Nỗi lòng của những đứa con xa nhà ngày Tết: Nhớ lắm nhưng không thể về...

Có lẽ một năm mới lại về, ai cũng sẽ đón cho mình một cái Tết riêng biệt nhưng mong rằng tất cả rồi sẽ bình an!

Nhấc điện thoại gọi cho thằng bạn thân đêm 29 Tết để rủ nhau cà phê vì đã một năm qua chúng tôi chưa gặp nhau. Cuộc gọi kéo dài chừng 10 phút nhưng tôi chỉ nhớ mỗi một câu trong tiếng thở dài của nó: Tết nay không về!

Hình như, con cái trưởng thành đều là khách!

Suốt 18 năm, mọi đứa con đều được nuôi lớn và trưởng thành trong tình yêu cao thượng của cha mẹ. Cũng suốt 18 năm qua, nhà là nơi gắn bó, là nơi đi xa cũng vài ngày rồi thấy nhớ lại về. Thời gian cũng qua, cái Tết năm 18 tuổi con bước sang cột mốc cuộc đời, không quá lớn những cũng đủ trưởng thành để vỗ cách tập bay.

Trong truyện "Chuyện con mèo dạy hải âu bay", tình yêu của những con mèo ở bến cảng dành cho chú hải âu bé nhỏ cũng như tình cảm của cha mẹ. Thứ tình cảm vĩ đại nhất trên đời! Thứ tình cảm khiến bố mẹ biến thành những người cho đi mà không mưu cầu nhận lại. Ở nơi đất khách, nó vấp ngã, tự đứng lên rồi tự trưởng thành theo một cách nào đó, chắc tại nó lớn. Duy chỉ có những con mèo ở nơi bến cảng biết một ngày chim hải âu sẽ rời đi, bay lên bầy trời cao dù chú được nuôi lớn bởi những con mèo - những con mèo không bao giờ rời bến cảng.

noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0

Con cái trưởng thành đều là khách! Những ngày con lớn, con ở đời nhiều hơn ở nhà, có khi mấy tháng rồi mấy năm mới về. Một năm cùng lắm là về nhà được hai ba lần. Có khi những đứa con ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp mấy năm mới về, đường xá muôn dặm cách trở, công danh sự nghiệp chưa thành, con thấy có lỗi mà không dám về! Nhưng tấm lòng cha mẹ con nào có hiểu, cả đời này chỉ trông mong con cái, nhà đủ mình ăn bữa cơm.

Tết đến, ai cũng háo hức về nhà. Vì đã một năm qua, chúng ta đã trải qua quá nhiều gian khó, ai cũng mệt nhoài sau một năm với đủ cung bậc khó khăn trong công việc lẫn cuộc sống. Ai cũng thèm cảm giác ngồi trên chuyến xe cuối cùng về nhà để ăn một bữa cơm đoàn viên, tạm gác âu lo để chuẩn bị tiếp cho một cuộc cõng mưu sinh trên vai.

Vì đặc thù của nghề nghiệp nên chuyện ăn Tết xa quê đã trở thành thói quen!

Thật ra, có những kỷ niệm mà ai trải qua dù chỉ một lần sẽ nhớ mãi. Chuyến tàu từ đảo xa về lại với đất liền để được ở bên gia đình luôn mang một cảm giác vui sướng ngập tràn khó tả. Kết thúc chuyến thực tập tại Phú Quốc, tôi háo hức lên tàu trở về nhà để đón Tết cùng gia đình. Năm nay có lẽ khác hơn mọi năm vì tôi về quê trong những ngày cận Tết. Thế mà đã thấy mình về trễ hơn so với 3 năm trước.

Nếu được hỏi bất cứ ai một định nghĩa hoàn hảo nhất về Tết, với tất thảy mọi người, không phân biệt giàu - nghèo, câu trả lời vẫn luôn là sự đoàn viên, sum họp, là cuộc tề tựu nặng nghĩa nhất trong năm! Thế nhưng có những người xem việc ăn Tết xa quê đã như một thói quen vì đặc thù của tính chất nghề nghiệp.

