Những hy vọng mới, những giấc mơ mới, những kỳ vọng lớn lao mới vẫn hứa hẹn phía trước. Về để đón chào một năm mới trong trạng thái bình thường mới.
26 tết, ngày làm việc cuối cùng, chốn văn phòng nơi tôi làm cũng trở nên rộn ràng hơn, ai cũng chờ sẵn khoảnh khắc đến giờ được về.Về để kết thúc một năm làm việc vất vả, về để chuẩn bị rời xa Sài Gòn và về để mang tiền về cho mẹ. Chiều đó, nhận tiếng ting ting báo lương và thưởng Tết cập bến, Tết ùa vào ví tiền và tài khoản ngân hàng, bao thứ cứ hiện ra muốn mua để mang về nhà. Có lẽ, trong chúng tôi ai cũng hiểu rằng, đã quá lâu chẳng thể về.
Tôi hớn hở cầm trên tay tấm vé Sài Gòn - Cà Mau, hơn 8 tháng mới được ra lại bến xe miền Tây, cảm giác như một điều quen thuộc đã xa nay đã đủ đầy và hân hoan đến lạ. Ngày trước, tôi sợ nhất cảnh kẹt xe ngày tết, sợ cái không khí đông nghẹt, các nhà xe thi nhau hét to "Ai đi Cao Lãnh, ai về Sa Đéc lên xe", "Cà Mau chuyến cuối lên nhanh" và có chút sợ Tết. Nhưng Tết này lạ lắm, tôi luôn khao khát được thấy những điều quen thuộc hằng năm khi ngồi trên chiếc xe trung chuyển, tôi thèm cảnh người ta chen nhau để được chiếc vé về quê, tôi mong đợi chuyến xe cuối về các tỉnh "cứng ngắt" chỗ, sự tấp nập ngày cuối năm tại bến xe.
Cũng chính tôi mừng rỡ như đứa trẻ lên 3 khi đọc những dòng tin trên báo "Cửa ngõ phía Tây TP.HCM đông đúc chiều cuối năm". Mừng vì sau một năm vất vả, nhọc nhằn người ta vẫn chọn về với gia đình.
Dịch bệnh đã không còn là cơn ác mộng ngắn hạn, chịu khó ở yên trong nhà vài ba tuần rồi lại được tung tăng ra ngoài, mà trở thành cả một cuộc hành trình dài để trưởng thành với mỗi người, cũng là một cuộc chiến không thể nào quên với Sài Gòn, với các tỉnh miền Tây suốt nhiều tháng qua. Chiến đấu để kịp vùng xanh, chiến đấu để có một cái Tết an yên và hơn hết chiến đấu để có được tấm vé hai chiều về nhà đón Tết.
Những ngày cận Tết, trong tất cả chúng ta đều hiểu rằng đây là một cái Tết khác lạ, Tết sau những ngày bình thường mới, Tết khi một sự khởi sắc và niềm tin mới sau lớp khẩu trang che kín mặt, vẫn là những cánh chim rời tổ chọn trở về, là dịp để mỗi người định nghĩa lại hai chữ "gia đình".
Tết năm nay là một cái Tết thật khác với Sài Gòn, với cả dải đất hình chữ S. Sau một năm tưởng như dài bất tận với đầy những khó khăn, Covid-19 một lần nữa gõ cửa, hơn nửa năm đóng cửa, đứng im vì dịch bệnh. Bao nhiêu dự định về một cái Tết đoàn viên, tết thật lớn đều phải tạm gác lại, bao nhiêu kế hoạch, phải nhường chỗ cho lo toan, nỗi niềm đong đếm kinh tế trong nhà ngoài ngõ.
Sau tất cả những buồn đau, ngày tháng oằn mình trong cơn bạo bệnh, cuối cùng thời khắc chuyển giao năm cũ qua năm mới cũng là lúc con người tìm cho mình một điểm sáng nơi cuối đường đường hầm, tìm thấy lối thoát khỏi sự đen tối của đại dịch. Dù biết rằng, nỗi buồn vẫn là điều khó thể nào quên nhưng hy vọng vào một năm mới đang được nhen nhóm, những cam go, khốc liệt, đau khổ do đại dịch gây ra sẽ dịu dần. Một năm mới sẽ thêm phần khởi sắc, một niềm tin chắc nịch luôn hiện hữu trên nụ cười của người Việt.
Dù cả năm khó khăn đến đâu, cũng chẳng thể buồn hoài mà không tìm được những điều tuyệt vời đến trong cuộc sống của mình. Trải qua những ngày vất vả, ta lại càng thấy hóa ra mình nhận được rất nhiều. Khó khăn thật nhiều để biết trân trọng và sẻ chia. Để hiểu và quý hơn giá trị của gia đình, "Tết" là đoàn viên, Tết là đoàn tựu.
