Sáng đi học, chiều đi viện, tối đi trực… nỗi khổ của những sinh viên ngành Y không chỉ đơn giản là thế!
Sinh viên học Y vất vả là điều ai cũng hiểu, nhưng để rõ tường tận từng chân tơ kẽ tóc để biết họ khổ như thế nào thì chúng ta không thể hình dung được. Hấu Nguyễn - một trong những "reviewer" có tâm về ngành Y đã giúp nhiều bạn trẻ có cái nhìn cụ thể và rõ ràng hơn về ngành nghề cao quý này. Đôi lúc là những sự thật nghe xong ai cũng "bỏ chạy mất dép" nhưng đổi lại với những sinh viên ngành Y là niềm tự hào, hạnh phúc khi được đứng trong đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ với nhiệm vụ cứu người.
Hiện tại, Hấu Nguyễn đang là Tiktoker với kênh Hấu học Y - gần 50K Followers. Đồng thời cô bạn cũng là Founder của thương hiệu DHIntro và Co-founder Đại sứ Dự án Thúc đẩy hợp tác và Phát triển năng lực Sinh viên Y. Năm 2019, Hấu Nguyễn từng vô địch miền Bắc và giải Nhì toàn quốc - English Olympiad E4US 2019, chủ đề SDGs. Ngoài ra cô bạn từng đạt giải Giải ba toàn quốc Cuộc thi Hùng biện "Sinh viên và Covid-19" - by VOHUN - Mạng lưới Một Sức Khỏe Việt Nam cùng một thành tích khác.
Hấu Nguyễn
Nguyễn Thị Bích Hậu sinh năm 2000, hiện là sinh viên năm 4 khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội. Nữ sinh không chỉ gây ấn tượng bởi bảng thành tích dài không kể xiết, mà còn mang đến câu chuyện truyền cảm hứng về ngành Y đối với nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với nghề cao quý này.
Học Y vừa áp lực thời gian, áp lực đồng trang lứa, áp lực lên cả kinh tế của bố mẹ...
Quá trình này chỉ diễn ra 1 tháng, nhưng do ngày nào mình cũng được đồng hành cùng các anh chị mỗi ngày. Mình nghĩ một phần vì thiên thời địa lợi nhân hoà và tổng hợp rất nhiều yếu tố. Bản thân mình cũng là một người rất yêu quý người già nữa nên mình bắt đầu "mến" công việc này lúc nào không hay.
Có một khoảnh khắc để mình quyết định theo đuổi ngành y đó là có một bác lớn tuổi bảo với mình là: “Ôi con là bác sĩ mà sao con trẻ thế, con chỉ bằng tuổi con gái cô thôi mà sao con giỏi thế?”. Mặc dù lời khen lúc đó không đúng với mình vì mình chưa làm bác sĩ nhưng mà mình cảm thấy rất vui và có giảm giác gì đó khó tả, thôi thúc mình phải trở thành bác sĩ vậy...
Hồi đó mình cũng chưa có cơ hội trải nghiệm các ngành nghề khác, để biết được mình còn yêu thích cái gì khác không... Nhưng hành trình nhận ra đam mê là một quá trình rất dài, rất khó và ngay khi mình đã học 4 năm rồi nhưng vẫn chưa hoàn toàn khẳng định công việc này là phù hợp với mình chưa.
Bởi vì mỗi ngày, mỗi năm học lại cho mình rất nhiều kiến thức mới, nên mình nghĩ một trong những yếu tố quan trọng để tìm kiếm đam mê là phải càng trải nghiệm và tiếp xúc với nó nhiều thì mới nhận ra được đâu mới là thứ mà mình thực sự thích.
Một trong những yếu tố quan trọng để tìm kiếm đam mê là phải càng trải nghiệm và tiếp xúc với nó nhiều thì mới nhận ra được đâu mới là thứ mà mình thực sự thích.
Môi trường học Y thật sự rất vất vả, có nhiều kiến thức và đòi hỏi mình phải chăm chỉ và không hề giống với những lời đồn khi lên đại học của các ngành nghề khác. Ví dụ như lên đại học nhàn lắm, lên đại học sẽ có người yêu,... nhưng thật ra năm nhất mình sốc rất nhiều.
Với nỗi khổ của ngành Y lại là một câu chuyện dài...
Thứ nhất là việc học nhiều. Thật ra những ngành khác họ cũng học nhiều nhưng cái học nhiều của ngành y đặc trưng ở việc chúng mình sẽ phải học CẢ NGÀY. Đặc biệt là các bạn sinh viên năm nhất mới lên thường sẽ sốc vì lịch học, do cứ nghĩ sẽ có cơ hội đi làm thêm ở các buổi học trống nhưng với ngành y là điều không thể. Nên đa số các bạn đều phải sốc vì lịch học quá là dày đặc và xen kẽ rất nhiều môn, vừa học lý thuyết vừa học thực hành, sau đó về còn phải làm bài tập cùng nhau. Ngày xưa mình nghĩ thi đại học là một cái gì đó rất là ghê gớm nhưng khi là sinh viên y rồi thì những đợt thi hết môn nó còn ghê gớm hơn cả thi đại học.
