Làm vlog thời đại dịch: Tưởng không khó nhưng khó không tưởng

Giữa làn sóng trở lại của trào lưu vlog, giới nghệ sĩ cũng đua nhau ghi danh. Một sân chơi có số lượng lớn sản phẩm ra mắt mỗi ngày, với đa dạng nội dung từ nhiều gương mặt cũ - mới như hiện tại, đâu là những vấn đề mà "người chơi hệ vlog" phải đối mặt?

lam vlog thoi dai dich tuong khong kho nhung kho khong tuong - anh 0

Có thể nói, mối liên kết giữa Gen Z và mạng xã hội chính là quan hệ hai chiều. Mạng xã hội ảnh hưởng đến cuộc sống, cách suy nghĩ và gần như mọi hoạt động của Gen Z. Ngược lại, giai đoạn Gen Z trưởng thành cũng dẫn đến sự lên ngôi của các nền tảng online: Facebook, Instagram, TikTok, Youtube...

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội mà nhiều trào lưu mới được ra đời và thay đổi mỗi ngày. Trong số xu hướng sáng tạo nội dung trên mạng xã hội gần đây, vlog dường như là hoạt động được ưa chuộng thuộc hàng top dù không phải là một khái niệm mới mẻ.

Bắt đầu xuất hiện và thịnh hành ở Việt Nam vào khoảng một thập kỷ trước, vlog là sân chơi đưa những cái tên JVevermind, An Nguy, Huyme... "quen mặt" với hầu hết 9X. Theo thời gian, nhiều xu hướng mới hơn ra đời khiến hoạt động này dần thoái trào sau 3 - 4 năm.

Tuy nhiên trong hơn hai năm trở lại đây, vlog bước vào thời kỳ hồi sinh, trở lại và "lợi hại hơn xưa", xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trước. Hàng loạt gương mặt mới ghi tên vào danh sách vlogger; streamer cũng "đá chéo sân"; thậm chí cả giới nghệ sĩ cũng lao vào xâu xé "miếng bánh" này. Minh Tú, Diệu Nhi, Châu Bùi.... tiêu biểu trong số những nghệ sĩ thành công khi tham gia sân chơi vlog.

"Mảnh đất màu mỡ" Youtube

Nền tảng video hàng đầu thế giới - Youtube, là nơi hoàn hảo để các vlogger tung hoành. Ngoài việc là công cụ lý tưởng để chia sẻ vlog với mọi người và đăng tải sản phẩm, mạng xã hội này còn đem lại nguồn lợi về kinh tế. Chỉ cần thu hút 1.000 người đăng ký kênh và có lượt xem đạt 4.000 giờ trong vòng một năm, người dùng đã có thể bắt đầu bật tính năng kiếm tiền, có thêm nguồn thu nhập cho bản thân.

Không ai biết chính xác số tiền mà Youtube trả cho người dùng ngoại trừ chủ kênh. Nhưng cơ bản có 2 yếu tố đem đến lợi nhuận từ các video trên nền tảng này: lượt xem và click vào quảng cáo. Các thương hiệu sẽ là người chi trả cho việc này, tỉ lệ chia giữa chủ kênh và Youtube là 55% - 45%. Năm 2020, tạp chí Forbes công bố số tiền cao nhất mà một Youtuber nhận được lên đến 29.5 triệu USD (~ 680 tỷ đồng). Riêng ở Việt Nam, Độ Mixi hiện dẫn đầu với ước tính thu nhập từ 3.35 - 53 tỷ đồng/năm.

Ngoài việc nhận phí từ các TVC quảng cáo thông qua Youtube, nguồn lợi kinh tế của vlogger còn đến từ hoạt động PR trực tiếp sản phẩm của nhãn hàng trong các video.

Theo một nghiên cứu từ We Are Social, trong tất cả các định dạng nội dung trên mạng xã hội thì video là loại có tương tác cao nhất (6.55%). Trong đó, video trên Youtube thuộc nhóm top đầu. Điều này cũng lý giải cho việc các nhãn hàng gần đây có xu hướng lựa chọn booking quảng cáo trong vlog của KOLs thay vì bài viết trên trang cá nhân. Bên cạnh đó, nghe nhìn một người nói về sản phẩm cũng tạo độ tin tưởng cao hơn việc chỉ thấy hình ảnh và đọc chữ thông thường.