Người ta thường bảo rằng, càng lớn Tết càng bớt vui, chẳng có cảm giác háo hức được sắm bộ quần áo mới, chẳng cảm nhận được sự chộn rộn mớ cảm xúc những ngày chuyển giao, chuyến xe đoàn viên đang lăn bánh về nhà, phong bao lì xì đỏ hay đi chúc tết. Nhưng có lẽ, Tết năm nay mọi thứ có phần khác biệt, dẫu có bớt vui nhưng vẫn là cảm xúc chờ mong, là tờ lịch trên bàn đã được gạch từng ngày để sớm đến ngày về.
Mùa dịch đã lấy đi rất nhiều, chúng ta chẳng thể nào quên hơn 5 tháng đóng cửa khép mình "ai ở đâu ở yên đó", những bệnh viện điều trị Covid-19 "kẹt" giường cho F0, những điểm tiêm vaccine "kẹt" thuốc, những F0 "kẹt" một bình oxy để thở qua cơn nguy kịch, hay cả một con hẻm nhỏ "kẹt" lương thực… Và cửa ngõ thành phố, cũng không ít lần, "kẹt" cứng bởi dòng người đổ về quê hương.
Những hứa hẹn đã chẳng thể trọn vẹn được vì dịch bệnh. Nỗi đau còn đó nhưng niềm vui vẫn là điều cần thiết cho cuộc sống, dọn những ngổn ngang trong lòng, những buồn vui và mất mát gửi lại năm cũ để chào đón năm mới đã đến bên thềm.
Gam màu đen tối năm vừa qua với hình ảnh những dãy nhà đóng cửa kèm theo dòng chữ "cho thuê mặt bằng", đội quân áo trắng, áo xanh phủ sóng khắp thành phố, những chuyến bay chi viện Bắc - Nam, sự sụp đổ của nhiều công ty vì chẳng thể cầm cự, người nông dân đỏ hoe khoé mắt vì ngập mặn, vì dịch bệnh. Nỗi buồn hằn sâu của những cánh chim "nhập cư" vì mất việc làm, thất nghiệp, đôi mắt mệt lừ vì nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền…và thế là một năm trôi qua buồn nhiều đến vậy.
Tết đang rất gần, một năm mới đang dần đến. Từ hôm đưa ông Táo, tờ mờ sáng đến đêm muộn đường phố cũng dần náo nhiệt tất bật mua sắm đồ chuẩn bị Tết, tại sân bay đến bến xe miền Đông hay miền Tây luôn vội vã đông đúc, tấp nập người qua lại, có chút mệt mỏi khi bị "delay" nhưng ai cũng hào hứng được trở về nhà.
Trên chuyến xe trở về Ea Kar, em bé bảo mẹ nó rằng "quá nhiều nhiều năm con chưa được về quê", người mẹ làm ngành Y tế dìu dắt con mình trở về phố núi. Chị bảo với tôi rằng, nỗi ám ảnh những ngày làm việc tại trạm, hơn 80 ngày hỗ trợ Thu Dung đã làm chị mất ăn mất ngủ suốt khoảng thời gian dài.
Mất mát, những lần chứng kiến người bệnh ra đi trong hiu quạnh, số ca nhiễm cứ lớn dần rồi đỉnh điểm,...mất mát của người khác còn là bài học cho chính mình, những điều xảy ra xung quanh đã làm chị và nhiều người khác hiểu và trân trọng hơn gia đình mình.
Tết năm nay có người sẽ may mắn trong ngày đoàn viên, cô Thuỷ cũng "may mắn" theo cách của riêng mình, cô gượng dậy sau những đau thương đã qua."15/7 là mẹ mất, 30/7 là cha mất, 3/8 là chị hai mất. Tất cả đều đi vô bệnh viện và chết luôn tại đó chẳng kịp nhìn mặt lần cuối. Phần tro cốt đều đã được nhận về, đỡ một phần vì có nhà nước lo cho việc đó chứ cũng không biết phải làm sao.
Bản thân cô cũng bị nhiễm, khi nghe tin người thân mất nói chung là gượng không nổi... Còn bây giờ chỉ có thể sống cho hiện tại thôi và cố gắng vượt qua, tết năm nay mâm cơm sẽ tươm tất để người ở lại và người ra đi vẫn cảm nhận được vị Tết" - cô mỉm cười kể lại điều đã qua khi cúng bữa cơm hôm đưa ông bà (25 tết).
