"Bi hài" chuyện xài văn mẫu

Văn mẫu chỉ để nhìn, không phải để copy rồi paste!

Tại phiên chất vấn Quốc hội sáng nay 11/11, các Đại biểu Quốc hội đã đưa ra câu hỏi và kiến nghị cần sự giải đáp của Bộ trưởng. Một trong những vấn đề nổi cộm là câu hỏi chất vấn liên quan đến việc triển khai không dùng văn mẫu trong dạy và học môn Ngữ văn. 

Trả lời chất vấn từ đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc áp dụng văn mẫu trong dạy và học rất tai hại, ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thành của học sinh. Do đó, sắp tới, ngành sẽ có hàng loạt biện pháp để điều chỉnh mang tính chuyên môn. 

Những có lẽ sự thay đổi này không thể một sớm, một chiều...

bi hai chuyen xai van mau - anh 0
Văn mẫu và những câu chuyện không hồi kết

Những kiểu "văn mẫu" mà học sinh nào cũng thuộc nằm lòng!

Chỉ cần search một từ khóa "văn mẫu" trên google, chúng ta đã có hơn 300 triệu kết quả để "phục vụ" cho nhu cầu của người học. Văn mẫu dần trở thành một công cụ đắc lực không thể thiếu cho người học văn, kể cả là một học sinh giỏi văn thì cũng cần sự trợ giúp của văn mẫu để "tham khảo". 

Tương tự, trong truyền thống dạy và học văn từ trước đến nay, học sinh cũng thường "được" rập khuôn bởi sự đọc chép của giáo viên. Từ đó tạo nên những sự "miêu tả" trùng lắp từ bài văn của học sinh này đến bài văn của học sinh khác mà không có một bản sắc riêng cho cảm nhận của từng người. 

"Bà em đã gần bảy mươi tuổi, nhưng bà vẫn còn minh mẫn lắm. Dáng người bà nhỏ. Lưng của bà đã bị còng xuống. Bà có một khuôn mặt phúc hậu. Mái tóc đã bạc trắng. Làn da in hằn dấu vết của thời gian nhưng vẫn toát lên vẻ hồng hào tươi sáng. Đôi mắt của bà đã mờ đục đi nhiều. Đôi bàn tay với nhiều nếp nhăn nheo nhưng rất ấm áp". 

bi hai chuyen xai van mau - anh 0
Những quyển sách tuyển tập văn mẫu không thể thiếu trong ngăn bàn của nhiều thế hệ học sinh

Đoạn văn mẫu trên là một trong những cách miêu tả kinh điển về hình ảnh của người bà trong tiềm thức của nhiều người. Tương tự với những cách miêu tả sự vật hiện tượng khác như cô giáo, cơn mưa hay mùa hạ... thì văn mẫu vẫn luôn hiện diện với một đặc điểm cố định. Đến nỗi, nếu có một cách miêu tả khác "lệch chuẩn" văn mẫu theo "cảm nhận của em" thì sẽ trở thành đề tài bán tán một cách bất bình thường. 

Cách đây 8 năm, bài thơ về bà và hình ảnh minh họa trẻ phải học theo văn mẫu từng gây sốt trên mạng xã hội. Đối lập với hình ảnh người bà vất vả sớm hôm, tóc trắng, miệng nhai trầu thường thấy trong những bài văn mẫu, người bà trong bài thơ khá gần cuộc sống hiện đại với: hát karaoke, phóng xe máy,… lại gây thích thú.

bi hai chuyen xai van mau - anh 0
Chuyện đáng bàn từ bài thơ tả bà từng gây sốt nền giáo dục

"Bà ngoại em vẫn chưa già

Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường

Mắt bà vẫn rất tinh tường

Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày..." - (Trích bài thơ  "Cô bắt làm văn tả Bà") 

Trước thực tế học sinh thường phải dựa theo văn mẫu viết bài, nhiều người tỏ ra lo lắng một cách hài hước:"Sợ nay mai cháu nó làm văn mẫu tả ông như tả con chó: Nhà em có nuôi một ông nội, từ ngày có ông, bọn trộm không dám bén mảng. Thỉnh thoảng, em dắt ông nội ra công viên chơi, những lúc thích thú, thỉnh thoảng ông nội lại nhảy cẫng lên". 

Văn mẫu - Nguồn cơn của "rất nhiều" câu chuyện "hài" và "kịch"

Từng tham gia chấm thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cô Hồng Duyên tại TP Hồ Chí Minh kể rằng, đề ra chỉ yêu cầu phân tích 3 đoạn thơ trong bài Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, từ đoạn thứ 3-5 thế nhưng có những em phân tích luôn cả hai khổ thơ đầu. 

