Covid-19 đã thay đổi xu hướng tiêu dùng của bạn như thế nào?
Đại dịch Covid-19 và những đợt "lockdown" đã thay đổi cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Và quan trọng nhất là nó đã thay đổi hành vi tiêu dùng và cách chúng ta đưa ra các quyết định liên quan đến tài chính.
Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi một nền tảng mua sắm cho thấy 60% người trẻ Gen M (những người có năm sinh trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1995) đã cắt giảm chi tiêu cho phim ảnh, quần áo và giải trí, nhưng lại tăng chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe và cửa hàng tạp hóa.
Cùng với đó, báo cáo khác từ một công ty dịch vụ tài chính tiết lộ rằng mức chi tiêu của Gen M và Gen Z (những người có năm sinh trong khoảng từ năm 1996 đến năm 2009) đạt mức 125% so với mức chi tiêu trước Covid của họ kể từ năm 2019.
Thật vậy, hoàn cảnh giãn cách xã hội và không có điều gì chắc chắn đã khiến nhiều người trẻ phải tạm dừng và đánh giá lại lối sống và thói quen chi tiêu của bản thân. Trong khi một số người đã tiêu xài hoang phí trước đó bỗng trở nên tiết kiệm hơn thì một số khác lại trở nên tiêu xài bất chấp vào thức ăn, trau dồi kinh nghiệm, sức khỏe, v.v.. hơn bao giờ hết.
Sự chán nản, lo lắng và bất ổn làm tăng chi tiêu
Đối với hầu hết Gen MZ, cuộc sống của họ bị xáo trộn do đại dịch và một phần là do không rõ khi nào điều gì sẽ xảy ra. Họ nhận ra rằng cuộc sống không chỉ mong manh mà còn khá khó lường. Hơn nữa, vì không có nơi nào để đi và không có gì thú vị để mong đợi nên mua sắm được thực hiện như một liều thuốc hạnh phúc giữa đại dịch.
"Trong một năm qua, tôi đã mua máy tính xách tay và điện thoại cùng số vô số thứ khác. Đại dịch khiến tôi nhìn mọi thứ khác đi và mặc dù tôi đã cố gắng giữ một phần thu nhập làm tiền tiết kiệm, nhưng tôi cũng đã tiêu khá nhiều. Dù hầu hết chúng ta đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn trong hơn một năm nay, nhưng mua sắm là một cách mang lại cho bạn một chút niềm vui", Shalini Mehra, một chuyên gia làm việc tại Delhi, chia sẻ.
Doanh nhân, tác giả Shruti Kaushik cho rằng xu hướng tiêu dùng này là do "lối tiếp thị dựa trên sự thấu hiểu và đồng cảm" mà nhiều công ty đã áp dụng thành công trong thời kỳ đại dịch. Cô nói: "Việc giãn cách xã hội do đại dịch đã khiến một người mua sắm bình thường cảm thấy ngột ngạt. Điều này dẫn đến việc mua hàng theo cảm xúc hơn là mua có những đồ thích đáng".
Cô cho biết thêm rằng sự buồn chán, rối loạn, lo lắng, không chắc chắn xuất hiện do giãn cách xã hội và sự tiện lợi của việc mua sắm trực tuyến thoải mái tại nhà là một trong những lý do chính đằng hiện tượng gia tăng chi tiêu của thế hệ trẻ.
Gen MZ chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe, làm đẹp, thương hiệu và các khóa học online
Trong đại dịch Covid, thói quen chi tiêu của thế hệ trẻ đã thay đổi để thích ứng với những hạn chế kinh tế và khuyến nghị của các chuyên gia y tế. Thiết bị tập gym tại nhà, xe đạp, kính râm và quần áo tập thể dục, sản phẩm chăm sóc da, thực phẩm và nguyên liệu lạ là những thứ mà những người trẻ đang tiêu xài những đồng tiền làm lụng vất vả.