"Lúc đầu cũng hơi buồn, một năm, hai năm rồi bây giờ đã là sáu năm. Nó đã trở thành một điều rất đỗi bình thường đối với một người làm trong ngành Du lịch, đặc biệt là ngành Nhà hàng - Khách sạn". Anh Thanh, nhân viên tại khách sạn JW Marriott Phu Quoc trải lòng.

noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0
Têt ở nơi xa của những người cùng cảnh ngộ! 

Chỉ mỗi một từ "Tết" nhưng nó mang trong mình rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Đặc  biệt những ai ở xa quê để mưu sinh lập nghiệp lại càng thấy Tết quan trọng vì sau tháng ngày "đi xa" - Tết là dịp để "trở về". Ấy thế mà, vẫn có nhiều người phải ngậm ngùi bỏ lỡ cơ hội đoàn viên ngày Tết vì họ là... "Hotelier".

Giờ người ta đi ngủ - bạn vẫn mải mê bưng bê chén dĩa khách vừa dùng xong đi rửa, tỉ mỉ lau từng chiếc muỗng nĩa chuẩn bị cho tiệc banquet ngày mai. Giờ người ta chưa dậy, bạn đã phải vào bếp chuẩn bị thức ăn để phục vụ cho sự ngon miệng cho những vị khách của mình. Cuối tuần người ta đi chơi - bạn vẫn hì hục lau dọn phòng thật tinh tươm chào đón những "Thượng đế" mới. Đó là một trong những tính chất đặc thù của ngành khách sạn mà người chọn ngành bắt buộc phải chấp nhận - ăn Tết xa quê trong nhiều năm dài.

Vừa tốt nghiệp đại học, bạn Thành Nhân, nhân viên tại một khách sạn năm sao trải lòng: "Đây là năm đầu tiên mình đón Tết xa nhà và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trải qua một cái Tết xa gia đình". Bởi với chàng trai này, mọi thứ vẫn còn quá mới mẻ so với các anh chị tiền bối. Còn quá trẻ khi bước vào ngành, Nhân tâm sự thêm với tôi: "Cảm thấy nhớ nhà, cô đơn một chút nhưng bù lại thấy mình dường như trưởng thành với tự lập hơn".

noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0
Thành Nhân: "Cảm thấy nhớ nhà, cô đơn một chút nhưng bù lại thấy mình dường như trưởng thành với tự lập hơn"

Đối với Nhân hay với những người trẻ bắt đầu chập chững bước vào ngưỡng cửa tự lập thì Tết trở thành một cột mốc đáng nhớ. "Cái Tết nơi đảo xa như một khoảng để nghiệm lại, một bước đệm chững lại để mình thở phào một cái sau suốt 1 chặng đua dài của năm cũ, nhìn lại hành trình ta đã bước đi và cố gắng hoàn thành sứ mệnh của người làm dịch vụ".

Còn đối với anh Khánh, một Hotelier đã làm việc trong ngành được 4 năm hơn thì xem việc ăn Tết xa nhà như một thói quen. Anh chia sẻ: "Cái Tết ở xa nhà dường như đã trở thành thói quen, lắm lúc nghĩ ngành mình sao bạc bẽo quá nhưng rồi cũng trải qua một cái Tết ấm cúng nơi đơn vị. Một mình đón Tết xa nhà, nên vào những ngày này hai năm qua, tan ca là anh chàng lại đi lòng vòng ngắm nhìn cuộc sống ở đảo, rồi tìm đến các thú vui như là: câu cá hay chụp ảnh".

noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0
noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0
noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0
Những ngày Tết rong ruổi nơi đất khách (Ảnh: anh Lê Quang Khánh)

Về quê ăn Tết cùng gia đình là thông lệ, là "cái nếp" của nhiều người Việt làm ăn xa xứ.  Tuy nhiên, ngược với số đông, nhân lực ngành Du lịch, đặc biệt là ngành Nhà hàng - Khách sạn thì việc ăn Tết ở quê đã trở thành một điều xa xỉ. Xa xứ có lẽ là cả mà cuộc đánh cược nhưng những trái tim ngành dịch vụ vẫn có cái Tết khang khác trong lòng.