Thứ hai là thời gian học rất dài, hầu hết các trường đại học khác thường 3 năm rưỡi hoặc 4 năm nhưng riêng học Y sẽ là 6 năm. Và sau khi ra trường nếu các bạn học Y khoa thì sẽ phải học thêm 1, 2 năm nữa để định hướng rõ hơn. Chính vì thế, có một điều thực tế là bạn bè chúng ta sẽ có những người ra trường lấy chồng, lấy vợ nhưng chúng ta thì vẫn đang đi học. Điều đó kéo theo áp lực về mặt thời gian, áp lực đồng trang lứa, còn nghĩ đến việc bố mẹ phải nuôi mình trong một khoảng thời gian dài thì đó sẽ là những điều áp lực mà chúng ta sẽ phải trải qua.
Nỗi khổ tiếp theo là về việc khó có người yêu. Mọi người thường trêu nhau tại sao sinh viên y cả nữ và nam đều ế nhưng không yêu nhau đi? Nhưng khi đã vào trường Y rồi thì thời gian dành cho mình còn không có. Đến khi mình lên năm 4 mới nhận ra rằng có những ngày 24/24 mình không có thời gian để làm gì khác hết, kiểu nếu rảnh thì chỉ muốn ngủ thôi nên thời gian dành cho việc yêu đương hoặc tìm hiểu sẽ rất là ít.
Học y kéo theo áp lực về mặt thời gian, áp lực đồng trang lứa, còn nghĩ đến việc bố mẹ phải nuôi mình trong một khoảng thời gian dài... thật sự phải học cách chấp nhận và vượt qua.
Mẹ từng xúi mình: "Lấy chồng đi rồi học Y tiếp"
Chỉ là đùa thế thôi nhưng thật ra bản thân mình sau khi học đã phải chịu cái áp lực đồng trang lứa, thì bố mẹ mình cũng sẽ như thế. Khi bố mẹ mình nhìn con người ta đã đi làm kiếm tiền, lập gia đình và hoàn thiện hết rồi mà con mình vẫn còn đang đi học...
Thường bọn mình cũng ít có thời gian chăm chút cho bản thân bởi đặc thù công việc phải bịt kín mặt nên nhan sắc nhìn cũng không được lung linh, hay chăm chút nhiều như con gái của những ngành khác.
Dù mẹ mình ban đầu có ủng hộ như thế nhưng khoảng 2-3 năm mình học ở trường Y thì mẹ đã bắt đầu tỏ ra sự lo lắng. Có đôi lần mẹ mình đánh tiếng hỏi rằng "Ủa sao con chưa có người yêu, hay lấy chồng đi rồi học tiếp". Lúc mình nghe câu đó từ mẹ thì mình rất là sốc luôn, vì mình biết mẹ mình đã có nhen nhóm những sự lo lắng rồi. Nhưng mình cảm thấy rất may mắn khi xã hội của chúng ta ngày nay không còn quá khắt khe chuyện con gái phải lập gia đình sớm. Thế nên mình vẫn cứ đi theo cái lựa chọn và đam mê của mình thôi và không quá bị áp lực bởi câu chuyện đấy.
Có những ngày bọn mình đi học từ 7h30 sáng cho đến 12h30 trưa mới tan ở viện về. Trong khi về đến nhà thì 1h30 chiều lại có tiết học rồi nên khoảng thời gian nghỉ của bọn mình chỉ có 1 tiếng, nên trong khoảng thời gian đó chỉ muốn ăn tạm cái gì thật là nhanh rồi lên giường đi ngủ thôi.
Tuy nhiên tụi mình vẫn có những thứ để chăm chút cho bản thân nhất định, ví dụ như mình là sinh viên ngành Răng Hàm Mặt thì vấn đề răng miệng của mình được chăm sóc rất tốt do mình được biết đến tất cả các dụng cụ nha khoa từ bàn chải điện, tăm nước, chỉ nha khoa,... và mình biết cách áp dụng nó vào vào cuộc sống hàng ngày. Thậm chí mình còn bị ám ảnh với việc "mảng bám sẽ hình thành sau 2 tiếng khi ăn" nên bất cứ khi nào ăn xong cũng tìm ngay cái bàn chải để đánh. Có lẽ đây là "bệnh nghề nghiệp". (cười)
Có một funfact về ngành y là bác sĩ luôn bảo người khác đừng thức khuya, ăn uống healthy nhưng vì bận quá lại nốc cạn cà phê mỗi đêm và ăn mì tôm ầm ầm. Việc mình biết và thực hiện được là hai chuyện khác nhau.
