gặp kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn: "Cho dù ai nói gì về chị Ánh Viên, mình cũng không quan tâm"

Đối với Kim Sơn, thành công là phải rút ra được bài học từ những thất bại của mình.

Trong lịch sử tham gia SEA Games, bơi lội luôn là một trong những bộ môn tâm điểm, được người hâm mộ đón chờ. Ở 3 kỳ đại hội gần nhất, đội tuyển bơi Việt Nam luôn giữ vững vị trí thứ 2 toàn đoàn. Song, sự vắng mặt của Ánh Viên, áp lực giành huy chương sẽ dồn cả lên vai những tài năng trẻ.

Một trong số đó là kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn, cái tên quen thuộc của đoàn bơi Việt Nam, khi đã có kinh nghiệm 2 lần tranh đấu tại SEA Games và gặt hái được nhiều thành tích nổi bật.

Tại SEA Games 29, Kim Sơn lần đầu tham dự và bỗng vụt sáng thành ngôi sao trên đường đua xanh khi giành chiến thắng ở nội dung bơi 400m hỗn hợp. Thành tích của chàng trai 15 tuổi khi ấy, đồng thời, đã phá kỷ lục SEA Games đứng vững suốt 14 năm.

Tuy nhiên, ở kỳ đại hội tiếp theo, thành tích của cậu bạn lại sụt giảm do không thể thi đấu trong trạng thái tốt nhất. Kết quả này dẫu có phần gây thất vọng nhưng lại là động lực để Kim Sơn một lần nữa khẳng định mình tại SEA Games 31.

picture

Nguyễn Hữu Kim Sơn

Sinh năm 2002, Kim Sơn hiện là một trong những kình ngư nổi bật của đội tuyển bơi lội Việt Nam. Tại SEA Games 31 này, cậu bạn đã mang về cho đoàn thể thao Việt Nam 1 tấm HCB ở nội dung 1500m tự do nam (14/5) và sẽ tiếp tục tham gia thi đấu ở 2 nội dung: 4x200m tự do nam (17/5) và 800m tự do nam (19/5).

https://www.facebook.com/kimson.nguyenhuu

Bơi qua sóng dữ

Cơ duyên nào đưa bạn đến với bộ môn bơi lội?
Mình bắt đầu tập bơi từ năm 4, 5 tuổi. Vào khoảng thời gian đó thì nạn đuối nước ở Việt Nam rất phổ biến và gần như mọi gia đình đều lo ngại việc này. Vì vậy, ông mình cho đi bơi để biết bơi chứ không phải là để phát triển tài năng gì cả.

Nhưng sau đó mình bơi được và các thầy cũng khuyên ông cho mình học bơi chuyên sâu theo hướng các vận động viên, chứ không phải bơi chuyên nghiệp như bây giờ.

Phải đến năm 2015, sau khi một bác đồng nghiệp nói với ba mình là nên cho mình theo nghiệp bơi thay vì tập trung vào con đường học vấn. Ba đã hỏi ý kiến mình và bản thân mình cũng muốn đuổi sự nghiệp bơi lội chuyên nghiệp. Cho nên mình đã gắn bó với bộ môn này từ năm mình 13 tuổi đến bây giờ.
Được người hâm mộ thể thao Việt Nam ưu ái đặt cho danh hiệu “thần đồng bơi lội”, liệu điều này có gây nhiều áp lực cho bạn?
Thật ra mình không áp lực lắm. Vì mình vốn không quan tâm đến cái nhìn của người khác về bản thân. Đây là cuộc sống của mình và mình có quyền quyết định cách sống của bản thân.

