Hành trình chống dịch "with Covid" của các nước châu Á trong giai đoạn mới

Nhiều quốc gia đã và đang thực hiện chiến lược "sống chung với Covid".

Kết hợp hiệu quả tiêm chủng cùng các chính sách phòng chống dịch bệnh linh động là bước chuẩn bị của nhiều nước khu vực châu Á trong tiến trình thực hiện chiến lược "sống chung với Covid".

Hàn Quốc đặt những mục tiêu lớn trong tốc độ tiêm chủng để sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới

Seoul ngày 7/9, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết quốc gia này nỗ lực kiểm soát dịch bệnh để xem xét chuyển sang giai đoạn "sống chung với Covid-19" dự kiến vào cuối tháng 10 này.

Tổng thống Moon Jae-in phát biểu hồi đầu tuần về những tín hiệu tích cực từ các đợt tiêm chủng: "Với tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục được đẩy nhanh và tình hình Covid-19 khả quan, chúng tôi sẽ cân nhắc quá trình chuyển đổi từ từ sang chiến lược đối phó Covid mới để hài hòa với tình hình thực tế".

hanh trinh chong dich with covid cua cac nuoc chau a trong giai doan moi - anh 0
Những chính sách giãn cách xen kẽ "mở cửa" linh động được Hàn Quốc áp dụng từ 4/10

Thủ đô Seoul và các vùng phụ cận vẫn sẽ tiếp tục giãn cấp độ 4 cách khi số ca nhiễm mới tăng trong tuần vừa rồi, các phần còn lại của đất nước giãn cách theo cấp độ 3. Theo đó các nhà hàng, quán ăn, cà phê,... trong thủ đô được phép hoạt động đến 22h. Người dân được tham gia các cuộc tụ tập sau 18h với số lượng tối đa 6 người trong đó có ít nhất 4 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Những quy định khác sẽ được điều chỉnh linh động tuỳ theo số ca nhiễm mới và số vaccine được tiêm.

Theo thông tin mới nhất từ ​​Our World in Data, 73,7% dân số Hàn Quốc hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 44,9% được tiêm chủng đầy đủ. Từ tháng 10, những nhóm đủ điều kiện tiêm chủng sẽ mở rộng bao gồm cả phụ nữ mang thai và trẻ em từ 12-17 tuổi. KDCA đặt mục tiêu hơn 80% người lớn trên toàn quốc phải được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10 và phủ sóng miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Nhật Bản dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và duy trì tốc độ phủ sóng vaccine

Ngày 30/9, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đúng hạn. Một số hoạt động dịch vụ sẽ được mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch như giờ giới hoạt động, các biện pháp che chắn, thông gió. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đang xem xét việc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm âm tính với virus để cân nhắc nới lỏng việc lưu thông và nhất là cho phép những người nước ngoài nhập cảnh.

hanh trinh chong dich with covid cua cac nuoc chau a trong giai doan moi - anh 0
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đúng hạn

Tốc độ tiêm chủng của Nhật Bản được cho là sẽ dẫn đầu các nước phát triển về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên tổng dân số. Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu hoàn thành mũi tiêm thứ hai cho tất cả những người đã đăng ký vào khoảng cuối tháng 10 và đầu tháng 11.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nói: "Trong khi duy trì sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh, chúng ta sẽ dần nới lỏng các hạn chế trong dịch vụ ăn uống. Từ bây giờ, cuộc chiến với Covid-19 sẽ bước sang một giai đoạn mới. Khi việc tiêm chủng tiến triển với tốc độ nhanh chóng, bằng cách kiểm soát các tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao, số người mắc bệnh đã giảm đáng kể".

Singapore đang thận trọng từng bước trong quá trình "mở cửa"

Ooi Peng Lim Steven, Chuyên gia tư vấn cấp cao của Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore cho biết: "Việc mở cửa trở lại một cách thận là hoàn toàn cần thiết nếu chính phủ cố gắng mở cửa lại nền kinh tế và chấm dứt tình trạng đóng cửa tê liệt trong khi những cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm còn cao.

