Gen Z là một thế hệ có rất nhiều tài năng, bao gồm cả trong lĩnh vực kinh doanh.
Hôm nay (13/10) là ngày Doanh nhân Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân không những là biểu tượng của sự sáng tạo, đầu óc kinh doanh mà họ còn là thành phần đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế nước nhà và thế giới.
Và giờ đây, khi nhắc đến cụm từ "doanh nhân", chúng ta không còn chỉ liên tưởng đến hình ảnh những "vị tiền bối" đứng tuổi, những nhà kinh doanh lão luyện, đầy kinh nghiệm nữa. Có thể nói, sự xuất hiện của Gen Z đã đem đến cho lĩnh vực kinh doanh những "làn gió mới" - những nhân tài trẻ không đợi tuổi.
Điểm lại một vài những doanh nhân Gen Z thành công trên toàn cầu, thậm chí còn có người là tỷ phú trẻ nhất thế giới!
Kylie Jenner (1997)
Vào tháng 3/2019, Forbes đã vinh danh Kylie Jenner, khi đó 21 tuổi, là tỷ phú "tự thân lập nghiệp" trẻ nhất thế giới. Với xuất thân vốn giàu có của mình, cô cũng bị "chế giễu" không ít về danh hiệu này. Tuy nhiên, tốc độ thành công của cô lại là một sự thật rõ ràng có thể dễ dàng nhận thấy.
Jenner thành lập công ty mỹ phẩm của riêng mình mang tên "Kylie Cosmetics" vào năm 2015 và khẳng định đã đạt doanh thu 400 triệu USD trong 18 tháng đầu tiên, theo Forbes. Vào tháng 11/2019, Jenner đã ký một thỏa thuận bán phần lớn cổ phần trong công ty mỹ phẩm của mình cho tập đoàn làm đẹp Coty Inc. với giá 600 triệu USD, định giá công ty là 1,2 tỷ USD.
Hiện nay, Jenner sở hữu tài khoản Instagram với 275 triệu người theo dõi. Những đối tượng này hầu hết là người trẻ và là nữ giới. Có thể nói, đây là nhóm khách hàng tiềm năng đã góp phần tạo nên thành công cho cô gái trẻ này.
Austin Russell (1996)
Austin Russell dành tuổi thiếu niên để nghiên cứu tại Đại học California, Viện Laser Irvine's Beckman. Nam doanh nhân này đã nghỉ học ở Đại học Stanford vào năm 2012 để thành lập công ty khởi nghiệp về laser lidar (từ viết tắt của ánh sáng, phát hiện và định tầm) "Luminar Technologies" sau khi nhận được học bổng cho nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ trị giá 100.000 USD từ tỷ phú đầu tư công nghệ Peter Thiel.
Các cảm biến của nó hiện giúp ô tô tự lái của những khách hàng như Volvo, Toyota và Intel's Mobileye có thể nhìn thấy ở chế độ 3D. Công ty được niêm yết thông qua sáp nhập SPAC vào tháng 12/2020, đưa anh vào hàng ngũ tỷ phú chỉ sau một đêm. Ở tuổi 26, anh hiện là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới hiện nay khi Kylie Jenner, 23 tuổi, đã tụt hạng.
Anh cũng là một trong bốn "tỷ phú tự thân" ở độ tuổi 20 và lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm nay.
Rahul Rai (1997)
Khi tiền ảo ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo và nhiều ứng dụng dựa trên blockchain đang "mọc lên" mỗi ngày thì sự cạnh tranh giữa các mạng khác nhau để lưu trữ càng nhiều hoạt động đó càng tốt cũng ngày càng gay gắt hơn.
Tuy nhiên, Rahul Rai, 24 tuổi, đã trở thành triệu phú khi bán một quỹ tiền điện tử mà anh đồng thành lập. Rai lớn lên ở Ấn Độ, từng là nhà phân tích cho Morgan Stanley vào năm 2019 và thành lập quỹ đầu cơ tiền điện tử Gamma Point Capital vào năm 2021 cùng với Eash Aggarwal và Sanat Rao.
BlockTower Capital, với sự hậu thuẫn của tỷ phú Marc Lasry cùng những người khác, đã mua lại công ty của anh với giá 35 triệu USD vào tháng 5 năm nay. Anh hiện là đồng trưởng bộ phận Chiến lược trung lập thị trường tại BlockTower Capital.
