Câu chuyện về việc làm liveshow trong thời gian gần đây đang là chủ đề được nhiều khán giả quan tâm, đặc biệt là khi show diễn của Hà Anh Tuấn vừa được diễn ra tại Ninh Bình.
Đầu tư liveshow chắc chắn lỗ?
Sự bùng nổ của chuỗi những liveshow trong giai đoạn cuối năm 2022 khiến không ít khán giả tò mò về câu chuyện kinh phí khi làm những show diễn lớn với sự tham gia của hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn người.
Hoàng Dũng, Vũ là những cái tên tiêu biểu cho việc tổ chức những show với lượng khán giả gói gọn từ 4000 - 6000 người. Trong khi đó, Mỹ Tâm với Tri Âm vào đầu tháng 11 hay The Masked Singer All-star Concert tổ chức vào ngày 19/11 cũng thu hút những con số "không tưởng" với âm nhạc Việt, lần lượt là 30 nghìn và gần 20 nghìn khán giả.
Vấn đề "lời - lỗ" của những show diễn này một lần nữa trở thành những câu chuyện được bàn luận rất nhiều trên các hội nhóm yêu âm nhạc. Một ý kiến nổi bật cho rằng: "Làm show lỗ lắm".
Trước đó, không ít nghệ sĩ như Tuấn Hưng, Thanh Lam khẳng định rằng khi cộng toàn bộ nguồn thu từ vé bán ra chưa bao giờ là đủ để bù đắp các khoản chi phí để tổ chức liveshow.
"Chúng tôi làm làm 2 show lỗ nhưng tôi nói với chị Lam là dù gì vẫn phải thực hiện bởi những khoảnh khắc, ký ức đẹp hai chị có được của ngày hôm nay sẽ là động lực để yêu thêm đam mê hát của ngày mai", Tuấn Hưng nói.
Giải thích về việc này, đạo diễn Ngãi Võ - người đứng sau liveshow Tri Âm của Mỹ Tâm - chia sẻ quan điểm cá nhân: "Giá trị ngành giải trí của chúng ta rất thấp so với các nước bạn, chắc là do GDP của chúng ta còn rất thấp, nên việc bỏ một số tiền lớn ra để tham dự một show diễn chất lượng thì rất hạn chế.
Hơn nữa giá trị show diễn của chúng ta đang thấp do thị trường brand làm miễn phí nhiều, tạo thói quen cho người tham dự về việc bỏ tiền ra để xem một show là rất ít.
Họ thường xuyên xem miễn phí nên các giá trị của những show diễn lớn lại không có, từ đó nhà sản xuất hoặc nhà tổ chức luôn thua lỗ trong những show diễn được đầu tư nên rất khó có show diễn được đầu tư được diễn ra tại Việt Nam".
Nội dung liên quan
Giá trị thực sự của liveshow
Thế nhưng, đúng như Tuấn Hưng nói, cứ sau mỗi liveshow, âm nhạc của người nghệ sĩ sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Tiêu biểu có thể kể đến Show Của Đen vào năm 2019 đưa anh trở thành một trong những cái tên "hạng A" của âm nhạc Việt.
Hay như chính Mỹ Tâm với show diễn Yesterday & Now vào năm 2004 với hai địa điểm tổ chức tại TP. HCM và Hà Nội đã tạo nên một cơn "địa chấn" trong lịch sử Vpop.
Ở thời đại 4.0, khi nhiều người vẫn khăng khăng quan điểm "cầm mic lên là ca sĩ", việc những giọng hát thực lực, có tâm và có tầm để tổ chức một show diễn quy tụ hàng ngàn khán giả chính xác là cách để định vị rõ ràng tên tuổi của họ giữa vô vàn những cái tên "sớm nở chóng tàn".
Từ những tiếng vang này, các nghệ sĩ dễ dàng tìm được nhiều hợp đồng quảng cáo cho các nhãn hàng, đồng thời thu lại nguồn lợi nhuận gấp nhiều lần so với số tiền đã bỏ ra để làm những liveshow hoành tráng.
Dựa vào kinh nghiệm làm nghề của mình, đạo diễn Ngãi Võ nhận định: "Điều tôi thấy đáng tiếc là Việt Nam còn nhiều hạn chế về công nghệ, sáng tạo và sản xuất. Khi chúng ta không có được những cái tốt nhất (so với các nước bạn), thì chúng ta nên làm trên những cái tốt nhất mà chúng ta đang có là thiên nhiên ở Việt Nam.
Ông bà ta hay nói với nhau Việt Nam chúng ta "rừng vàng biển bạc". Và đúng như thế, tôi được camping nhiều nơi, hưởng thụ thiên nhiên ở các tỉnh trên khắp Việt Nam. Và tôi cảm nhận được khi bạn nghe nhạc ở một không gian, thời gian hoà quyện vào nốt nhạc và lời ca ấy, bạn chắc chắn sẽ thấy 'phiêu' hơn gấp cả ngàn lần".
Nguồn: TH&PL