Gucci, Burberry, Victoria's Secret, Marc Jacobs, Prada... và mới nhất là Givenchy cũng từng bị chỉ trích là chiếm đoạt văn hóa.
Từ hôm qua (12/10), mạng xã hội một lần nữa xôn xao bàn tán về bộ sưu tập mới của hãng giày Việt Biti's "Bộ sưu tập Biti's Hunter Street Blooming Central". Một bộ sưu tập giày khi mới nghe qua thì tưởng chừng như chứa đựng đầy tinh thần dân tộc với tựa đề "Cảm hứng tự hào từ miền Trung - Hoa trong đá".
Tuy nhiên, khi nhìn sâu vào các chi tiết lẫn chất liệu làm giày, Biti's bị đánh giá thấp về thiết kế khiên cưỡng, gồng gánh quá nhiều yếu tố khiến cho tổng thể không được hài hòa. Không chỉ vậy, hãng giày này thậm chí còn bị chỉ trích rằng lấy bên ngoài thì quảng cáo lấy "cảm hứng từ miền Trung" và "được đầu tư sáng tạo, tìm tòi đa dạng vật liệu" nhưng thực chất lại dùng vật liệu giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc và chi tiết thiết kế trên hộp giày có vẻ như đang "chiếm đoạt văn hóa"?
Nguyên văn chia sẻ bên dưới từ La Quốc Bảo (24 tuổi). Chàng trai quê Kiên Giang này là sinh viên chuyên ngành thiết kế kiến trúc của Đại học Monash (Melbourne). Trong thời gian vừa qua, La Quốc Bảo nổi tiếng với những đôi giày Converse được trang trí độc và lạ cùng những họa tiết hoa văn triều Nguyễn của nước nhà.
Có thể thấy, vấn đề "chiếm đoạt văn hóa" chưa bao giờ hết "hot" khi không chỉ riêng Biti's mà trong những năm vừa qua, hàng loạt các hãng thời trang nổi tiếng thế giới cũng đã liên tiếp đối mặt với những luồng chỉ trích "chiếm đoạt văn hóa" gay gắt trên toàn cầu.
Victoria's Secret: Những bộ trang phục lấy cảm hứng Trung Quốc (2012, 2016, 2017)
Victoria's Secret là một thương hiệu nổi tiếng luôn gây xôn xao vì cả lý do tốt và lý do xấu. Và sự chiếm đoạt văn hóa chắc chắn là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất của thương hiệu này. Vào năm 2016, Adriana Lima, Elsa Hosk và Lais Ribeiro - không phải là người gốc Hoa - mặc những bộ trang phục lấy cảm hứng từ châu Á với hình ảnh một con rồng phủ đầy lông, áo bolero giống sườn xám và các núm tua Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2012, chiếc mũ lông của Karlie Kloss, viền da lộn, trang sức màu xanh ngọc và trang phục họa tiết da báo - nhằm đại diện cho cách người bản địa gắn bó với Lễ Tạ ơn - đã nhận được phản ứng dữ dội khiến thương hiệu phải xin lỗi và gỡ bỏ hình ảnh trong phần phát sóng trên truyền hình. Dù vậy, đến năm 2017, thương hiệu tiếp tục gây tranh cãi với phần chủ đề "Cuộc phiêu lưu của người du mục" bao gồm một chiếc váy lấy cảm hứng từ người Mỹ bản địa và một chiếc mũ lông vũ.
Marc Jacobs: Tóc giả dreadlocks (2016)
Trong khi Marc Jacobs không gây ra phản ứng dữ dội về các thiết kế của mình, thì kiểu tóc của các người mẫu trong buổi trình diễn mùa xuân năm 2017 lại trở thành chủ đề bàn tán. Để tỏ sự kính trọng đối với "club kids" như Boy George, tất cả 52 người mẫu (chủ yếu là người da trắng) tham gia chương trình đều đội những mái tóc bện thừng dreadlocks len nhiều màu sắc.