Chính vì sự "màu mỡ của mảnh đất" này mà có rất nhiều người đổ xô đào xới nó những năm gần đây:

- Vlogger mới nổi

- Streamer chuyển mình

- Nghệ sĩ lấn sân

- Bất kì ai đều có thể trở thành một content creator (người sáng tạo nội dung).

Giống như bất cứ trang mạng xã hội khác, Youtube không có giới hạn hay điều kiện gì về người tham gia. Bất cứ ai cũng có thể tạo tài khoản và bắt đầu trở thành một Youtuber. Chính vì vậy, ngoài nghệ sĩ - những người đã có tên tuổi sẵn và lượng người hâm mộ nhất định, rất nhiều gương mặt mới lạ cũng ghi danh vào cuộc chơi.

Từ già đến trẻ, thành thị hay nông thôn, đều đổ xô đi quay video và làm vlogger. Thậm chí, một số trường hợp bắt đầu từ con số 0, chưa từng được biết đến hay có hoạt động nghệ thuật nào trước đó, chỉ sau thời gian ngắn tham gia sân chơi vlog trên Youtube đã trở nên nổi tiếng và được yêu mến bất ngờ. Đương nhiên là nguồn thu nhập mà họ kiếm được từ đó không phải con số nhỏ, nhiều khả năng giúp bản thân cũng như gia đình được "đổi đời".

Những cái tên vụt sáng nhờ làn sóng trở lại của trào lưu vlog lần này có thể kế đến như Jenny Huỳnh, Quỳnh Trần JP, Khoa Pug, Bà Tân Vlog, Khánh Vy, Giang Ơi...

lam vlog thoi dai dich tuong khong kho nhung kho khong tuong - anh 0
Một số vlogger nổi bật trong thời gian gần đây.

Các video quay đơn giản một góc máy, nội dung chủ yếu ngồi ăn cùng con trai và kể về cuộc sống làm dâu tại Nhật Bản, bỗng giúp Quỳnh Trần JP nhận được sự quan tâm lớn và mến mộ từ người xem. Những câu chuyện thường nhật qua lối nói chuyện thân mật, không cầu kỳ, kiểu cách của cô, cộng thêm sự đáng yêu của bé Sa chính là yếu tố thu hút khán giả.

Lần về thăm quê nhà Việt Nam vào tháng 11/2019, hai mẹ con còn tổ chức offline và được mời "chạy show" không thua kém nghệ sĩ. Kênh Youtube Quỳnh Trần JP hiện sở hữu khoảng 3,77 triệu lượt đăng ký sau 2,5 năm hoạt động, ước tính thu nhập hàng tháng khoảng 118 triệu đồng - 1,9 tỷ đồng (theo Social Blade).

Ở độ tuổi 52, khi đã qua hơn nửa đời người, bà Nguyễn Thị Tân lại lựa chọn lao vào cuộc đua vlog, không ngại cạnh tranh với hàng loạt bạn trẻ. Sau hai năm, kênh Youtube mang tên Bà Tân Vlog hiện đạt hơn 4 triệu lượt đăng ký với lượng xem trung bình mỗi clip hơn 250.000. Theo trang phân tích Social Blade, thu nhập Youtuber 52 tuổi này thu được từ các video hiện tại dao động từ 82 triệu đồng đến 1,4 tỷ đồng mỗi tháng.

Ưu điểm của Vlog

Không phải tự nhiên mà Vlog một lần nữa trở thành xu hướng làm nội dung hiện tại, Vlog thực sự có ưu điểm gì? 

Có rất nhiều nguyên nhân giúp trào lưu này hot trở lại, nhưng dưới đây là những lý do cơ bản:

- Lấp đầy quỹ thời gian dư thừa trong thời điểm đại dịch

- Chia sẻ cuộc sống, góc nhìn cá nhân

- Công cụ kết nối với người hâm mộ

- Thu nhập online

Đầu tiên phải nhắc đến yếu tố khách quan gây tác động lớn nhất: đại dịch Covid-19. Sự nguy hiểm của virus corona đã gây ảnh hưởng tiêu cực lên toàn bộ lĩnh vực và nghệ thuật cũng không phải ngoại lệ. Hàng loạt dự án tạm hoãn hoặc thậm chí là huỷ bỏ, nghệ sĩ rơi vào tình trạng "thất nghiệp". Vlog vô tình trở thành hoạt động phù hợp để lấp đầy quỹ thời gian dư thừa.

