Những hiệu ứng filter "make tự động" khiến bạn cảm thấy mình xinh đẹp hơn và đôi khi khiến chúng ta ảo tưởng về vẻ bề ngoài của mình.
Hẳn là chúng ta còn nhớ trào lưu "chụp ảnh tự sướng" vào thời gian trước. Vào năm 2016, Google Photos báo cáo rằng 200 triệu người dùng của họ đã đăng 24 tỷ bức ảnh tự chụp lên ứng dụng. Thời điểm đó, hashtag "selfie" trên Instagram đã có hơn 355 triệu bài đăng.
Và với việc tích hợp camera mặt trước trên điện thoại thông minh đi kèm với các ứng dụng chụp ảnh như Snapchat, Instagram, Facetune và vài năm trở lại đây là TikTok, người dùng đang cho thấy photoshop như một "thứ vũ khí mạnh mẽ" giúp họ yêu cái đẹp hơn. Khi mọi người lạm dụng các bộ lọc ảo (filter) quá nhiều kéo theo một số rắc rối về sức khỏe tâm thần xảy ra.
Snapchat Dysmorphia – thuật ngữ này được đặt ra bởi bác sĩ thẩm mỹ Tijion Esho, người sáng lập các phòng khám Esho ở London và Newcastle. Snapchat Dysmorphia nói về ảnh hưởng của những hiệu ứng trên các bộ lọc ảo có thể khiến nhiều người có xu hướng tìm đến các bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ, sao cho họ có được vẻ bề ngoài xinh đẹp hơn, như chính họ qua bộ lọc ảo đó vậy.
Theo dữ liệu năm 2017 từ Học viện phẫu thuật tái tạo và chỉnh hình khuôn mặt Hoa Kỳ (AAFPRS), 55% bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho biết bệnh nhân đã yêu cầu các tiểu phẫu thẩm mỹ để trông đẹp hơn trên mạng xã hội. Mọi người càng dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, nhận thức của chúng ta càng bị ảnh hưởng bởi nội dung mà mình đang tiếp xúc. Chúng ta có xu hướng "mê mẩn" bản thân qua những bộ lọc ảo.
Hai ứng dụng chính được đề cập bao gồm Snapchat và Instagram, cả hai đều có hàng triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Hai ứng dụng này cung cấp các bộ lọc cho phép người dùng thay đổi tông màu da, làm mờ thậm chí xoá nếp nhăn, thay đổi kích thước và màu mắt, môi và má cũng như thay đổi các khía cạnh khác nhau về ngoại hình của họ. Tiến sĩ Yagoda, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nói với tờ Huffington Post rằng ông đã quan sát nhiều khách hàng của mình khi mô tả những thay đổi mong muốn của họ có nhiều tương đồng với những gì mà bộ lọc trên hai ứng dụng này có thể cung cấp.
Tiến sĩ Schulman Renee Engeln, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Northwestern cũng đã chỉ ra rằng nhiều người bình thường đang mất dần quan điểm về những gì họ thực sự trông như thế nào qua các bộ lọc của hai ứng dụng truyền thông xã hội này. Thuật ngữ "Snapchat Dysmorphia" do đó đã được đưa vào cuộc sống. Với cuộc sống mà phương thức trực tuyến là phương tiện giao tiếp phổ biến như hiện nay, từ hẹn hò đến tìm việc, những hình ảnh chất lượng về bản thân cũng là một điều cần thiết.
"Snapchat Dysmorphia"- hình ảnh bản thân qua bộ lọc Snapchat và Instagram là một nguồn cảm hứng cho các ca phẫu thuật thẩm mỹ là một vấn đề lớn. Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) cũng như Chẩn đoán và Thống kê về rối loạn tâm thần (DSM-5), rối loạn biến đổi cơ thể (BDD) được phân loại theo "Phổ ám ảnh cưỡng chế".
Những người bị BDD bận tâm về ít nhất một khuyết điểm không đáng kể hoặc một chút nhược điểm về ngoại hình. Điều này có thể khiến họ suy nghĩ về khiếm khuyết ít nhất một giờ mỗi ngày, do đó ảnh hưởng đến xã hội, công việc và các hoạt động khác của họ.
Rối loạn biến đổi cơ thể (BDD) là một bệnh tâm thần có thể khiến những người bị ảnh hưởng thường xuyên nghĩ về ngoại hình của họ. Họ có xu hướng tìm kiếm sự trấn an liên tục từ người khác rằng họ trông có vẻ ổn và ưa nhìn, họ cũng thường kiểm tra hình ảnh mình trong gương, các bề mặt phản chiếu khác quá nhiều lần. Thậm chí để tránh các tình huống xã hội, không muốn người khác nhìn thấy khuyết điểm của mình họ sử dụng mũ, khăn quàng cổ và đồ trang điểm để che đi khuyết điểm có thể nhận thấy được. Theo Tổ chức OCD Quốc tế, những người mắc chứng BDD cũng thường tìm đến các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để "sửa chữa" những khiếm khuyết mà họ nhận thấy.
Như các tác giả của bài báo về Phẫu thuật thẩm mỹ khuôn mặt JAMA đã viết: "Sức lan tỏa của những hình ảnh được "lọc" này có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng của một người, khiến người ta cảm thấy mình không đủ đẹp trong mắt một ai đó và thậm chí có thể tìm đến dao kéo để khắc phục nhược điểm cơ thể đặc biệt là động chạm lên khuôn mặt."
Đã đến lúc bạn cần thay đổi thói quen sử dụng truyền thông xã hội của bạn để có cái nhìn không tiêu cực về bản thân. Tất nhiên bạn không thể xóa bỏ hoàn toàn các tài khoản mạng xã hội nhưng hãy sử dụng nó đúng mục đích và tiếp nhận những thông tin tích cực cùng với việc áp dụng có chọn lọc. Nhìn vào thực tế đi, những bộ lọc là "trò mua vui tiêu khiển" bằng những giá trị ảo và chỉ nên xem nó như một công cụ giải trí. Cuộc sống thực tế ở đây mới là quan trọng nhất không phải những gian "sống ảo" ở kia nơi bạn chỉ có thể giao tiếp và tán gẫu.
Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp nhưng làm đẹp ở đây không nhất thiết cần đến dao kéo. Đẹp là khi bạn nhận ra giá trị của bản thân, chăm sóc và quan tâm mình nhiều hơn thay vì để ý lời dị nghị hay chê bai của người khác.
Nguồn: TH&PL