Gen Z 3 miền nói gì về văn hóa cổ truyền trong ngày Tết?

Tết qua góc nhìn của thế hệ đa nhiệm: Phiêu lưu mỗi ngày giữa nhiều nền văn hóa, Gen Z ở bất kì nơi nào trên mảnh đất hình chữ S vẫn không quên ý nghĩa sâu xa của ngày Tết cổ truyền.

Từ trước đến nay, Tết trong suy nghĩ của thế hệ trước luôn là biểu tượng của sự đủ đầy, đầm ấm. Bắc - Trung - Nam, mỗi miền luôn xem việc "đón Tết" như một sự chuẩn bị dài ngày với hy vọng một năm mới nhiều phúc, nhiều lộc, nhiều bình an. Văn hóa ngày Tết từ lâu đã ăn sâu vào tâm thức của con người ở từng thế hệ, dù ở miền nào, người ta cũng đón Tết theo một cách rất riêng.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây người ta thấy Tết không còn vui nữa vì Tết của người trẻ không còn nhiều nét văn hóa như của ông bà, cha mẹ. Không ít người hoài niệm về cái mùi Tết xưa rồi chậc lưỡi thở dài. Thật ra, với người trẻ Tết vẫn còn trong tâm thức, họ vẫn giữ vị Tết theo cách của riêng mình. Với họ, những đặc trưng văn hóa ngày Tết vẫn còn khắc sâu.

gen z 3 mien noi gi ve van hoa co truyen trong ngay tet - anh 0

Vậy Gen Z ở 3 miền nói gì về văn hóa cổ truyền ngày Tết? Hãy cùng lắng nghe tâm sự của những người trẻ về Tết ở nơi xứ sở quê hương.

Tết miền Bắc - Tết là dịp để đoàn viên

Tết ở mỗi miền sẽ mang một hương vị rất riêng, đặc biệt, người miền Bắc rất coi trọng Tết Nguyên Đán. Đây không chỉ là dịp để gặp gỡ, vui vầy, mà còn là dịp lễ với nhiều nghi thức, phong tục trịnh trọng để cầu mong một năm mới đầy an lành, may mắn. Người dân thường đón Tết khá cầu kỳ, mọi phong tục ngày đều có một ý nghĩa riêng.

Phiêu lưu mỗi ngày giữa nhiều nền văn hóa, Gen Z chưa bao giờ quên ý nghĩa sâu xa của Tết cổ truyền. Với họ, Tết là dịp để sum vầy, để nghiệm lại bản thân, để tự trách nhiệm với số tuổi của mình và đặc biệt Tết trong người trẻ miền Bắc vẫn còn chứa đủ cái âm vị.

Là một người con xứ Quảng Ninh, sinh ra và lớn lên trong dư vị mỗi mùa Tết đến, bạn Huy Triệu chia sẻ: "Thường ngày Tết, chỗ mình mỗi nhà sẽ chọn 1 ngày và mời những người quen đến ăn Tết, mỗi lúc như thế sẽ rất đông người đến và không khí rất là náo nhiệt. Đặc trưng nhất về tết miền Bắc chắc là nét ẩm thực khá thú vị. Ở nơi mình sống, mọi người thường sẽ gói bánh chưng đen để khi mời người quen đến nhà ăn Tết họ sẽ mang ra và cho những người hàng xóm xung quanh. Mình thấy đây là một điều rất thú vị mỗi dịp tết đến, một số nhà không gói bánh thì thường sẽ đi mua bên ngoài".

gen z 3 mien noi gi ve van hoa co truyen trong ngay tet - anh 0
Huy Triệu đến từ Quảng Ninh chia sẻ về văn hoá Tết miền Bắc

Cũng là một người con miền Bắc, bạn Lê Thị Hạ, quê Thanh Hóa cũng háo hức chia sẻ: "Trong tâm thức mỗi người dù đi xa bao nhiêu, năm ấy làm lụng vất vả thế nào, cuộc sống khó khăn bao nhiêu thì đến Tết điều duy nhất là muốn trở về nhà sum vầy.

