Điều quan trọng là xin là xin đừng thuê trọ chung cùng đứa bạn thân.
Có thể nói thời điểm sau Tết Nguyên Đán, khi sinh viên đồng loạt trở lại trường thì những group hội nhóm cho thuê phòng, thuê trọ lại được một dịp "náo nhiệt" hẳn lên. Những sinh viên trả trọ, trả phòng về quê tránh dịch hay những "tân sinh viên" chân ướt chân ráo lên trường trải nghiệm những buổi học trực tiếp đầu tiên đều "tất bật" với việc ổn định lại chỗ ở. Dù có kinh nghiệm hay chưa thì những lời khuyên và tư vấn của các anh chị đi trước vẫn rất cần thiết.
Ở ký túc xá
Với chi phí cực kỳ phù hợp với túi tiền "hiếm khi đầy" cùng với nhiều tiện ích khác, ký túc xá là lựa chọn của nhiều bạn sinh. Ký túc xá thường được xây dựng gần trường nên rất thoải mái trong việc đi lại, không lo đi học muộn, không phải chịu cảnh chờ xe, tắc đường và biết bao nhiêu vấn đề khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng.
Đối với tân sinh viên thì ký túc xá thực sự thuận tiện cho việc kết giao bạn mới và nếu may mắn được chung phòng với những cô cậu bạn đáng yêu thì 4 năm đại học quả thực là một quãng thanh xuân đẹp đẽ. Bên cạnh đó ký túc xá có đầy đủ những dịch vụ vui chơi, giải trí và nhiều hoạt động tập thể phục vụ sinh viên hơn, việc tham gia các hoạt động của CLB, hội họp nhóm cũng thuận tiện hơn nhiều,…
Và để có một cuộc sống "bình yên và hạnh phúc" ở ký túc xá thì việc tìm hiểu và tôn trọng nhau là điều ưu tiên: "Sẽ rất vui nếu bạn và bạn cùng phòng của bạn đều biết ý. Đừng 2 giờ vẫn bật đèn chung nô đùa. Nghe nhạc xem phim không mở nhỏ được thì đeo tai nghe, đặt báo thức âm lượng vừa đủ mà đã đặt thì phải dậy tắt được.
Vệ sinh chung nếu biết dùng thì phải biết dọn và tuyệt đối không được tự tiện sử dụng đồ của người khác dù họ có dễ tính đến đâu chăng nữa. Ký túc xá cũ của mình rất tuyệt vời nhưng mình phải chịu tất cả những điều trên khi ở ký túc xá khác - 4 tháng đáng sợ" – chia sẻ của bạn Nguyễn Hương.
Việc sống trong tập thể khó tránh khỏi mười người mười ý nếu không tôn trọng nhau bằng cách thực hiện những nguyên tắc cơ bản nhất thì chuyện xích mích và mất hoà khí là điều dễ xảy ra.
Cụm từ nhạy cảm nhất là "không gian chung" bao gồm tất cả mọi thứ từ việc giữ gìn trật tự chung, vệ sinh chung, đồ đạc dùng chung,…: "Đối với ký túc xá, đến giờ giới nghiêm thì cùng nhau giữ im lặng, đi nhẹ, nói khẽ để các bạn khác học bài hay nghỉ ngơi. Mình là một người rất nhạy cảm với tiếng ồn, nhưng mình nghĩ những lời mình viết trên không phải xuất phát từ sự nhạy cảm, mà từ việc biết tôn trọng không gian sống chung" - chia sẻ của bạn Như Ý.
Thuê trọ
Lời khuyên bất di bất dịch được truyền tai nhau nhiều nhất có lẽ là: "Đừng bao giờ thuê trọ cùng bạn thân, đừng bao giờ thuê trọ cùng bạn thân, đừng bao giờ thuê trọ cùng bạn thân. Xin phép nhắc lại 3 lần. Hãy giữ cho mình tình bạn lâu dài nhá" – chia sẻ của bạn Thiên Thanh.
Ít giờ giới nghiêm, tự do và thoải mái hơn ở ký túc xá, việc thuê trọ cũng là một lựa chọn được ưu tiên hơn với đa số các bạn sinh viên. Tuy nhiên việc thuê trọ cần phải đắn đo và cân nhắc kỹ càng hơn từ địa điểm thuê, thời gian thuê, các vấn đề chung chủ, vệ sinh, an ninh, điện nước,…với nhiều yếu tố khác khiến bạn khó đưa ra lựa chọn hơn để tránh phải thay đổi, chuyển trọ nhiều lần vừa rắc rối vừa tốn kém.
"Theo mình thời buổi dịch bệnh không nên thuê trọ theo hợp đồng 1 năm, tầm 3-6 tháng là ổn. Tìm được trọ càng gần trường càng tốt và tất nhiên là giá cả sẽ cao hơn chút đỉnh nhưng mình nghĩ nó cũng xấp xỉ việc di chuyển nếu thuê xa với mức rẻ hơn. Lựa chọn thật cẩn thận để tránh trường hợp phải chuyển trọ nhiều lần vì mỗi lần chuyển trọ mệt như muốn đầu thai luôn.
Đặc biệt khi đi thuê trọ hỏi kỹ giá, từ giá cọc, giá thuê hàng tháng, giá điện nước, giữ xe, an ninh và các chi phí phát sinh khác, nhất thiết cứ liên quan đến tiền thì càng kỹ tính càng tốt sau đó mới lập hợp đồng rõ ràng, nếu an toàn hơn thì nên quay clip nội thất phòng ban đầu phòng trường hợp sau khi chuyển đi có phát sinh vấn đề gì không" – chia sẻ của bạn Ngọc Hân.
Các vấn đề như an ninh và tình trạng vệ sinh chung cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bạn khi đi thuê trọ. Hãy kiểm tra xem nhà vệ sinh có thoát nước tốt không, ánh sáng hướng gió có đủ thông thoáng và đủ để hong khô quần áo hay không.
"Kiếm cái phòng nào có cái cửa sổ hướng ra trời dùm nha chèn. Cái phòng mà không có cái lỗ nào để hứng nắng hứng gió ngoại trừ cửa ra vào thì cái phòng sẽ rất tù, rất tối, rất hao điện (vì phải bật đèn liên tục), rất không thông thoáng. Với cả kiểm tra WC luôn, cửa mở ra hay mở vào, thoát nước tốt không, cơ sở vật chất trong cái toilet nó có bể vỡ hở hang gì không nữa" – chia sẻ của bạn Minh Ngọc.
Có nhiều bạn cũng rất quan tâm đến vấn đề chung chủ hay không, việc thuê trọ chung chủ sẽ phải thỏa thuận thêm một vài điều kiện giữa hai bên mà điển hình nhất có lẽ là giờ giấc, khiến nhiều bạn có cảm giác không thoải mái.
"Mình ở chung chủ nè, hên gặp chủ tốt, giúp đỡ tụi mình rất nhiều, mùa dịch tụi mình về quê bỏ trống phòng được miễn tiền thuê 100%. Chú ấy còn tranh thủ lúc không có ai lên quét vôi, sửa sang lại phòng nữa cơ. Và rất nhiều việc khác... Nên không hẳn cứ chung chủ là xấu đâu nha" – chia sẻ của bạn Thanh Đình. Hoặc nếu muốn chủ cho thuê tính khí ra sao có thể lân la hàng nước quanh khu vực đó để hỏi thêm thông tin trước khi thuê.
Nguồn: TH&PL