Ban đầu, nhà thiết kế đã trả lời trên tài khoản Instagram của mình rằng: "Tôi tôn trọng và được truyền cảm hứng từ mọi người và ngoại hình của họ. Tôi không nhìn vào màu sắc hay chủng tộc - điều tôi nhìn là mọi người. Tôi rất tiếc khi biết rằng nhiều người quá hẹp hòi... Tình yêu chính là câu trả lời. Sự trân trọng tất cả và nguồn cảm hứng từ mọi thứ là một điều đẹp đẽ. Mọi người nên suy nghĩ về điều đó".
Vài ngày sau, ông đã đăng tải lời xin lỗi "vì đã vô tình thể hiện một cách thiếu tế nhị" bằng lời nói của mình, và rằng anh không phân biệt đối xử về màu da.
Prada: Sinh vật trong bộ sưu tập "Pradamalia" bị cho là "blackface" (2018)
Trong dịp Giáng sinh năm 2018, Prada đã phát hành bộ sưu tập "Pradamalia" gồm bảy sinh vật. Mặc dù không thể phủ nhận được sự dễ thương của tất cả những sinh vật đó, nhưng có hai thiết kế - là Otto và Toto - đã không nhận được sự ủng hộ như mong đợi từ công chúng vì chúng được chỉ ra là giống "blackface".
Prada sau đó đã nhanh chóng phản hồi, thay đổi cửa sổ trang trí của cửa hàng và xin lỗi trong một loạt các tweet: "Thương hiệu Prada ghê tởm hình ảnh phân biệt chủng tộc. Sự cuốn hút của Pradamalia bao gồm các yếu tố của các tác phẩm nghệ thuật Prada. Chúng là những sinh vật tưởng tượng không nhằm mục đích liên quan đến thế giới thực và chắc chắn không phải là 'bôi mặt đen'".
Gucci: Áo len "blackface", khăn quấn đội đầu Sikh giáo (2019)
Không chỉ một mà năm 2019, Gucci đã bị chỉ trích vì hành vi chiếm đoạt văn hóa liên tiếp hai lần. Vụ việc đầu tiên diễn ra vào tháng 2, khi hãng thời trang này tung ra một chiếc áo len phong cách balaclava (một loại mũ che mặt) trong bộ sưu tập mùa thu may sẵn 2018 và trên trang web của hãng. Nhiều người đã chỉ trích rằng chiếc áo này trông giống "blackface", nghĩa đen là "bôi đen mặt", từ này dùng để chỉ việc hóa trang thành người da đen của người thuộc chủng tộc khác.
Mạng xã hội ngay lập tức xuất hiện làn sóng phản ứng dữ dội, bao gồm cả Dapper Dan, cộng tác viên của Gucci. Ông đã bày tỏ sự thất vọng của mình đối với thương hiệu này trên Twitter: "Tôi là một người da đen trước khi tôi là một thương hiệu… Một nhà mốt khác đã phạm phải sai lầm lớn. Không có lời bào chữa hay xin lỗi nào có thể xóa bỏ sự xúc phạm này".
Gucci sau đó cũng nhanh chóng đưa ra phản hồi "trấn an" dư luận. Giám đốc điều hành Gucci, ông Marco Bizzarri, trả lời trong cuộc phỏng vấn độc quyền với WWD rằng "vấn đề này xảy ra do sự thiếu hiểu biết về vấn đề văn hóa. Đây hoàn toàn không phải sự cố ý, nhưng cũng không phải là một cái cớ. Chúng tôi đã mắc sai lầm và một số chi tiết nhất định còn tồi tệ hơn khi khiến mọi người cảm thấy bị xúc phạm".
Gucci sau đó thông báo rằng Bizzarri sẽ gặp gỡ Dapper Dan và các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Harlem, thành phố New York, để ghi nhận ý kiến của họ và đảm bảo nhận thức về văn hóa lâu dài cho thương hiệu. Công ty cũng đã công bố các biện pháp khác để thúc đẩy sự đa dạng và nhận thức về văn hóa.
Dù vậy, bất chấp những thông báo trước đó, Gucci lại tiếp tục gây chú ý vào tháng 5/2019 khi mở bán một chiếc khăn trùm đầu có tên "Indy Full Turban" với giá $780, mà nhiều người trên mạng xã hội cho rằng xúc phạm tới Sikh giáo.