Đối với người Bắc thì lì xì và câu chúc cho năm mới rất quan trọng. Thường thì sẽ chúc tết các cụ già trước sau đó mới tới con nít. Theo mình quan sát thì trong Nam sẽ đi du lịch và xem Tết như một dịp nghỉ ngơi sau một năm vất vả thì người Bắc xem tết là một dịp hiếm hoi có thể thăm nom tất cả bà con họ hàng, cùng nhau ăn bữa cơm, cho nhau những câu chúc tốt lành nhất".

Người miền Bắc thường rất coi trọng và cầu kỳ trong việc lựa chọn và chế biến mâm cổ Tết. Các món ăn cũng được lựa chọn hợp với thời tiết lạnh dịp đầu xuân. Một mâm cơm điển hình không thể thiếu các món như bánh chưng, giò, thịt gà, nem, canh măng, dưa hành... được bày biện đẹp đẽ, tinh tươm. Mâm cơm thể hiện sự quây quần, đủ đầy, mong ước có một năm mới no đủ, thịnh vượng.

gen z 3 mien noi gi ve van hoa co truyen trong ngay tet - anh 0
Lê Thị Hạ, quê Thanh Hóa cho rằng người Bắc lì xì và câu chúc cho đầu năm mới rất quan trọng

Nếu những thế hệ trước xem Tết là dịp để du xuân, để thăm nom chúc phúc thì người trẻ lại có lối chơi Tết hiện đại hơn, phá cách hơn. Người trẻ đã biến Tết theo một cách của riêng mình không lẫn vào đâu được. Bạn Huy Triệu chia sẻ: "Vào đêm giao thừa thì mình và một nhóm bạn sẽ tụ tập lại để ăn uống, thường thì bọn mình sẽ ăn lẩu ở nhà một người bạn nào đó. Còn trong những ngày Tết thường thì bọn mình sẽ tụ tập chơi đánh bài quỳ, chơi một số board game như Ma sói, Lầy, Uno, cờ cá ngựa.

Và mình có một điều thường làm trong những ngày Tết đó là mình sẽ nhuộm tóc, mỗi khi Tết đến mình tự nhủ là "Thấy tóc nhuộm là thấy Tết". Năm 2020 thì mình nhuộm tím khói, năm 2021 thì mình nhuộm đỏ và năm nay thì mình đang có dự định sẽ nhuộm hồng".

Thế mới thấy, người trẻ đã thổi hồn vào Tết một cách rất riêng Họ không định nghĩa bản thân theo một quy chuẩn gò bó nào. Thay vào đó, họ biết giữ cái cũ, thử nghiệm nhiều cái mới để định hình bản sắc con người theo thời gian.

gen z 3 mien noi gi ve van hoa co truyen trong ngay tet - anh 0
Mâm cỗ Tết miền Bắc (Ảnh: Shutterstock)

Tết miền Trung - Tết của miền đất quanh năm cần kiệm nhưng không câu nệ, miễn thành tâm là được!

Không giống như ở các tỉnh miền Bắc, bởi vì quanh năm thiên tai, bão lụt nên ở miền Trung dần dà con người hình thành tính cần kiệm. Tuy vậy, ngày Tết họ vẫn cúng kiếng đầy đủ như một quan niệm đã ăn sâu vào thói quen của mỗi người. Không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi, sum họp gia đình, Tết Nguyên Đán còn là dịp vô cùng quan trọng để hướng về nguồn cội, ông bà, tổ tiên, các vị thần linh đã ban phước lành cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc và che chở cho họ qua những thiên tai mà vùng đất này mang lại.

Vì lẽ đó, mâm cỗ người miền Trung cũng đơn giản hơn nhiều, họ không câu nệ hình thức hay ý nghĩa của mâm ngũ quả, có gì cúng nấy, miễn thành tâm là được. 