Chìa khóa để kiểm soát Covid-19 đối với bất kỳ quốc gia nào là kết hợp thành công chính sách tiêm chủng, xét nghiệm và truy vết hiệu quả, sau cùng là việc chuyển hướng an toàn sang giai đoạn mới, tạo thành một hệ thống hoạt động hiệu quả". 

hanh trinh chong dich with covid cua cac nuoc chau a trong giai doan moi - anh 0
Singapore thận trọng trong quá trình "mở cửa"

Mặc dù là một trong những quốc gia có kế hoạch mở cửa sớm nhưng cho đến tuần trước số ca nhiễm mới tại đây có những chuyển biến xấu. Singapore vẫn giữ nguyên định hướng đối phó với Covid-19, tiến chậm và chắc trong việc mở cửa. Hơn 80% dân số đã được tiêm chủng, bên cạnh đó Singapore đang triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người già và những người có nguy cơ cao.

Malaysia, Indonesia và Thái Lan sẵn sàng chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid vào những tháng cuối năm

Malaysia, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực với hơn 56% dân số được tiêm chủng đầy đủ (theo CNN), đã mở cửa trở lại Langkawi - một cụm gồm 99 hòn đảo và là điểm đến nghỉ lễ hàng đầu của đất nước cho khách du lịch trong nước vào giữa tháng 9. Một số khu vực cũng đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với những người được tiêm chủng, bao gồm các dịch vụ ăn uống và đi lại.

hanh trinh chong dich with covid cua cac nuoc chau a trong giai doan moi - anh 0
Các quốc gia Đông Nam Á sẵn sàng cho những kế hoạch "mở cửa" trong du lịch

Thái Lan thực hiện kế hoạch mở cửa lại Bangkok và các điểm đến nổi tiếng khác cho khách du lịch nước ngoài vào tháng 10 với mong đợi sẽ vực dậy ngành du lịch thế mạnh chiếm hơn 11% GDP (Reuter công bố năm 2019). Các dịch vụ sẽ được cân nhắc mở cửa khi 21% dân số Thái Lan đã được tiêm phòng đầy đủ theo thống kê của CNN.

Indonesia, quốc gia đã tiêm chủng cho hơn 16% dân số, cũng đã nới lỏng các hạn chế, cho phép các không gian công cộng mở cửa trở lại và cho phép các nhà máy hoạt động trở lại hết công suất. Du khách nước ngoài có thể được phép nhập cảnh, được đi lại ở một số khu vực trong đó cả hòn đảo nghỉ mát Bali, địa điểm du lịch nức tiếng của Indonesia.

Việt Nam bắt đầu ngày "bình thường mới" sau 4 tháng ròng rã phong toả

Chính thức ban hành Chỉ thị nới lỏng, "mở cửa" từ sau ngày 30/9. Ngày 1/10 là ngày đầu tiên người dân TP.HCM bước vào trạng thái bình thường mới trở lại. Sau khoảng thời gian gần 4 tháng TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, siết chặt giãn cách "ai ở đâu ở yên đó".

hanh trinh chong dich with covid cua cac nuoc chau a trong giai doan moi - anh 0
Người dân thành phố ra đường sau 4 tháng phong toả giãn cách

"Thành phố triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn theo phương châm: An toàn là trên hết, an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn. Bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp cao hơn hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp. Chúng ta mở các hoạt động nhưng ưu tiên phát triển kinh tế, khôi phục sản xuất, đảm bảo không đứt chuỗi hoạt động" - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết.

hanh trinh chong dich with covid cua cac nuoc chau a trong giai doan moi - anh 0

Bên cạnh đó PC-Covid cũng được đưa vào triển khai hoạt động. PC-Covid là ứng dụng thống nhất cho mục đích phòng, chống dịch Covid-19 của người dân. Ứng dụng này tích hợp các tính năng từ nhiều ứng dụng phòng dịch trước. 

Có thể nói "sống chung với Covid" cho đến hiện tại là một xu hướng để thích ứng khi rất nhiều quốc gia đã và đang áp dụng hiệu quả. Vaccine cũng như những phương thức chống lại Covid-19 đang làm tốt nhiệm vụ bảo vệ của nó nhưng chúng ta có thể phải đối mặt với những biến thể mới có thể xuất hiện trong tương lai. Tâm lí sẵn sàng sống chung với Covid  là điều mà chúng ta cần lường trước.

Sáng đầu tiên "bình thường mới" tại TP.HCM: Đường xá rộn ràng, các chốt được dỡ bỏ hoàn toàn

Hàn Quốc đang chuẩn bị cho việc "sống chung với dịch" như thế nào?

"Tiêu diệt Covid" và "Sống chung với Covid": Mỗi quốc gia một chiến lược khác nhau

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