Phản ứng dữ dội một lần nữa ập đến với thương hiệu này, khi Liên minh Sikh giáo chia sẻ trên Twitter về sự thất vọng của họ đối với Gucci và Nordstrom, họ nói rõ: "Khăn quấn đội đầu của người theo đạo Sikh không phải là một phụ kiện thời trang, mà nó là một tín điều tôn giáo thiêng liêng. #sự_chiếm_đoạt".
Mặc dù sản phẩm khiến nhiều người cảm thấy xúc phạm nhưng Gucci đã không chính thức xin lỗi về sai sót và cũng không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Burberry: Áo hoodie "thòng lọng" (2019)
Trong Tuần lễ thời trang London vào tháng 2/2019, hãng thời trang Anh Quốc đã gây xôn xao khi trình làng một chiếc áo hoodie với phần dây quấn quanh cổ giống như một chiếc thòng lọng.
Liz Kennedy, người mẫu biểu diễn trên đường băng trong chiếc áo hoodie này, đã chỉ trích gay gắt thương hiệu và Giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci trong một bài viết trên Instagram, rằng "Tự tử không phải là thời trang" và "Chúng ta cũng đừng quên về lịch sử kinh hoàng của tư hình (hình thức hành quyết không qua xét xử, được thực hiện bởi một nhóm người, thường là treo cổ nạn nhân)".
Liz cho biết cô cố gắng đề cập về vấn đề trong phòng thay đồ nhưng cô lại được chỉ dẫn là cần phải viết thư bày tỏ ý kiến.
Burberry sau đó đã gỡ bỏ chiếc áo hoodie và Tisci đưa ra lời xin lỗi: "Tôi vô cùng xin lỗi vì sự đau khổ do một trong những bộ đồ trong buổi trình diễn của tôi mang đến cho mọi người. Mặc dù thiết kế được lấy cảm hứng từ chủ đề hàng hải, nhưng tôi đã không nhận ra rằng nó cũng là một vấn đề nhạy cảm. Tôi không bao giờ có ý định làm buồn lòng bất cứ ai".
Givenchy: Vòng cổ "thòng lọng" (2021)
Trong khi vào thời điểm đó, "tự tử không phải là thời trang" vẫn tiếp tục là một phong trào thời trang, thì nhà mốt Pháp Givenchy mới đây lại gây "sóng gió" với bộ sưu tập xuân hè 2022 tại Tuần lễ thời trang Paris. Trong khi bộ sưu tập có đầy đủ các khía cạnh sáng tạo mới kết hợp với phong cách thời trang monochrome đặc trưng của nhà thiết kế, thì một chiếc vòng cổ trong bộ sưu tập đã gây xôn xao trên mạng xã hội khi Diet Prada chỉ ra chi tiết gây tranh cãi nó.
Tài khoản Instagram này đã chỉ thẳng thương hiệu, so sánh giữa chiếc vòng cổ "gây ấn tượng mạnh" này với chiếc áo hoodie "thòng lọng" của Burberry từ năm 2019. Nhiều người mẫu đã đeo một chiếc vòng cổ bằng bạc có dạng dây với một cái lỗ ở phía trước giống như một chiếc thòng lọng, tương tự như chiếc áo hoodie có thòng lọng gây tranh cãi của Burberry.
Givenchy là hãng thời trang mới nhất lọt vào danh sách những thương hiệu đáng lẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi tung ra những thiết kế như thế này khi trước đó đã có quá nhiều "bài học".
Hàng loạt những tình huống nhạy cảm đã xảy ra. Giờ đây là lúc các nhãn hiệu thời trang cần tìm hiểu sâu rộng và sáng tạo thiết kế độc đáo hơn để tránh đi vào "vết xe đổ" chiếm đoạt văn hóa hay lan truyền thông tin sai lệch về văn hóa, từ đó tôn vinh đúng cách vẻ đẹp lịch sử và văn hóa của đất nước mình.
Nguồn: TH&PL