Lớn lên tại Phú Yên, là một người con miền Trung chính hiệu, bạn Liêu Hà Vy, Phú Yên chia sẻ: "Với cảm nhận của mình, những quan niệm xưa giờ và thói quen của ngày Tết đều không quá khác với các vùng khác là bao. Trước Tết cũng sẽ trang hoàng nhà cửa, cũng chờ người thân về để đoàn tụ, sum họp và quây quần bên nhau để trò chuyện. Trong Tết sẽ có đi chúc tết người thân, họ hàng, bạn bè, hàng xóm láng giềng, cũng sẽ tham gia các hoạt động ngày tết".

gen z 3 mien noi gi ve van hoa co truyen trong ngay tet - anh 0
Liêu Hà Vy tại Phú Yên cho rằng "Tết miền Trung - Tết của miền đất quanh năm cần kiệm nhưng thành tâm là được"

Họ vẫn có những điều kiêng kị trong ngày tết như kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt trong ngày Tết và cả tháng đầu năm. Người ta cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo; không ăn tôm vì sợ sẽ đi giật lùi, công việc không tiến tới; kiêng làm vỡ đồ, kị quét nhà hay mặc đồ đen vào những ngày tết vì sợ mang lại vận xui cho gia đình hoặc người khác… Phong tục ngày Tết miền Trung nhìn chung giản dị và họ xem ngày này quan trọng hơn bao giờ hết khi vượt qua được một năm đầy vất vả, thiên tai để được những ngày nghỉ ngơi, vui vẻ bên gia đình".

Tết miền Nam - Phóng khoáng như người miền Nam

Nguyễn Ngọc Tư có viết: "Người Việt mình với Tết giống như con rắn tới kỳ lột da, lột không được, ngắc ngứ hoài, rũ không hết lo phiền, khó chịu lắm". Vốn được thiên nhiên ưu ái quanh năm nên dân miền Nam bao năm ngời ngời chất phác, hết lòng hết dạ. Người miền Nam cũng ăn Tết phóng khoáng như cái chất của người miền Nam.

Với người miền Nam, Tết là dịp để vui chơi, gặp gỡ, quây quần. Do đó, người dân không nặng nề về hình thức, chủ yếu là hướng đến không khí tưng bừng, vui tươi, cho năm mới nhiều tài lộc, thuận hòa, mọi sự hanh thông.

Khi nói về Tết ở miền Nam, bạn Ngọc Đông chia sẻ: "Không biết với mọi người như thế nào, nhưng với mình thì Tết là một dịp hết sức đặc biệt. Tết là dịp đoàn viên. Phần chung những người trẻ tụi mình thường đi xa nhà để tiến thân lập nghiệp, rất ít dịp để về nhà. Với nhiều người thì Tết là dịp duy nhất để có thể về gặp mặt người thân, xóm giềng, cùng nhau đón lễ hội, cùng nhau nấu nướng, dọn dẹp chuẩn bị cho 3 ngày Tết. Năm vừa qua có nhiều khó khăn về kinh tế, nhiều người vẫn hay nói là năm nay mất Tết, năm nay khỏi đón Tết. Nhưng mà ông bà mình vẫn thường quan niệm "khó quanh năm, giàu ba ngày Tết.

gen z 3 mien noi gi ve van hoa co truyen trong ngay tet - anh 0
"Không biết với mọi người như thế nào, nhưng với mình thì Tết là một dịp hết sức đặc biệt!"

Với mình thì Tết vẫn đến theo quy luật đất trời và người miền Nam mình cũng vậy. Ai nhiều tiền thì mình ăn Tết theo kiểu nhiều tiền, ai khó khăn thì mình ăn Tết theo kiểu khó khăn. Cố gắng đừng để mất Tết. Nhiều bạn trẻ lớn lên, bắt đầu cuộc sống của người trưởng thành vẫn thường hay than là Tết nhạt, Tết không còn như xưa. Nhưng thật ra là do mình thay đổi thôi".

Tết vẫn vậy, vẫn là dịp đoàn viên sum vầy của người lớn, vẫn là dịp háo hức của những đứa trẻ. Những đứa trẻ con vẫn luôn mong Tết như chính chúng ta ngày xưa vậy. Đừng đánh mất Tết, đừng đánh mất mùa sum họp của cả dân tộc mình, gia đình mình. 

Nỗi lòng của những đứa con xa nhà ngày Tết: Nhớ lắm nhưng không thể về...

Hành trình VỀ Tết Nhâm Dần 2022: Về nhà, về đủ và về lại bên trong mình!

Tết Nhâm Dần 2022: VỀ trong "bình thường mới"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