Tôi chợt nhận ra rằng, trở về nhà không đơn giản là ăn Tết, có cho bản thân một kỳ nghỉ dài để nghỉ ngơi mà còn là trân trọng niềm hạnh phúc được tự do đi lại, được bận rộn chuẩn bị đón giao thừa bên gia đình như một phần an yên tôi được ban tặng. Dẫu biết, vé xe vé máy bay sẽ tăng gấp ba, bốn lần nhưng ai cũng tranh nhau một suất vé để đêm 30 có thể kịp có mặt ở nhà; có người việc lớn việc bé, deadline vẫn chấp nhận gác sang một bên và về nhà với gia đình.
Tết đến, ai cũng háo hức về nhà. Ai cũng mệt nhoài sau một năm thử thách với đủ cung bậc khó khăn trong cả công việc lẫn cuộc sống. Ai cũng thèm được cái cảm giác xách vali về cổng nhà, được la lên "Con đã về" và thấy những thành viên trong gia đình vẫn ở đó.
Những ngày cận tết, nhìn thấy những chiếc xe ba gác chở hoa khắp các con đường lớn, dù năm nay có khó khăn đến đâu thì cũng không thể thiếu đi không khí quen thuộc mỗi khi Tết đến xuân về làm ai ai cũng phải nôn nao. Trong xóm nhỏ, nhà nhà khệ nệ mang mấy lon sơn ra pha trộn rồi gỡ từng cánh cửa ra sơn sơn, phết phết, bộ lư đồng, chân đèn trên trang thờ được khiêng xuống đánh thật bóng là đủ hiểu Tết đã đến trước hẻm.
Ngày cuối năm, người người nhà nhà bận rộn cuốn theo mớ nhộn nhịp ngày Tết, kẻ bán người mua, kẻ chèo người lái tất bật lo toan. Ai cũng cuốn theo, quay cuồng, mơ hồ giữa cái cảm giác mong Tết về, ai cũng mong chờ từng ngày, đi thật xa để được trở về nhà. Trở về sau những bộn bề, trở về sau những lần đứng trước ranh giới được - mất, trở về sau lần "F0", sau những ngày trực chiến nơi tuyến đầu để kể ba mẹ nghe một năm qua, con mẹ đã lớn thật rồi!
Quá nhiều thay đổi đã xảy ra trong một năm quá đỗi khắc nghiệt. Năm mà ranh giới giữa: Đánh mất - có được; Ở cạnh - rời xa; An lòng - khắc khoải; Tương lai - hoài niệm; Sống - chết... đều trở nên mong manh một cách khác thường. Ngày cận Tết như một đường tơ mỏng manh nối liền hai khoảnh khắc cũ - mới, nhưng ai cũng mang một niềm tin mới, chẳng nghĩ ngợi gì nhiều mà cứ loay hoay trong cái không khí này.
Tết - mùa đoàn tụ, cái cớ chính đáng để được về nhà, cậu em tôi quen trong mùa dịch nhắn rằng "Mùng 2 em về", cậu học viên sĩ quan vui mừng vì sau hai năm xa nhà cũng kịp về để đón Tết, còn mùng là còn tết. Dù vẫn trực tết, ở lại đơn vị đón giao thừa nhưng nó vẫn vui vì được về nhà ăn tết cùng ba mẹ, có muộn hơn nhưng hơn hết vẫn có.
Cậu trai tuổi đôi mươi hào hứng vì năm nay sau nhiều trải nghiệm "bất đắc dĩ" với hơn 50 ngày chống dịch cùng thành phố, chú bộ đội gần hơn với dân, gia đình đủ đầy thành viên sau khoảng thời gian chị gái đi du học xa và cậu em lại làm nhiệm vụ cao cả vì tổ quốc trên vai. Mấy ngày qua nó cứ hát miết câu "Tết này con sẽ về, dù ở đâu con cũng sẽ về", hào hứng kể về những dự định muốn làm trong 4 ngày về nhà.
Năm qua có lắm gian nan, người chọn ở lại để tiếp tục cuộc sống mưu sinh, người người chờ mong một cái Tết để được ấm no cho cả nhà. Ngày giáp Tết, lạng một vòng xe xuống bến Bình Đông, ghé qua khu chợ Lớn để cảm nhận được tinh thần lạc quan của tiểu thương, để hiểu rằng dù khó đến đâu họ vẫn cười nói, tiếp đón khách hào sản đến nhường nào, họ cố cho kịp về đêm giao thừa, để kịp bước qua năm mới sung túc, bình an bên gia đình.