"Đọc bài làm là biết các em học thuộc văn mẫu, thuộc đến đâu chép đến đó và lược đi những chỗ quan trọng nhất vì không kịp giờ" - cô Duyên chia sẻ. 

bi hai chuyen xai van mau - anh 0

Cô Duyên khẳng định, đây là hậu quả của việc học tủ, học thuộc văn mẫu nhưng bị "trật tủ", "tủ đè". Phụ thuộc quá nhiều vào văn mẫu, chỉ học thuộc "vỏ ngôn ngữ" nhưng không có kỹ năng phân tích và diễn đạt nên khi bị lệch tủ, các em thường nộp giấy trắng hoặc viết lung tung cho khỏi ngồi chơi không trong giờ thi. 

Có nhiều học sinh lệ thuộc văn mẫu đến mức cứ có nhắc đến tác phẩm nào thì tìm những bài phân tích sẵn rồi chép chứ không quan tâm đến câu lệnh của đề bài yêu cầu những gì. Những bài làm này, đều nhận được lời phê "không bám sát yêu cầu của đề" hay nặng hơn là "lạc đề". 

Không những thế, chuyện thi văn với đề bài "Hãy nêu cảm nhận của em" nhưng lại chấm điểm theo "cảm nhận của thầy cô" với những ý tứ được dàn xếp sẵn từ lâu trở thành một nỗi "bi hài" trong cộng đồng học sinh. 

Văn mẫu từ trên sách, google cho đến những điều "bất hợp lý" trong luật lệ ngầm của giáo dục liệu có đang kìm hãm sự sáng tạo của người học? Và có đang làm nên một thế hệ "ỷ lại" với thói quen copy rồi paste xong mặc kệ những cảm nhận cá nhân? 

bi hai chuyen xai van mau - anh 0

Không đào thải văn mẫu, nhưng cần thực tế với thời cuộc!

Sau 20 năm vẫn mẹ em "da trắng, tóc dài, môi đỏ, mũi dọc dừa", bà em "lưng còng, miệng nhai trầu"… Và sau 20 năm vẫn là một cách diễn tả về cấu trúc, về từ ngữ không hề khác qua bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh hay ''Tây Tiến" của Quang Dũng… 

Khi đã gọi là "mẫu" có nghĩa nó đã đạt được mức độ chuẩn mực để làm mẫu cho người khác. Lúc này, văn mẫu như một công cụ, một phương tiện giúp học sinh luyện kĩ năng. Nhưng cái xấu của văn mẫu là sự "ngưng đọng" và quy củ không còn phù hợp với dòng chảy của thời gian. Như chính bài thơ "Cô bắt làm văn tả Bà" đả kích văn mẫu từng gây sốt một thời đã gián tiếp lên án hình thức vận dụng văn mẫu trong giáo dục. 

Tuy nhiên, sẽ ra sao khi văn mẫu biến mất?

Chuyện phụ thuộc vào văn mẫu cũng có thể xem là một hình thức "cực chẳng đã" đối với một số học sinh không có năng khiếu về văn chương. Chính vì thế, đây có thể xem là một "cực hình" của học sinh nếu văn mẫu bị xoá xổ hoàn toàn khỏi chương trình giáo dục. 

bi hai chuyen xai van mau - anh 0

Có không ít trường hợp học sinh hiểu cách khai thác, biết cách tìm ý nhưng lại không biết cách diễn đạt, thể hiện, lúc này văn mẫu sẽ "xuất hiện" để giúp đỡ học sinh cách hành văn, cách đặt câu, giúp thể hiện từ ngữ câu chữ... Chính vì thế, văn mẫu dần trở thành trợ thủ đắc lực cho học sinh... kể cả một học sinh giỏi văn và dồi dào chữ nghĩa.

Bạn Phương Duyên (1999) từng là một học sinh giỏi văn những năm cấp 3 chia sẻ rằng: "Thú thật, dù bản thân là một người học tốt văn nhưng mình cũng không thể nào phủ nhận vai trò của văn mẫu trong quá trình học tập. Dù là người có khiếu học văn tốt nhưng đôi lúc chúng ta cũng bị cảm giác 'bí văn' trước một vấn đề thì văn mẫu sẽ là một cách để khai mở câu chuyện và nguồn cảm hứng cho mình".

Sẽ thật khó để nói có thể "chấm dứt việc dạy học theo văn mẫu", nhưng dẫu đã muộn còn hơn không. Đến bao giờ để học sinh và thầy cô rời xa hoàn toàn văn mẫu vẫn là câu hỏi còn ở phía trước…

Bộ trưởng Giáo dục trả lời chất vấn: Chấm dứt việc dạy học theo văn mẫu, kiểm tra việc dạy online!

Bộ trưởng Giáo dục "rất suy nghĩ" việc học sinh thờ ơ, điểm thấp môn Lịch sử

Giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, 70.000 sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