lam vlog thoi dai dich tuong khong kho nhung kho khong tuong - anh 0
Đại dịch là một trong những lý do quan trọng khiến phong trào làm vlog phát triển mạnh mẽ trong giới nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, video dù là quay lại những trải nghiệm xa xỉ hay cuộc sống hằng ngày, hoặc đơn giản nhất chỉ là ngồi trò chuyện, cũng ít nhiều giúp nghệ sĩ thể hiện được bản thân. Cá tính, sở thích, quan điểm sống... tất cả mọi đặc điểm của một người đều có thể được nhìn thấy qua vlog. Những video cá nhân này còn cho phép nghệ sĩ thể hiện suy nghĩ riêng hay những hoạt động thường ngày mà khán giả không thể nhìn thấy qua màn ảnh hay sân khấu.

Làm vlog cũng là một cách để gia tăng sự yêu thích từ công chúng. Rất nhiều trường hợp các fan "lọt hố" một nghệ sĩ nào đó nhờ xem được video nấu ăn, trò chuyện, du lịch... của họ, không cần đến hình ảnh hào nhoáng, lung linh trong các sản phẩm nghệ thuật.

Minh Tú chính là một ví dụ điển hình cho điều này. Giai đoạn mắc kẹt ở Bali vào năm ngoái, người đẹp đã thu nạp số lượng lớn fan nhờ loạt vlog hài hước chia sẻ về cuộc sống trong khoảng thời gian xa nhà vì đại dịch. Hay như Châu Bùi cũng nhờ chuỗi vlog ở khu cách ly tập trung mà fandom cũng tăng thêm thành viên đáng kể.

Không chỉ là giá trị về tinh thần, nhiều người đổ xô làm vlog còn bởi vì lợi ích kinh tế. Có những vlogger ban đầu làm video "cho vui" nhưng may mắn nổi tiếng và kiếm tiền chính từ đây. Nhưng cũng không ít trường hợp quyết định khởi nghiệp vlog với mục đích có được mức thu nhập khủng như các Youtuber nổi tiếng.

Hình ảnh, thông điệp được truyền tải cụ thể, sống động, không bị giới hạn về số lượng hình ảnh, thời gian,... Vlog thực sự là phương tiện tối ưu để một cá nhân thoải mái thể hiện bản thân với khán giả, hiệu quả hơn nhiều so với những cách thông thường.

Tưởng không khó nhưng khó không tưởng!

Lợi ích từ việc làm vlog trên Youtube là rất nhiều, nhưng trở ngại cũng không ít. Rất nhiều vấn đề mà một người "hành nghề" vlogger cần quan tâm:

- Sáng tạo ý tưởng

- Sự cạnh tranh

- Chất lượng sản phẩm 

- Nhân lực

- Dư luận trái chiều

- Quy định, thuật toán Youtube

Làm vlog không phải chuyện quá khó khăn, cơ bản nhất chỉ cần một chiếc điện thoại và app chỉnh video là bạn đã có thể "khởi nghiệp". Nhưng để làm ra những vlog chất lượng, thu hút và duy trì người xem để từ đó đem lại lợi nhuận kinh tế thì phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Điều quan trọng hàng đầu của content creator chính là ý tưởng. Mỗi video ra đời, bạn phải đem đến những điều mới mẻ cho người xem dù làm bất cứ loại hình vlog nào: ăn uống, du lịch, quan điểm sống, kiến thức xã hội... Nếu không, khán giả sẽ dễ cảm thấy nhàm chán và tìm đến những kênh khác có nội dung thú vị hơn. Trong một vlog tâm sự, Cô Em Trendy Khánh Linh từng chia sẻ có những lúc gặp áp lực vì bí ý tưởng, phải cố gắng ép buộc bản thân nghĩ ra nội dung để quay video vì sợ "Nếu biến mất thì mọi người sẽ quên mình".

lam vlog thoi dai dich tuong khong kho nhung kho khong tuong - anh 0
Những Youtuber hàng đầu như Hậu Hoàng, MisThy - Linh Ngọc Đàm hay Cô Em Trendy cũng gặp không ít khó khăn khi làm vlog.

Ngoài tính sáng tạo, người làm nội dung nói chung và vlogger nói riêng còn phải nắm bắt được thị hiếu người xem. Rất nhiều món ăn về tinh thần được ra đời mỗi ngày và những khán giả khó tính có xu hướng lựa chọn thưởng thức sản phẩm ngon - độc - lạ. Thông thường, các nội dung bổ ích như tips hoặc mang tính chất vui vẻ hài hước dễ chiều lòng công chúng hơn.