Vì những gánh nặng còn oằn trên vai nên Tết này chưa thể về nhà!

Năm vừa qua có thể xem như một năm có quá nhiều viễn cảnh, mất mác, đình trệ. Có lẽ thế, nhiều người gọi Tết năm nay là "Tết xa" vì người ta chọn ở lại thành phố để làm việc, để tiết kiệm số tiền gói ghém được trong một năm qua.

noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0
Tết năm nay, Sài Gòn lại đón thêm một mớ những người con xa quê vào lòng để ủi an

Tết năm nay, mặc dù phải xa nhà nhưng với những bạn trẻ Gen Z chọn mưu sinh ở lại thành phố thì Tết này họ vẫn được "đoàn tụ" gia đình. Đoàn tụ không còn gói gọn bởi định nghĩa sum họp trực tiếp, đoàn tụ với họ giờ đây chính là được cùng gia đình chia sẻ niềm vui ngày Tết và thưởng thức mâm Tết đậm đà vị nhà thông qua những cuộc gọi video call với gia đình. Công nghệ đã làm họ xích lại gần nhau hơn, cho họ cảm giác không lạc lỏng sau cánh cửa nhà mình.

Sinh sống và làm việc tại Sài Gòn, bạn Huỳnh Đức chia sẻ: "Năm nay mình chọn ăn Tết ở Sài Gòn vì về quê tốn kém nhiều quá. Tết năm nay lần đầu tiên đón Tết với bạn bè, đồng nghiệp, cũng có cảm giác chạnh lòng nhưng ai rồi cũng phải là những đứa trẻ trưởng thành".

noi long cua nhung dua con xa nha ngay tet nho lam nhung khong the ve - anh 0
Huỳnh Đức: "Tuy chẳng có mâm cơm mẹ nấu, chẳng đồ ăn rượu thịt tràn mâm nhưng mình vẫn cảm thấy Tết ấm cúng, Tết sum vầy bên cạnh những người đồng nghiệp cùng cảnh".

"Tết ở quê ấm cúng lắm!" Con bé Nhung hay bảo với mình: "Ở Sài Gòn ngày Tết là những ngày buồn nhất, vì không thấy ai, người ta về quê sum vầy hết rồi". Tết năm nay, Sài Gòn lại đón thêm một mớ những người con xa quê vào lòng để ủi an. Thường ngày, Sài Gòn vẫn luôn bao dung và cởi mở ôm ấp dân tứ xứ đến kiếm tìm cơ hội. Ấy vậy mà Tết vẫn cho con người ta cái tình cái nghĩa.

"Rồi ai cũng sẽ có Tết và mình cũng vậy. Tuy chẳng có mâm cơm mẹ nấu, chẳng đồ ăn rượu thịt tràn mâm nhưng mình vẫn cảm thấy Tết ấm cúng, Tết sum vầy bên cạnh những người đồng nghiệp cùng cảnh". Đức tâm sự.

Có lẽ một năm mới lại về, ai cũng sẽ đón cho mình một cái Tết riêng biệt nhưng mong rằng tất cả rồi sẽ bình an! Dẫu cho Tết năm nay không về nhà, có vơi chút tiếng cười, bớt chút đong đầy nhưng hãy giữ vị tròn đầy của Tết.

Hành trình VỀ Tết Nhâm Dần 2022: Về nhà, về đủ và về lại bên trong mình!

Quiz: Bạn biết được "bao nhiêu" về những điều quen thuộc trong ngày Tết

Tết Nhâm Dần 2022: VỀ trong "bình thường mới"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