Arachana Iyer, một chuyên gia làm việc từ Mumbai, chia sẻ rằng: "Cá nhân tôi cũng nhận thấy sự thay đổi lớn trong cách tiêu dùng của tôi trong một năm qua so với thời điểm trước khi có Covid. Tôi đã tận hưởng nhiều hơn những thứ như quần áo, phụ kiện hoặc thậm chí là các sản phẩm điện tử.
Sự đơn điệu của làm việc tại nhà và cuộc sống nói chung khiến tôi muốn mua sắm. Nó như một sự phân tâm rất cần thiết khỏi tình hình hiện tại. Tôi cũng cảm thấy rằng nhu cầu tiêu xài này sẽ dừng lại một khi mọi thứ trở lại bình thường".
Ngoài vật chất, nhiều người trẻ Gen M cũng đang "đầu tư" vào việc tạo ra sự hiện diện mạnh mẽ cho công việc kinh doanh điện tử của họ.
"Gần đây, tôi đã thấy những người trẻ Gen M chi tiêu một phần thu nhập của họ một cách khôn ngoan cho việc kinh doanh và mức hiện diện thương hiệu trực tuyến bên cạnh sức khỏe tinh thần và thể chất của họ. Quần áo và phụ kiện có thể được mua liên tục, nhưng nhiều người cũng đang khám phá các lựa chọn đầu tư để tăng sự hiện diện thương hiệu của họ", tác giả Shruti Kaushik nói.
Covid-19 đã thay đổi quá trình suy nghĩ trong giới trẻ. "Giờ đây, họ coi sức khỏe là một khoản đầu tư nghiêm túc, bao gồm cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Việc đăng ký dịch vụ và giải trí kỹ thuật số cũng đang nhanh chóng trở thành một nhu cầu cần thiết, vì vậy, một phần khá lớn trong thu nhập cũng đang được mọi người tiêu dùng vào đây", Tushar Bopche, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chia sẻ.
Tìm kiếm sự cân bằng giữa tiết kiệm, chi tiêu và đầu tư
Vì chúng ta đang sống giữa đại dịch nên chúng ta phải đưa ra lựa chọn chi tiêu của mình đúng đắn bằng cách đánh giá lại các mục tiêu, ngân sách và các khoản chi ưu tiên.
Kripalani cho rằng đại dịch thật sự mang đến sự lo lắng và điều đó có thể khiến mọi người chi tiêu quá mức hay chi tiêu vào những thứ không cần thiết. Mặc dù việc dành một khoản tiền nhất định cho những khoản chi tiêu làm chúng ta "hài lòng", chi tiêu vào những ngày lễ, quần áo và những món đồ xa xỉ rất tuyệt.
Tuy nhiên, việc để dành một khoản tiết kiệm phòng những trường hợp không thể lường trước như giãn cách xã hội cũng quan trọng không kém. Gen MZ kết nối cao với công nghệ và internet. Điều này mang lại cho họ vô số lựa chọn khi nói đến những gì họ phải chi tiêu hoặc đầu tư vào.
Kaushik gợi ý rằng chúng ta nên đầu tư vào bản thân hơn là đầu tư vào những thứ đắt tiền: "Dù là tham gia một khóa học mới, đầu tư vào các chiến dịch tiếp thị hay xây dựng thương hiệu cho công ty, hãy cố gắng và đầu tư một khoản tiền vào việc trau dồi kỹ năng của bản thân để có được một tương lai vững chắc hơn".
Trong trường hợp bạn có một khoản tiền kha khá trong hay, bạn có thể cân nhắc đến việc đầu tư nó thay vì tiêu xài nó và kiên nhẫn chờ đợi thành quả. Chuyên gia Bopche cho rằng: "Một cuộc thảo luận thẳng thắn với người thân về kế hoạch đầu tư của bạn là một ý tưởng khá hay. Bạn có thể thảo luận và nhận được lời khuyên từ đồng nghiệp, gia đình về lựa chọn đầu tư của mình".
Nguồn: TH&PL