêm vào đó, Ly và Chũn tập hai cũng sẽ sớm trở lại, dự kiến sẽ lấy đề tài trường học. Đối tượng đương nhiên vẫn là trẻ em (và cả những người lớn có tâm hồn yêu trẻ) rồi! Những câu chuyện trong tập này xoay quanh câu việc giáo dục trẻ em, ngoài ra sẽ có những thông tin hướng dẫn các em ứng phó với nạn bạo lực học đường.
Bằng các tác phẩm này, mình mong xoá nhoà được định kiến của nhiều người rằng truyện tranh chỉ là một loại hình giải trí vô thưởng vô phạt, và nhìn thấy được giá trị của truyện tranh như một loại hình nghệ thuật có giá trị xã hội.
Nguồn: TH&PL