Khảo sát gen Z và Millennial năm 2022 của Deloitte làm sáng tỏ nhiều khía cạnh về trải nghiệm của thế hệ trẻ, đáng chú ý nhất là nền tài chính bấp bênh của họ trong thế giới ngày càng đắt đỏ, theo Forbes.
Khái niệm về "Precariat"
Precariat là danh từ chỉ một tầng lớp vô sản mới ở thế kỷ 21. “Vô sản” ở đây chỉ những người không có tư liệu sản xuất, phải đi làm công ăn lương trong công xưởng của những người sở hữu tư liệu sản xuất - các nhà tư sản. “Mới” nghĩa là một tình trạng sống mới, trong đó người vô sản bị tước đi đời sống ổn định.
Đại diện tiêu biểu của tầng lớp này là bất kỳ ai đang phải chịu cuộc sống bất ổn với các công việc freelance, công việc thời vụ, bán thời gian, hay thậm chí là công việc toàn thời gian nếu như họ đang làm "sếp" của chính mình. Điểm chung là họ không có mức thù lao ổn định và được bảo vệ bởi chế độ bảo hiểm.
Nội dung liên quan
Urban Dictionary cho rằng Precariat diễn tả một cách khéo léo nỗi bất an của những người trẻ sắp tốt nghiệp ở thời đại mới.
Nguyên nhân sinh ra "Precariat"
Chúng ta đang ở giữa sự chuyển hóa toàn cầu, sự phát triển đau đớn của một nền kinh tế thị trường đã toàn cầu hoá. Đây là một thời khắc mong manh khi những bất ổn và bất công đang đe dọa các giá trị được nuôi dưỡng lâu nay.
Người lao động không còn được chia sẻ lợi nhuận từ sự phát triển kinh tế. Chiến lược kinh tế đã theo đuổi kể từ thời Thatcher-Reagan để lại một hệ thống "chủ nghĩa tư bản cho thuê" (rentier capitalism), hệ thống mà trong đó một thị phần thu nhập gia tăng sẽ trở thành tư bản, còn một phần khác đang tăng nhanh hơn sẽ đi vào túi những người sở hữu tài sản vật chất, tài chính và chất xám. Những chuyển đổi này trao ít cơ hội hơn cho những ai còn phụ thuộc vào lao động.
Hệ thống phân phối thu nhập của thế kỷ 20 đã sụp đổ và sẽ không trở lại. Điều này đã tạo ra một cấu trúc giai cấp toàn cầu mới.
Ba chiều hướng của giai cấp "Precariat"
Đầu tiên, họ phải đối diện với một khuôn mẫu việc làm khác biệt. Họ đang tập cho mình quen với một cuộc sống bất ổn, không an toàn về lao động. Tính thời vụ, tạm thời, lao động theo yêu cầu, lao động trên nền tảng đám mây v.v… là những hình thức lao động đang phổ biến. Quan trọng hơn là, giai cấp Precariat thiếu những cái như bản sắc nghề nghiệp, thiếu những câu chuyện đáng để kể về cuộc sống của họ hay bất kỳ cuộc sống có tổ chức nào.
Chiều hướng thứ hai là giai cấp Precariat có mức thu nhập xã hội khác biệt. Cuộc sống của họ gần như phải dựa hoàn toàn vào số tiền họ kiếm được, không được hưởng những phúc lợi ngoài lương mà kể cả giai cấp vô sản truyền thống cũng có được, ví dụ như những ngày nghỉ phép, nghỉ ốm hưởng lương và triển vọng tiền lương hưu đủ sống.
Chiều hướng thứ ba là một mối quan hệ khác biệt với chính phủ. Precariat đang mất đi các quyền công dân mà họ thường không nhận ra điều đó cho đến khi họ cần chúng. Điều đó đang diễn ra một cách tàn ác, không chỉ với người nhập cư ngày càng gia tăng số lượng mà còn với nhiều người khác đang mất đi các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội, dân sự, văn hóa.
Nội dung liên quan
Nguyên nhân gen Z ám ảnh về "Precariat"
Khi các thế hệ đi trước đã trưởng thành, tạo dựng được chỗ đứng và gặt hái được thành công trong xã hội cũng chính là lúc thị trường lao động đón nhận những dấu ấn của thế hệ kế cận. Thế hệ Z là cộng đồng những bạn trẻ sôi nổi, năng động và nhiệt huyết. Một thế hệ sống có đam mê và dám theo đuổi khát vọng. Tuy nhiên, đây cũng là thế hệ gắn liền với “sự lo âu” bởi những áp lực vô hình trong cuộc sống - tiền bạc, công việc và cả áp lực đồng trang lứa.
Áp lực học hành để đổi đời đối với gen Z do đó tăng lên nhiều bậc vì họ không chỉ còn cạnh tranh ở địa phương, quốc gia, mà còn là với các công dân toàn cầu.
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến nền kinh tế mà còn về cả những cá nhân trong xã hội, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Khi họ phải trải qua những “cú sốc đầu đời”, gặp “những thất bại đáng kể” tại trong thời điểm mà đối với họ là giai đoạn khởi đầu cho những thành công. Đại dịch Covid 19 gây áp lực đến gen Z, tạo nên một thách thức cản trở họ trong việc tìm kiếm những công việc đầu tiên, đè nặng lên gen Z một nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Nguồn: TH&PL