Là một công dân sống trong xã hội, bức xúc lên tiếng và tự do ngôn luận là điều mà nghệ sĩ hoàn toàn có quyền làm. Nhưng tỉnh táo trước những phát ngôn là điều cần làm trước nhất.
Vì hậu quả của những phát ngôn phản cảm từ nghệ sĩ là rất khó lường!
Nội dung liên quan
Phát ngôn phản cảm là như thế nào?
Những ngày qua, mạng xã hội đã có dịp dậy sóng trước thông tin 2 nghệ sĩ Việt bị bắt vì cáo buộc tấn công tình dục ở Tây Ban Nha. Tuy không tiết lộ danh tính người vi phạm, nhưng với những "hint" được đưa ra thì cộng đồng mạng đã lập tức gắn chặt bản án này với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng.
Song, đứng trước làn sóng quay lưng từ khán giả, đã có hàng loạt những bài đăng "bóng gió" từ người cùng ngành lên tiếng bênh vực cho họ. Tuy nhiên, những màn bênh vực bất chấp với phát ngôn phản cảm đã đẩy câu chuyện đi xa hơn lằn ranh của một sự vụ tấn công tình dục.
Nhân vật đang hứng chịu chỉ trích là NSƯT Kiều Thanh, khi cô đã lên tiếng bênh vực đồng nghiệp với quan điểm "chuyện lang chạ là văn hoá đàn ông".
Khán giả cho rằng phát ngôn này của cô là rất phản cảm, truyền bá tư tưởng lệch lạc và không biết tôn trọng công chúng. Hiện rất nhiều khán giả lên án gay gắt quan điểm này và đòi tước bỏ danh hiệu NSƯT của diễn viên Kiều Thanh.
Trước đó vào ngày 2/7, NSƯT Kim Oanh cũng lên tiếng bênh vực đồng nghiệp và ngầm gọi khán giả là "chó mèo", còn nghệ sĩ là "hổ báo" với câu nói: "Hổ báo sa cơ không nhờ chó mèo phân xử". Nhiều khán giả cho rằng cô đang xúc phạm khán giả với giọng điệu vô cùng thách thức, đó không phải là thái độ nên có của một nghệ sĩ đối với công chúng.
Sau khi quan điểm này bị phản ứng mạnh, ngày 3/7, NSƯT Kim Oanh tiếp tục đăng dòng trạng thái mới và cổ suý cho cái sai của đồng nghiệp với thông điệp "làm sai tôi cũng bênh, bênh ngu tôi cũng bênh". Phát ngôn phản cảm lần thứ hai này của Kim Oanh giống giọt nước tràn ly, khiến tranh cãi càng bùng lên dữ dội.
Nội dung liên quan
Đây không phải lần đầu tiên công chúng có phản ứng gay gắt với những phát ngôn thiếu cẩn trọng của người nổi tiếng. Gần nhất là sự vụ NSND Hồng Vân và NSND Việt Anh bị công chúng chỉ trích, đòi tước danh hiệu NSND vì lên tiếng thương cảm cho Hữu Tín - nam diễn viên đang bị tạm giữ hình sự để điều tra tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy".
Có thể nói, ngay cả trong trường hợp những phát ngôn của nghệ sĩ không có ý gì, hay chỉ là lời nói bông đùa trong lúc vui vẻ thì nó cũng dễ trở thành một "phát ngôn phản cảm" với hậu quả rất khôn lường
Hậu quả có thể làm tiêu tan cả sự nghiệp?
Showbiz Việt trước giờ cũng luôn tồn tại một mô tuýp cũ là nghệ sĩ thường vướng vào ồn ào phát ngôn lệch chuẩn rồi lại chọn cách im lặng cho qua. Điều này cũng ngầm tạo nên một tiền lệ xấu. Tuy nhiên, đã là một nghệ sĩ với hàng trăm, hàng nghìn người theo dõi gần như đã mang trách nhiệm của một người đưa tin và điều hướng dư luận.
Trước khi trở thành một nghệ sĩ, họ vẫn là công dân có quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt ý kiến, tuy nhiên, việc ý thức được điều mình nói ra sẽ phát tán trên diện rộng thì trước khi bấm nút "đăng bài" họ cần giữ cho mình một cái đầu thật tỉnh táo.
Showbiz Việt vốn được nhìn nhận là một sân chơi khá "dễ dãi" cho các nghệ sĩ vì bê bối chẳng thể làm tiêu tan cả sự nghiệp. Họ vẫn có thể ở ẩn, lấy đà rồi trở lại showbiz như không có chuyện gì. Nhưng ở những nền giải trí khác như Trung, Hàn thì chuyện "triệt hạ đường sống" của nghệ sĩ khi phạm sai lầm đã không còn xa lạ. Một lần vạ miệng cũng đủ phá tan sự nghiệp và "lưu danh sử sách".
Nội dung liên quan
Nếu như ở Kbiz hay Cbiz, những "quan điểm cá nhân" mà người nổi tiếng phát ngôn đều có sự thận trọng và chuẩn mực, thì tại showbiz Việt, quan điểm cá nhân của nghệ sĩ đôi khi chỉ để thoả mãn cái tức của bản thân và cô cùng tuỳ hứng. Từ đó, nghệ sĩ đã vô tình tiếp tay truyền bá những văn hoá độc hại, cổ vũ cho cái sai và thương cảm cho những điều phi pháp.
Mỗi cá nhân đều có quan điểm và lý lẽ riêng, nhưng nếu nghệ sĩ ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng thì chắc hẳn họ sẽ phải "uốn lưỡi 7 lần" trước khi phát ngôn một điều gì đó có khả năng tác động tiêu cực đến sự nghiệp của họ, của người được nhắc đến và cả suy nghĩ của công chúng.
Nghệ sĩ hưởng lợi từ "đặc quyền truyền thông", càng phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình
Liên quan đến việc nghệ sĩ phát ngôn phản cảm gây tranh cãi trên mạng xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết trong Bộ quy tắc ứng xử (dành cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành vào cuối năm 2021, một số nội dung nêu rất rõ nghệ sĩ nên và không nên làm gì trên không gian mạng.
Điều 8 ghi rõ, cá nhân sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.
Đồng thời không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục.
Chiếu theo bộ quy tắc, ông Sơn cho rằng phát ngôn của các nghệ sĩ trong trường hợp này rõ ràng không phù hợp, nhất là khi sự việc hai nghệ sĩ Việt bị cáo buộc tại Tây Ban Nha còn chưa được làm sáng tỏ.
Với ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt cho rằng những nghệ sĩ có lối sống, phát ngôn thiếu chuẩn mực sẽ tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đặc biệt là đến nhận thức và hành động của giới trẻ.
Cô cho biết những nghệ sĩ hưởng lợi từ "đặc quyền truyền thông", hơn ai hết, bản thân họ phải có trách nhiệm với từng phát ngôn, từng hành động và từng quan điểm của mình trước công chúng. Quan điểm, lối sống tốt sẽ lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng, gia tăng uy tín, thương hiệu, tên tuổi, sự ngưỡng mộ và yêu mến của khán giả. Và ngược lại, những phát ngôn thiếu chuẩn mực, tiêu cực sẽ dẫn đến những hệ lụy rất xấu trong đại chúng, trong đó, đáng lo ngại nhất là một bộ phận giới trẻ.
Nguồn: TH&PL