Sau khi TP.HCM áp dụng cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7, các ứng dụng công nghệ giao đồ ăn đồng loạt thông báo ngừng dịch vụ giao đồ ăn tại TP.HCM.
Chỉ thị 15, chỉ thị 10, và chỉ thị 16 cứ lần lượt thực hiện mong cho TP.HCM sớm trở lại trạng thái bình thường nhất. Người trẻ vẫn gọi vui với nhau hôm nay đã là mùng 2, thật sự vẫn chưa quen lắm với việc ở nhà, không đồ ăn vặt hay trà sữa mỗi tối.
Trước vài giờ chỉ thị 16 được thực hiện, người người đặc biệt là giới trẻ Sài Gòn cũng kịp nhanh chân nhanh tay đặt cho bản thân món bánh tráng trộn thơm ngon, một ly trà sữa béo ngậy và đủ thứ món ăn ở hàng quán.
Giờ đây, khi Now thông báo đến người dùng sẽ tạm ngưng dịch vụ NowFood tại TP. Hồ Chí Minh trong vòng 15 ngày, Grab, Baemin cũng lần lượt nói lời tạm chia xa với người dân Sài Gòn tạm ngưng việc ship đồ ăn, thức uống tại các cửa hàng. Đó cũng là lúc người dân thành phố, đặc biệt là người trẻ như trở nên thấy thiếu, trống vắng đến lạ thường.
"Xa là nhớ, nhưng phải nghiêm chỉnh chấp hành"
Trên các trang mạng xã hội, các Gen M, Gen Z lần lượt đăng tải những dòng trạng thái "Chỉ thị nào mình cũng chấp hành, nhưng thiếu các anh shipper mình chịu không nổi". Nỗi lòng của những người trẻ, những cô cậu sinh viên "kẹt" lại Sài Gòn, khó khăn trong việc nấu ăn, chỉ thị 16 cũng là lúc bắt đầu những lo âu về ba bữa ăn mỗi ngày.
"Hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết", "Không cần tích trữ lương thực, mua đồ dùng vừa đủ", "Không hoang mang, không chia sẻ tin thất thiệt"...Người trẻ ủng hộ việc ở nhà, nhưng cũng lại vấn vương trước sự đóng cửa của hàng quán mang về.
Nói về việc tạm dừng các dịch vụ ăn uống, việc shipper và các ứng dụng cũng tạm xa để cùng chung tay chống dịch, cô bạn Phương Hằng (22 tuổi, Quận 3) cũng không khỏi lo lắng vì tính chất công việc và chỗ ở trọ, cô bạn cũng ít khi nấu ăn, chủ yếu là đặt qua những app quen thuộc như Now hoặc Grab.
"Hôm nghe tin chỉ thị và việc dừng hàng quán mang về, mình lo lắm mà không biết phải làm sao cho những ngày tới, nhưng vì mục đích chung, nên sẽ cố tìm cách vượt qua, mong 15 ngày nữa mình không phải nghĩ nhiều về việc ăn uống khó khăn như này nữa". - Hằng chia sẻ
Anh bạn Minh Tuấn có phần may mắn hơn khi nhà ở Sài Gòn, không phải lo quá nhiều về việc "trưa nay ăn gì?, món này làm sao?" vì đã có mẹ lo cho điều đó. Tuy nhiên anh bạn cũng không giấu được sự tiếc nuối khi không thể đặt những món ăn vặt đầy sức hút với người trẻ.
Tuấn bảo rằng: "Mình cũng kịp nhanh chân chiều hôm đó mua một ly trà sữa size L, đặt tùm lum món để ăn cho đã cơn thèm mười mấy ngày tới". Tạm thời thì cậu bạn sẽ gác lại cơn thèm ăn hàng của mình lại để ở yên trong nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.
Quỳnh Anh (20 tuổi, TP.Thủ Đức) cũng có chút buồn khi không còn chạy xuống sảnh chung cư để lấy đồ ăn, mua trà sữa và đủ thứ món ăn mỗi khi chiếc bụng đói râm rang. Việc đóng cửa hàng quán mang về cùng với việc tạm dừng giao đồ ăn đã làm cô nàng Gen Z đứng trước cảnh nhà giăng dây, phong tỏa trước giãn cách, trong nhà thì không có đồ ăn dự trữ.
Những đầu bếp thiên tài xuất hiện, lối sống mới chào đón Gen Z
Chỉ thị 16 đã để những thanh niên đôi mươi sống trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc, tuy nhiên cũng mở ra nhiều đầu bếp thiên tài, giúp người trẻ được sống khác và trải nghiệm mới hơn với thêm 15 ngày ở nhà.
Người trẻ bắt đầu tìm kiếm những kênh tiktok, youtube dạy nấu ăn, bắt đầu ở nhà với việc yêu nhà nghiện bếp. Đối với người trẻ họ thường xuyên đi cà phê và gặp gỡ bạn bè, việc ở một chỗ nhiều khá nhàm chán.
Quỷ thời gian này là lúc họ cố gắng thích nghi bằng cách tập thể dục, đọc thêm sách. Tôi cũng học pha chế những món nước yêu thích như latte, trà sữa, trà đào...facebook cá nhân liên tục khoe những bữa cơm, những món nước và đồ ăn vặt lạ mắt, đầy sáng tạo từ các Gen Z, giãn cách nhưng không xa cách và sống không sai cách.
Hằng chia sẻ: "Mình cũng bắt đầu tập nấu nướng nhiều hơn, thức sớm để đi chợ trong những ngày này vì đi trễ sẽ khó trong việc mua thực phẩm. Mình cũng làm quen với shipper theo một kiểu mới, không còn đồ ăn sẵn nữa mà là rau củ, thực phẩm tươi sống."
Cô bạn cũng vui vẻ nói rằng thời gian này giúp mình học cách tiết kiệm, việc nấu ăn tại nhà giảm chi phí sinh hoạt của nàng rất nhiều. Có lẽ, cô gái này sẽ sớm tăng số dư tài khoản trong vòng 15 ngày tới.
"Thời gian giãn cách này cũng giúp tôi thoải mái hơn hẳn, làm việc tại nhà dù khối lượng việc nhiều, liên tục nhưng vẫn sắp xếp được thời gian buổi tối bên gia đình hơn ngày trước". Tuấn nhận thấy thời gian này để bản thân được detox lại sau hơn một năm đi làm kể từ hồi ra trường, cũng là lúc cậu dành thời gian để quan tâm gia đình và người yêu của mình thêm chút nữa.
Khác với Hằng, với Tuấn, cô bạn Quỳnh Anh gặp nhiều vấn đề nan giải hơn trong việc có được lương thực thực phẩm, tuy nhiên cô bạn vẫn lạc quan, tìm hướng giải quyết để tự nấu cho bản thân những bữa ăn đủ chất hơn trong thời gian cách ly, phong toả.
Dù ai ai cũng muốn được ra ngoài, nhưng trong tình hình dịch bệnh thế này, ở nhà là tốt nhất cho bản thân và mọi người. Các bạn trẻ luôn tự nhắc nhở mình sẽ cố gắng có những kế hoạch làm việc, sinh hoạt điều độ, dành thêm thời gian để chăm sóc sức khỏe và cả vẻ ngoài nữa.
Khi được hỏi việc đầu tiên bạn làm là gì sau khi hết giãn cách, chúng tôi đều nhận được câu trả lời là đi ra ngoài và ăn những món ăn thật thích. Giờ đây thì hãy cùng nhau chung tay vì một Sài Gòn "hết ốm".
Hẹn ngày Sài Gòn ổn rồi vui chơi sau!
Nguồn: TH&PL