Mình từng hoạt động trong một câu lạc bộ nhảy và khi bọn mình đi show diễn ở bên ngoài đã có rất nhiều người định kiến đối với mình vì họ nghĩ những bạn hay đi nhảy nhót là những cô gái ăn chơi, tóc xanh tóc đỏ, quần áo ngắn,... Nói chung, cách nhìn của họ đối với mình thường không tốt mà có gì đó khinh thường và không coi trọng mình. Nhưng khi họ hỏi các em đến từ đâu, bọn mình giới thiệu đến từ Đại học Y Hà Nội thì ngay lập tức người ta nhìn mình với một con mắt khác. Ví dụ có những lời khen như “Ôi, giỏi thế à, học Y chắc là giỏi lắm!".
Vấn đề thứ hai lại hơi văn vở một tí nhưng thực tế là khi chúng ta tham gia vào việc khám chữa bệnh cho một ai đó dù chỉ là người phụ hoặc đứng nhìn, thì việc quan sát được bệnh nhân từng mang một căn bệnh rất nghiêm trọng, có những khối u rất to và có những ca mổ phải cắt bỏ những cái khối u đó thành công, giúp họ đem lại một sức khỏe tốt thì đó cũng là niềm vui của bọn mình khi đã góp sức giúp cho người khác tốt lên.
Tiếp theo, khi mình học y, gia đình, bạn bè và những người xung quanh của mình được nhờ cậy rất nhiều dù mình chưa kiếm được tiền, cũng chưa đem lại gì nhiều cho mọi người, nhưng mình có cảm giác là một chỗ dựa an toàn về vấn đề sức khoẻ cho mọi người xung quanh. Dù có những kiến thức mình chưa học và chưa biết thì mình cũng có thể chỉ cho mọi người những nguồn đáng tin cậy để tìm hiểu và tham khảo.
Nếu sợ khổ thì đừng học Y!
Bởi vì khi càng học thì mình càng hiểu rằng áo blouse không chỉ là sự tôn vinh xã hội dành cho mình mà nó còn đi theo cùng đó với rất nhiều trách nhiệm. Bởi vì khi chúng ta mặc áo blouse ra đường, kể cả bạn có đang là sinh viên hay không thì xã hội nhìn vào bạn sẽ đánh giá bạn là một nhân viên y tế hay là một bác sĩ. Nếu như khi bạn gặp một chuyện gì đó trên đường, hoặc một vụ tai nạn mà bạn không biết cách giúp hoặc đó không phải chuyên môn mà bạn đã học mà bạn chỉ đứng nhìn thì người ta đều dễ dàng quy chụp hình ảnh của một nhân viên y tế, một bác sĩ. Nên việc mặc áo blouse đi ra chốn công cộng là không tốt và không đúng.
Việc mình là một sinh viên y cũng đã đem lại cho mình rất là nhiều trách nhiệm như phải biết những kiến thức cơ bản về sức khoẻ cộng đồng. Như việc mỗi lần về quê ăn Tết, biết mình học y thì họ hàng cứ luôn bảo xem thử bác bị làm sao, chân tay bác thế nào. Thật ra chúng ta không thể bảo cái này mình chưa học hoặc cái này cháu không biết thì sẽ bị đánh giá ngay nên chúng ta phải có trách nhiệm gì đó trong việc tự trau dồi kiến thức chuyên môn cho mình. Và đôi khi mình thấy cái đó cũng áp lực đấy chứ!
Khi càng học thì mình càng hiểu rằng áo blouse không chỉ là sự tôn vinh xã hội dành cho mình mà nó còn đi theo cùng đó với rất nhiều trách nhiệm.
99% các bạn sẽ vào khuyên rằng đừng thi em ơi vì học Y khổ lắm! Nhưng đối với bản thân là một người đã học y thì mình khuyên thật rằng ngành nào cũng sẽ có những cái khổ riêng của nó, nếu các em muốn sướng, muốn nhàn thì đừng đi học đại học... Đã đi học thì mình phải chấp nhận sự vất vả, chỉ là mình phải hiểu động lực thi Y của mình là gì? Nếu nghe theo review của mọi người kiểu sẽ có nhiều tiền, ra trường làm việc ổn định,... Như thế sẽ có những ngành khác đáp ứng được tiêu chí đó và sẽ đỡ áp lực hơn hoặc sẽ năng động hơn cho các bạn lựa chọn thay vì học Y.
Còn nếu động lực thi Y của các bạn là đam mê từ sâu bên trong và các bạn đã tự trải nghiệm hoặc do yêu thích việc chăm sóc người khác thì các bạn có thể đi theo. Và cần xác định rằng học Y thì phải học rất nhiều và có đủ sự chăm chỉ để học với một thời gian dài như thế thì khi lên đại học các bạn mới cảm thấy đỡ "sốc" một chút.
Thật ra ai lên đại học Y năm nhất cũng sẽ sốc thôi nhưng ngày nay các phương tiện truyền thông cũng rất nhiều với những YouTuber và TikToker review như mình để các bạn có thể qua đó tìm hiểu và tham khảo về ngành mà mình đang lựa chọn.
Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: TH&PL