Thử bắt đầu năm 2022 bằng "chuck-it list" thay vì "bucket list"?
Hai năm qua là một khoảng thời gian thực sự khó khăn với hầu hết tất cả chúng ta. Trong khi một số người cố gắng để đạt được mục tiêu to lớn hơn họ mong đợi đã xoay sở để viết sách, tìm một công việc lương cao hơn hay học nướng bánh, chơi nhạc cụ, thì nhiều người trong chúng ta lại cố gắng hết sức chỉ để đứng vững.
Đó là một nhiệm vụ không hề nhỏ so với những gì chúng ta đã trải qua. Nhưng đâu ai muốn có cảm giác như thể họ đang giậm chân tại chỗ chứ?
Thói quen tạo "bucket list": Hy vọng để rồi thất vọng?
Mỗi khi năm mới đến, chúng ta thường nhìn lại một năm đã qua, và đôi khi là toàn bộ cuộc đời chúng ta. Sự thôi thúc này thậm chí còn rõ rệt hơn nữa khi mà đã hai năm trôi qua kể từ khi đại dịch xuất hiện. Chúng ta tự hỏi bản thân xem chúng ta đã làm được những gì và còn cần phải làm gì.
Và như một thói quen, "bucket list" - danh sách những điều bạn muốn làm trước khi chết - là một trong những yếu tố có thể khiến bạn thấy buồn và thất vọng về bản thân hơn bao giờ hết nếu không hoàn thành được mục tiêu đã đặt ra, trái ngược với không khí tràn đầy năng lượng và niềm tin khi mùa xuân về.
Nhiều khi, chúng ta chỉ quan tâm đến thành quả mà quên mất một điều rằng quá trình cũng quan trọng không kém. Nếu hướng một ánh nhìn về phía quá trình, chúng ta sẽ có thể nhìn nhận một cách khách quan và đúng đắn hơn những gì chúng ta đã trải qua và đã cảm nhận.
Vì có một sự thật là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đạt được những mục tiêu mà chúng ta muốn. Nhưng rõ ràng, không đạt được mục tiêu không đồng nghĩa với việc bạn "giậm chân tại chỗ", không nỗ lực hay không cố gắng. Và không đạt được kết quả mong muốn cũng không có nghĩa là bạn đã thất bại. Bởi vì, đôi khi chỉ cần bạn đã thật sự nỗ lực, đã thật sự dám làm đã là thành công rồi đấy chứ?
Thử bắt đầu năm 2022 bằng "chuck-it list" thay vì "bucket list"?
"Bucket list" có thể là yếu tố thúc đẩy chúng ta cố gắng và hướng tới mục tiêu hơn nhưng lại cũng có thể mang đến tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng không tốt đến tinh thần của chúng ta.
Vì vậy, bắt đầu một năm mới này, thay vì làm những điều "đã cũ", tại sao chúng ta lại không thử thực hiện một điều gì đó mới mẻ hơn? Như lập "chuck-it list" chẳng hạn? "Chuck-it list" là từ dùng để chỉ danh sách những điều bạn không bao giờ muốn làm và bạn đã thực sự không làm cho đến nay.
Một danh sách các sở thích mà bạn không quan tâm và đã không theo đuổi. Những chuyến du lịch không hấp dẫn mà bạn chưa bao giờ đi. Mục tiêu bạn không bao giờ đặt ra và cũng không bao giờ đạt được. Hãy viết ra những điều bạn đã không muốn làm và đã thực sự không làm chúng.
Chúng ta thường nghĩ rằng làm được những điều chúng ta muốn làm là một thành tựu. Vậy thì không làm những điều chúng ta không muốn làm cũng chính là thành công. Danh sách này hoàn toàn có thể mang lại cho bạn cảm giác thành tựu và sự hài lòng.
Cuộc sống này tồn tại vô vàn cám dỗ, nhưng trải qua bao biến số, bao sự kiện, bạn vẫn có thể giữ một cái tôi vững chãi, không bị cuộc sống này thao túng hay làm gục ngã thì bạn hoàn toàn có thể tự hào về điều đó.
So với "chuck-it list", "bucket list" là một điều nghe khá viển vông. Và sau khi trải qua hai năm đầy biến động, chúng ta lại càng nhận thức được rõ ràng hơn nữa việc cuộc sống này vô thường và hữu hạn ra sao.
Những điều quan trọng nhất trong cuộc sống - như gia đình, công việc có ý nghĩa, bạn bè, cộng đồng - là những điều mà bạn không nên đưa vào một danh sách chỉ để "check". Bởi vì câu hỏi đặt ra là khi nào bạn sẽ đánh dấu hoàn thành vào mục "gia đình" hoặc "bạn bè"? Và khi nào bạn có thể tự hào nói "xong" với một trong hai thứ đó và chuyển sang mục kế tiếp?
Ngay cả việc tạo một "bucket list" mà không có tính toán, chỉ tập trung vào một số thứ như các địa điểm sẽ ghé thăm, cũng là việc làm liều lĩnh trong thời điểm hiện tại. Đây không phải là lúc bạn nên hướng đến chuyến du lịch vòng quanh thế giới.
Hai năm qua đã cho chúng ta thấy rằng xung quanh chúng ta tồn tại rất nhiều vẻ đẹp gần gũi mà trước đó chúng ta không hề hay biết do quá bộn bề với cuộc sống và chỉ hướng đến những điều xa vời. Vì vậy, thay vì sống quá tách rời với hiện tại, có lẽ đã đến lúc chúng ta trân trọng nhiều hơn những gì chúng ta đang có.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL