Chẳng có điều gì đáng tiếc nếu bạn thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm.
Dù lựa chọn con đường nào thì ai cũng có lý do khi xuất phát mà chỉ riêng mình biết. Lý do này có thể rất nhỏ nhưng dù là điều gì cũng phải kiên trì tới cùng, chỉ có thế mới có ngày đội được vòng nguyệt quế.
Ba thứ mà người ta khát khao theo đuổi: Trình độ học vấn - mức độ công việc - danh tiếng
Trình độ học vấn và mức độ công việc luôn là đề tài muôn thuở khi bàn về câu chuyện việc làm của những người trẻ. Không tự nhiên mà người ta lại quan tâm đến vấn đề này khi hầu hết trong các tờ sơ yếu lý lịch, đơn xin việc hay tấm CV đều đề cập đến danh mục "trình độ học vấn". Đây là cụm từ để chỉ mức độ học tập của một người nào đó đạt được qua quá trình học tập của bản thân. Đối với mỗi hệ bậc học sẽ phản ánh được mức độ học vấn của từng người.
Không phải tự nhiên mà người ta lại xem trọng chuyện học vấn phải tương thích với mức độ công việc. Bởi lẽ, từ trước đến giờ nó gắn cùng với hai từ danh tiếng. Đôi khi khát khao minh chứng bản thân đối với người khác không bắt buộc phải tỉ lệ thuận với mức độ tự hài lòng với bản thân. Cái mà người ta mong muốn là có được sự công nhận từ xã hội như một "khoản bồi thường", để bù đắp cho sự hổ thẹn về chính bản thân mình.
Trình độ học vấn phải song hành với mức độ công việc là một hình thức phản ánh của danh tiếng. Một khái niệm vô cùng mơ hồ nhưng lại là điều mà người ta vô cùng để tâm. "Cầm tấm bằng đại học mà ra làm công nhân", "Học cao học mà đến giờ vẫn vô công rỗi nghề" hay "Học quản lý mà ra làm nhân viên quèn",...
Vô tình những câu nói có phần cay nghiệt và chua chát định kiến từ xã hội đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người. Khiến người ta sợ gạch đá thị phi mà luôn đi tìm những hào quang sáng chói. Nhưng ẩn đằng sau đó là nhiều hệ lụy.
Đôi khi hai thứ này lệch nhau vì họ có nhiều lựa chọn
Trong chương trình Cơ Hội Cho Ai, một show thực tế về việc làm được phát sóng trên VTV3. Theo đó, trong chương trình phát sóng hồi năm 2019, một cô gái đăng ký tham gia tên Hồng Ngọc, là sinh viên Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chuyên ngành Luật kinh tế.
Cô gái là một người có thể dịch được tiếng anh cùng nhiều điều kiện khác. Nhưng sau khi sếp Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT hỏi tại sao lại chọn làm lễ tân, cô chia sẻ: "Có một câu nói là bạn phải thật sự chọn một nghề mình thích, bạn sẽ được hạnh phúc 8 tiếng ban ngày. Vì con người hạnh phúc quyết định đến thái độ sống rất nhiều nên em đã quyết tâm đi theo tiếng gọi của con tim mình".
Đôi khi, chúng ta chỉ cần cảm thấy hài lòng với công việc của mình thì sự đánh giá có phần khắc nghiệt của người khác chỉ là lời "gió thoảng mây bay". Đôi khi, trình độ học vấn và mức độ công việc có phần lệch nhau vì đó là sự lựa chọn của cá nhân mỗi người. Nếu ai cũng cố gắng đi tìm mọi cách để ở "trên cao" nhưng khi chạm đích, mấy ai đã thực sự cảm thấy hài lòng?
Từng đỗ ngành Y và du học ở Mỹ theo kỳ vọng của mẹ nhưng Tóc Tiên cũng cởi bỏ áo blouse sau sáu năm du học để theo đuổi con đường nghệ thuật. Hay cũng có nhiều người bình thường sau khi tốt nghiệp ra trường vẫn chọn công việc chăm nuôi thú cưng vì họ thấy được niềm vui trong công việc của mình.
Hoặc là, do cuộc sống ganh đua về cấp bậc thứ hạng làm cho nhiều người mệt mỏi mà mong muốn lựa chọn một cuộc sống dễ chịu hơn. Cuộc sống ở trong "hào quang" không bao giờ là điều dễ dàng, nhưng sẽ còn tệ hơn hàng ngàn lần khi chúng ta trở thành kẻ bị ghét bởi cả một nhóm người.
Đã có những cô, cậu học trò bị bắt nạt ở trường vì lỡ "mách thầy cô" những điều sai trái, hay vì cách họ sống hoặc bản thể tính dục của họ. Đã có nhiều ngôi sao vụt sáng, trở thành hiện tượng nhưng rồi bị dư luận quay lưng chỉ vì những lời đồn thổi về "trà xanh", về "đạo nhái". Dư luận cộng đồng luôn là thứ vũ khí sát thương tàn nhẫn mà người ta muốn tránh xa, càng xa càng tốt.
Dù chọn bất kỳ công việc gì thì nên làm với một thái độ nghiêm túc bởi thái độ quan trọng hơn trình độ
Thực ra tương lai không phải là thứ có thể phán đoán mà chỉ có thể do mình tự tạo ra. Dù chọn hay làm bất kỳ công việc gì thì hãy làm nó với một thái độ nghiêm túc. Walter Scott có nói một câu rất hay rằng: "Để thành công, thái độ cũng quan trọng ngang bằng khả năng". Cấu thành sự thành công trong bất kỳ công việc nào cũng bao gồm 2 yếu tố thái độ và trình độ.
Vì thế, lúc phải đưa ra quyết định và dấn thân thì hãy nghiêm túc thực hiện nó. Nhưng một khi đã đưa ra quyết định ấy thì nhất định phải kiên quyết tuyệt đối.
"Khi bạn dốc toàn tâm toàn ý làm một việc gì đó, Chúa sẽ đứng ra chủ trì công lý cho bạn". Vì thế, dù cho có làm một công việc bình thường hay vĩ đại, nhỏ bé hay lớn lao hãy bỏ vào đó sự nhiệt huyết của mình. Rồi đến một ngày không xa xôi, chúng ta sẽ nhận quả ngọt từ những gì mà chúng ta đã vun đắp.
Dù lựa chọn con đường nào thì ai cũng có lý do khi xuất phát mà chỉ riêng mình biết. Lý do này có thể rất nhỏ nhưng dù là điều gì cũng phải kiên trì tới cùng, chỉ có thế mới có ngày đội được vòng nguyệt quế.
Nguồn: TH&PL