Các streamer thường có thế mạnh ở điểm này. Vì đã quá quen thuộc với cách nói chuyện vui vẻ, gây cười khi livestream game, Độ Mixi, MisThy hay Linh Ngọc Đàm dễ dàng được lòng khán giả khi lấn sân ra mắt những vlog mang tính hài hước. Sản phẩm trong vai trò vlogger của đôi bạn thân MisThy - Linh Ngọc Đàm sở hữu trên dưới 500.000 lượt xem mỗi video, riêng các clip kết hợp cùng nhau luôn vượt mốc 1 triệu view.

Những thành phẩm chất lượng cao, mãn nhãn người xem cần có độ đầu tư nhất định từ khâu kịch bản, quay phim cho đến hậu kỳ. Ngoài chi phí máy móc thì nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo điều này. Với quá nhiều công việc phải làm, các vlogger cần ít nhất 1 - 2 người đồng hành và việc có thể tìm được ekip vừa hợp tính vừa làm tốt công việc là điều không đơn giản. Ngay cả Youtuber triệu view như Hậu Hoàng cũng từng chia sẻ có những lúc gặp khó khăn khi làm việc cùng đội ngũ 3 người của mình, thậm chí có lúc cãi nhau dẫn đến "chiến tranh lạnh".

Khi có thể kiếm được tiền từ vlog cũng đồng nghĩa với việc bạn đã trở nên nổi tiếng, lúc đó chuyện gặp phải dư luận trái chiều hay thậm chí là antifan là hiển nhiên. Vậy nên, cần suy nghĩ kỹ càng với nội dung video và kiểm tra mọi chi tiết dù là nhỏ nhất. Thu hút được người hâm mộ đã khó, duy trì sự yêu mến đó từ họ lại càng khó hơn. Chỉ cần một sai sót nhỏ, lượng khán giả đang yêu thích bạn mỗi ngày có thể quay lưng chỉ trong tích tắc.

Một trường hợp điển hình gần đây vừa diễn ra vào tháng 4/2021, Quỳnh Trần JP phải hứng chịu "gạch đá" từ dư luận khi làm vlog ăn chân gấu. Mặc dù cô đã lên tiếng xin lỗi ngay khi làn sóng phản đối nổ ra, cư dân mạng vẫn không nguôi giận, một số còn kêu gọi tẩy chay kênh Youtube của mẹ bé Sa.

Tiêu chuẩn, quy định và thuật toán của Youtube cũng gây không ít khó khăn với người dùng khi có rất nhiều nguyên tắc về video:

- Độ tuổi 

- Tính bạo lực hoặc nguy hiểm

- Độ nhạy cảm

- Sự hợp pháp...

Dù chỉ vô tình vi phạm điều khoản nào của nền tảng này, video sẽ bị gỡ bỏ. Nghiêm trọng nhất vẫn là vấn để bản quyền, vì chúng có thể dẫn đến điều tồi tệ nhất cho vlogger: kênh Youtube bị vô hiệu hoá.

Tháng 3/2021, MisThy và người hâm mộ rơi vào tình trạng hoảng loạn khi kênh Youtube hơn 6 triệu lượt đăng ký của cô đứng trước nguy cơ "bay màu" vì bị đánh 3 gậy bản quyền. May mắn nữ streamer là đến cuối cùng đã xử lý được vi phạm và phục hồi tình trạng kênh cũ. Câu chuyện xảy ra cũng là bài học cho MisThy cũng như các Youtuber khác đặc biệt lưu ý đến tính nghiêm trọng của quy định trên Youtube.

Nhìn chung, chuyện làm vlog dễ nhưng duy trì không phải điều đơn giản. Dĩ nhiên thị trường giải trí nhộn nhịp thì công chúng có nhiều món ăn tinh thần hơn, nhưng đây cũng là bài toán dành cho các vlogger nói chung và đặc biệt là nghệ sĩ muốn thử sức hoặc đang thành công trong lĩnh vực content creation giữ được sức nóng của mình.

MisThy hé lộ tình trạng yêu đương của Linh Ngọc Đàm

Xóa tin đồn ganh ghét, Quỳnh Anh Shyn mời Khánh Linh làm vlog

Cô Em Trendy chỉ ra góc khuất khi làm KOL

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