"Cuộc đời vẫn đẹp sao", "Gia đình bất thình lình" đều vấp phải ý kiến trái chiều vì nội dung, liên tục có cú twist, nhân vật khiến khán giả ức chế.
Phim truyền hình Việt không bị lép vế
Nếu như từng có thời phim truyền hình Việt Nam lép vế trước phim dài tập của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ thì 10 năm trở lại đây, phim Việt đang thực sự gây sốt trên sóng, tạo sức hút với đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, vốn bị hấp dẫn bởi nhiều loại hình giải trí đa phương tiện khác.
Cuộc đời vẫn đẹp sao là một trong những bộ phim truyền hình được nhiều người xem đón chờ. Mỗi nhân vật đều có tính cách đa chiều, bao gồm cả mặt tốt lẫn xấu, đáng trách và đáng thương, rất chân thật và đời thường.
Gia đình mình vui bất thình lình cũng không hề kém cạnh khi là bước đà nâng tầm diễn xuất của các ngôi sao như Khả Ngân, Thanh Sơn, Lan Phương. Ngay thời điểm mới ra mắt, với sự hài hước, những câu thoạt "bắt trend", tác phẩm này nhận được hàng triệu lượt tương tác, thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội.
Trả lời VTV, đạo diễn Lê Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: "Nhu cầu khán giả ngày càng ở mức độ cao hơn. Đồng nghĩa với việc những nhà làm phim chúng tôi phải liên tục trau dồi các kỹ năng khác ngoài việc thể hiện. Thứ nhất là tạo ra những câu chuyện bám sát hơi thở đời sống. Thứ hai là chuẩn bị lượng diễn viên phù hợp và đạt vài trò trong các câu chuyện".
Để có được sự thành công như hôm nay, đội ngũ thực hiện phim truyền hình đã rất nỗ lực để thay đổi cho hợp xu thế những vẫn rất thuần Việt.
Giờ "vàng" nhưng thiếu kịch bản "vàng"
Mặc dù có sự đổi mới trong kịch bản, tuy nhiên, càng về chặng đường cuối, những tác phẩm này vẫn gặp phải những phản ứng tiêu cực của một bộ phận khán giả. Họ cho rằng, phim Việt giờ vàng có một điểm yếu: Tăng số tập, giảm sức hút.
Trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao, ngoài cuộc sống của người lao động nghèo, chuyện tình cảm của Lưu (NSƯT Hoàng Hải) và Luyến (Thanh Hương) chính là yếu tố thu hút khán giả. Tuy nhiên, những phân cảnh của cặp đôi này thường xuyên bị "loãng", chuyện tình cảm của họ không tiến triển bởi sự xuất hiện của loạt nhân vật phụ như Bát (Tuấn Anh), Nghĩa (Thanh Dương)...
Đáng chú ý, bộ phim tăng từ 30 lên 45 tập với những diễn biến chậm, lan man khiến khán giả khó chịu. Bù lại, diễn xuất nổi bật của dàn diễn viên đã "cứu" lại sự đồng cảm nơi người xem.
Nội dung liên quan
Bộ phim Gia đình mình vui bất thình lình cũng gặp tình trạng tương tự. Hiện tại, sau hơn nửa chặng đường phát sóng, mặc dù có nhiều tình huống gây cười, thú vị nhưng về cuối phim lại có nhiều chi tiết dài dòng, nhân vật được xây dựng thiết nhất quán. Nếu như diễn viên Quang Sự bị chê diễn "nhạt" thì diễn viên Lan Phương thường xuyên bị nhận xét là "lố".
Nội dung liên quan
Trả lời Người Lao Động, biên kịch Đặng Thiếu Ngân cho rằng điểm khác biệt lớn nhất giữa biên kịch Việt và quốc tế không phải là trình độ, khả năng mà là tâm thế và điều kiện khi sáng tác.
Cùng quan điểm, nhà văn, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng đa số là biên kịch trẻ của phim truyền hình Việt ngày nay không đủ kiến văn (những điều tai nghe mắt thấy - PV) để cảm nhận và giải đáp các vấn đề xã hội, kể cả các tình huống có vẻ gần gũi như chuyện tình yêu, chuyện gia đình... Do vậy, họ chọn hiện thực quen thuộc để khai thác.
"Biên kịch vàng" khó có thể xuất hiện nếu những người viết đang xuống sức, không kịp nạp tri thức, kiến văn sâu rộng cho mình. Vì vậy, "kịch bản vàng" đương nhiên cũng khó mà xuất hiện", biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho hay.
Cuộc đời vẫn đẹp sao do Danh Dũng (đạo diễn phim Hương vị tình thân, Về nhà đi con) thực hiện. Đạo diễn cho biết mỗi nhân vật trong phim được xây dựng với cả mặt tốt và mặt xấu. Êkíp muốn truyền tải thông điệp dù ở trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, con người vẫn hướng tới những điều tốt đẹp và cố gắng thay đổi bản thân.
Gia đình mình vui bất thình lình xoay quanh gia đình ông Toại (NSND Bùi Bài Bình) - bà Cúc (NSND Lan Hương) cùng ba cậu con trai và ba cô con dâu gồm Công - Phương, Thành - Hà và Danh -Trâm Anh. Đó là hành trình gắn kết những người phụ nữ xa lạ cùng chung sống trong một mái nhà, để cuối cùng, mọi thành viên trong gia đình lại về bên nhau, yêu thương nhau bằng tình thân chứ không phải gắn kết bởi trách nhiệm gia đình và quy định của xã hội.