Tết của họ, những người đã lớn với nhiều nỗi lo toan, tết của người lớn không mang những sắc màu mộng mơ, họ chọn tất bật "ăn gió nằm sương" để mong một cái tết không lớn cũng được nhưng vẫn cho đám nhỏ chiếc áo mới, bao đỏ lì xì, có cặp bánh chưng, bánh tét để đủ đầy không khí mấy mùng trong năm.
Tôi ghé bến Bình Đông hôm ghe vừa cập bến, thấy ghe chở đầy hoa dọc bờ kênh là thấy Tết đã cạnh mình. Bóng dáng người đàn ông nhỏ người, nâng niu từng chậu bông khiêng từ ghe lên bờ, để cái cặp quần áo cùng cái nón lá cũ bên góc đường, chú loay hoay xếp lại mớ hoa giấy chuẩn bị chào hàng. Cả năm trời quần quật bên ruộng nương bán mặt cho đất bán lưng cho trời, chăm từng nhành bông để mong kiếm lại chút vốn, có được cái Tết trọn vẹn.
"Năm nay lên sớm, mong bán được nhiêu hay nhiêu, vạn người bán trăm người mua nhưng mà cũng dễ hiểu thôi năm qua dịch bệnh vậy có ai có tiền gì nhiều đâu. Nhưng mà chú vẫn vui, chưa dính con cô di gì đó là thấy mình còn may rồi. Năm sau làm lại cũng được, tiền thì cần đó nhưng hơn hết là phải có sức. Trồng bông cực lắm, không có sức không làm nổi đâu" - chú Tùng (Chợ Lách, Bến Tre) bảo vậy đó!.
Anh Tài, chủ cửa hàng bán đồ trang trí tại đường Hải Thượng Lãn Ông, từ nhỏ đến nay đã 40 tuổi sống tại khu Chợ Lớn, nhìn nơi này chuyển động từng ngày, đón bao nhiêu cái Tết đi qua, anh cũng không phủ nhận tết năm nay không lớn như mọi năm, nhưng vẫn không khí náo nhiệt, tất bật vậy là đủ rồi. Năm nay khó khăn nối tiếp cả năm, chớ cũng nhờ đó mà nhận ra được thế nào là đủ, để biết lấy ít cái dư đó ra để giúp đỡ hàng xóm, cho người này người kia mấy tháng dài ở nhà không làm gì được.
Cũng dọc theo con đường chợ Tết của Sài Gòn, tôi được dịp nghe màn mặc cả giá tiền hai chậu hoa giấy, người bán người mua ai cũng có cho mình những lý do xứng đáng để được thêm bớt vài đồng. Cô Ngọc bảo rằng "mày phải hiểu cho tao năm nay dịch ở nhà tao có bán buôn làm ra tiền đâu", anh Hùng lại bảo "quê con cũng ngập mặn, cũng dịch, mấy tháng qua cũng phải trồng ít cây lại, lên đây đổi thùng nước 1 thùng 10 ngàn, chi phí nhiều lắm cô, con bớt cô xí thôi nhiều quá không được". Cứ mặc cả vậy đấy, nhưng rồi cô Ngọc cũng gật đầu ủng hộ anh tận 4 chậu cúc mâm xôi, anh cũng mỉm cười giảm cô hai trăm nghìn.
Tôi mỉm cười, như hiểu rằng tất cả mọi người trân quý bình an hôm nay, hiểu và thông cảm cho nhau hơn phải có khó khăn như bây giờ để mọi người được sống chậm lại được, yêu thương nhau bằng bao điều nhỏ nhặt. Bài học lớn nhất vẫn là làm người, tử tế và sống tốt. Bán để kịp cho nhà nhà có không khí tết, bán để mình kịp về trước giao thừa, bán để có mớ tiền kịp về ăn chơi ba mùng. Dẫu có ra sao, còn được chăm sóc người thương, dù gần hay xa nhau, mỗi người đều gần nhau hơn trong yêu thương và lắng nghe nhau.
Anh Quân y năm 6 hai lần vào Sài Gòn hỗ trợ chống dịch cũng kịp chuyến bay trở về Hà Nội đón tết cùng gia đình. Chuyến bay đó, tôi tiễn anh thế là ổng bảo: "mừng cho Sài Gòn, gồng gánh vất vả quá rồi, cũng kịp vùng xanh để anh em mình được về quê đón Tết, hẹn lại Sài Gòn vào một ngày thật bình thường. Năm con Trâu cực quá, năm Dần mong tích cực hơn".