Hart Main (1997)
Năm 2010, ở tuổi 13, Hart Main nảy ra ý tưởng về những ngọn nến thơm nam tính sau khi trêu chọc em gái của mình về những chiếc nến thơm nữ tính mà cô ấy bán trong một buổi gây quỹ ở trường học. Mãi cho đến khi Hart quyết định một chiếc xe đạp trị giá 1.500 USD, anh ấy mới cân nhắc lại những đề xuất tưởng chừng như để đùa của mình.
Hart và cha mẹ anh đã cùng góp tiền trên danh nghĩa để bắt đầu kinh doanh và cùng nhau sản xuất nến, thành lập công ty tên là ManCan. Được tạo ra theo chủ đề đơn giản và nam tính, nến ManCan có rất nhiều mùi hương có sẵn như lửa trại, mùn cưa, cỏ mới cắt...
Nến của Hart sau đó đã có mặt ở các cửa hàng ở mọi tiểu bang, với doanh số vượt quá sáu con số hàng năm.
Jack Kim (1995)
Jack bắt đầu tạo trang web và chợt nhận ra rằng mình có thể sử dụng những ý tưởng này để xây dựng một website làm từ thiện khi anh mới là học sinh lớp 10. Và kết quả sau đó là một công cụ tìm kiếm phi lợi nhuận - Benelab - đã được thành lập "để làm cho hoạt động từ thiện trở nên dễ dàng và dễ tiếp cận hơn".
Mục tiêu của anh là đưa công việc kinh doanh đạt ít nhất 100.000 USD ít nhất trước khi hoàn thành chương trình đào tạo trung học phổ thông. Sáng kiến này được thực hiện để quyên góp 100% doanh thu quảng cáo cho tổ chức từ thiện.
Caine Monroy (2002)
Caine Monroy chỉ mới chín tuổi khi cậu tạo ra thùng chơi game bằng bìa cứng (arcade) tạm thời bên trong cửa hàng phụ tùng ô tô của cha mình. Khách hàng duy nhất của thùng game - nhờ vào khả năng thiên tài của Caine trong việc tạo ra thứ gì đó từ những thứ tưởng chừng như không thể - đã quyết định tạo ra tiếng vang với hy vọng có thể gây quỹ đại học cho Caine.
Anh ấy đã đăng một đoạn phim ngắn lên mạng xã hội và chẳng bao lâu, công việc kinh doanh thùng game Arcade của Caine được mọi người trên toàn thế giới biết đến. Cậu được đưa tin trên các hãng truyền thông như ABC World News, Good Morning America và MSNBC.
Điều này đã giúp sản phẩm của cậu thu hút được nhiều khách hàng hơn. Không có thông tin chính xác về số lợi nhuận mà Caine thu được nhưng quỹ học bổng đã thu về hơn 200.000 USD. Arcade của Caine đã tạo ra một phong trào, dẫn đến thành lập Imagination Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận được tạo ra để khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần kinh doanh ở trẻ em.
Julie Baochi (1996)
Một chủ doanh nghiệp 25 tuổi gốc Việt ở Sydney đã "gây dựng được gia tài nhỏ" khi bán "ví scrunchie" độc đáo sau khi nghỉ việc và chật vật tìm công việc khác trong giữa đại dịch.
Julie cho ra mắt Baochi Boutique vào ngày 23/10/2020 và lần đầu tiên cô nảy ra ý tưởng cho sản phẩm này là khi cô đến một khu chợ trong chuyến đi Việt Nam vào tháng 2/2020.
Sau khi mua cho mình một chiếc scrunchie, cô nhanh chóng nhận ra rằng sẽ thật tiện lợi nếu có một chiếc khóa kéo trên scrunchie để đựng những vật dụng cá nhân nhỏ - chẳng hạn như son môi, chìa khóa, khăn giấy và thậm chí cả điện thoại.
Khi trở lại Úc, Julie đã cố gắng học cách làm ra sản phẩm với sự giúp đỡ của mẹ chồng và sau đó, cô quyết định thành lập thương hiệu. Bằng cách chia sẻ video trên TikTok để quảng bá cho việc kinh doanh, Julie đã kiếm được 7.000 USD trong vòng chưa đầy tám tuần.
Nguồn: TH&PL