Tết không trọn vẹn nhờ những món quà vật chất phô trương. Tết trọn vẹn nhờ mình có một gia đình luôn ở bên cạnh. Tết là niềm vui, là sự trở về, là cầm chắc trên tay tấm vé để ngồi trên chuyến xe đò, đến khoang SE9 và cất cánh trên chuyến bay đoàn viên. Vì vậy dù ở đâu, những cánh chim rời tổ, trưởng thành đến đâu cũng tìm về tổ ấm, về nhà bên những "máu mủ ruột rà".
Sau một năm trôi qua, năm 2021 là một năm cần quên và cần nhớ. Quên đi những mảng màu đen tối nhưng cũng nhớ sự tử tế và gửi nhau lời cảm ơn vì đã cùng nhau vượt qua một năm nặng nề vừa qua, để chúng ta vẫn lạc quan và đón những điều bình thường mới. Điều bình thường mới là một món quà quý giá, là sự nỗ lực chung tay của tất cả, không một ai bị bỏ lại phía sau. Cuộc sống ngoài kia đang hồi sinh, tết này đẹp theo một cách khác. Bình thường là một món quà, món quà đến từ những con người phi thường.
Trở về trong "bình thường mới" là trở về nhà sau những ngày giãn cách xã hội, trở về sau những ngày sống với giấy đi đường, phải có lý do chính đáng để ra đường. Chọn ở lại hay về nhà là bài toán mà ai ai cũng phải nghĩ suy trong những ngày qua, tết đã cận kề nhưng câu chuyện cách ly, chi phí cũng là niềm trăn trở cho nhiều người. Về trong khi thưởng tết giảm đến hơn 50%, về khi việc buôn bán bấp bênh, khó khăn nhọc nhằn xin tạm gác lại để trở về nhà.
Tết năm nay khác lạ, đã từng bỡ ngỡ với việc test nhanh covid, đã từng thấy hoang mang với việc phải đi cách ly, vậy mà giờ đây Tết đã mang một màu sắc mới, một sự chuyển mình khởi sắc, khác hẳn với 160 ngày oằn mình với các chỉ thị. Người ta chọn đón Tết năm nay nhẹ nhàng hơn, tiêm hẳn mũi 3 để có áo giáp bảo vệ, về nhà chọn hạn chế ra đường để tránh nhiễm bệnh, Tết này cũng chẳng phải lễ nghi chúc tết hay bày bừa cỗ tiệc linh đình. Khắp các tỉnh thành, Tết 2022 Về trong bình thường mới, về với vùng xanh, thích nghi và chơi tết an toàn, Tết "5K" vẫn là cần thiết. Một màu xanh xanh - vùng xanh, món quà ý nghĩa nhất mùa xuân này.
Tết nay cũng không pháo hoa, không cần phải mua sắm ồ ạt, chẳng cần trang trí rình rang, bày biện linh đình mới là Tết. Bởi điều quý nhất là mình được khỏe mạnh, được kề bên người thân yêu, nếu đủ đầy hơn thì chia sẻ với xóm giềng, với những ai khó khăn hơn. Những ngày cuối năm, khác lạ nhưng hạnh phúc, sống giản đơn hơn, chọn vui với những điều nhỏ nhỏ, đủ theo một cách khác lạ. Học được cách buông bỏ những điều lớn lao, hoành tráng, mùa xuân chỉ đơn thuần là được tề tựu ăn bữa cơm chiều 30, kể nhau nghe bao buồn vui của năm cũ, cười thật tươi để đón chào năm mới.
Tết lâu lắm mới đến nhưng nhanh đi, mai rồi sẽ tàn trước sân, hết mồng hết mùng cũng xem như sắp hết tết nhưng vậy đó, ai cũng mong cũng chờ, đợi từng ngày. Sau mấy mùng, con người chúng ta lại bắt đầu mớ guồng sống mới, tiếp tục chiến đấu với những thử thách mới nhưng lại có thêm nguồn năng lượng mới. Tết rồi, tết nay có vơi chút tiếng cười, bớt chút đong đầy, nhưng chỉ cần ai ai cũng nuôi giữ mớ niềm tin lạc quan cho một chặng đường mới phía trước, thì mọi khó khăn đang trải qua sẽ vơi bớt đi nhiều phần, để nhường chỗ cho hy vọng vào những gì tươi sáng đang đến.
Những hy vọng mới, những giấc mơ mới, những kỳ vọng lớn lao mới vẫn hứa hẹn phía trước. Tất cả mọi thứ đều không thể đoán định, nhưng hãy cứ bước vào một năm mới với một niềm tin và cả sự hứng khởi. Về nhà để có một nguồn năng lượng mới, để có thêm cho bản thân động lực bước qua năm mới Nhâm Dần 2022 "mạnh mẽ như hổ".
Nguồn:TH&PL