Dẫu cho người khác có nói mình hết thời hay thua kém các vận động viên trẻ tuổi hơn thì mình cũng không để tâm. Ngược lại đó là động lực để mình cố gắng, để chứng minh rằng họ đã có cái nhìn sai về mình. Đồng thời mình cũng phải nỗ lực rất nhiều để những thành tích mình đạt được thật sự có giá trị, chứ không phải do thất bại của người khác.
gap kinh ngu nguyen huu kim son cho du ai noi gi ve chi anh vien minh cung khong quan tam - anh 0
Được biết, để đi đến ngày hôm nay, bạn đã phải đối mặt với rất nhiều cơn sóng dữ. Bạn đã vượt qua những khó khăn này như thế nào?
Bên cạnh những người có thành kiến với mình thì có rất nhiều người muốn mình gặt hái được thành công như các thầy cô huấn luyện viên, gia đình, bạn bè... Ngoài ra, trong khoảng thời gian mình suy sụp nhất, mọi người luôn ở bên cạnh an ủi, cổ vũ và tiếp sức cho mình. Cũng nhờ những tình cảm ấy mà mình đã vượt qua mọi khó khăn để đi đến ngày hôm nay.
So sánh khoảng thời gian đó và cảm xúc bây giờ khi nhìn lại, có điểm gì khác nhau?
Thật sự là khác nhau nhiều lắm. Vào năm 2019, năm mình quyết định dừng sự nghiệp bơi lội, mình đã bị thầy huấn luyện viên trưởng đuổi ra khỏi đội tuyển. Lúc đó mình hụt hẫng nhiều hơn là buồn bã, thất vọng vì thầy từng rất quan tâm mình nhưng không hiểu vì lí do gì đã khiến thầy đưa ra quyết định như vậy.

Khoảng thời gian đó mình còn gặp phải một số vấn đề với nhà trường, việc này khiến mình cảm thấy như thể tất cả mọi thứ đều đang chống lại mình.

Năm 2019 cũng là năm thứ 2 mình tham gia SEA Games nhưng với thành tích đạt hạng 3, mình đã không bảo vệ thành công ngôi vô địch. Trước kết quả đó, mình rất buồn, nhưng đồng thời cũng thất vọng về bản thân vì đã không cố gắng hết sức ở cự ly 400m hỗn hợp.

Nhưng bây giờ nghĩ lại thì mình có cái nhìn khách quan hơn. Mình cảm thấy những vấn đề đó thật sự không là gì hết, phần nhiều cũng vì mình đã vượt qua. Hơn hết, nếu mình cứ day dứt sống trong quá khứ thì mình sẽ không tiến bộ và thành công được, vì thành công là rút ra được bài học từ những thất bại.

"Singapore rất sợ Việt Nam"

Một ngày luyện tập của bạn thường diễn ra như thế nào?
Ở Việt Nam, buổi tập của mình thường diễn ra từ 7h30 sáng đến 5h chiều. Cụ thể, lịch tập buổi sáng kéo dài đến 11h, buổi chiều bắt đầu từ 2h30. Trong quá trình luyện tập có bao gồm cả thực hành bơi và các bài tập khởi động. Ngoài ra, vì môn bơi đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng cũng như độ dẻo dai nên mình thường tập trung nhiều vào việc ép dẻo.

Khi tham dự tập huấn ở Hungary, thời gian tập luyện bắt đầu sớm hơn một chút, song lại kết thúc sớm hơn. Vì vậy, trong khoảng thời gian rảnh ở đây, mình hay tranh thủ trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ, cả tiếng Anh và tiếng Hungary. Đồng thời nghiên cứu những kiến thức liên quan đến bơi lội, ví dụ như các kỹ thuật bơi hay các loại thực phẩm cần thiết nhằm phục vụ tốt cho việc bơi lội. 
Có yêu cầu cụ thể nào về dinh dưỡng cho các vận động viên bơi lội để duy trì thể hình cũng như đảm bảo trạng thái hoàn hảo cho cơ thể?
Đương nhiên là có. Nhìn chung, tất cả các môn thể thao đều đặt ra yêu cầu cho các vận động viên là không sử dụng các thực phẩm chứa chất cồn, chất kích thích hoặc không rõ nguồn gốc.

Về việc uống thì mình nghĩ không nên uống quá nhiều nước tăng lực và các thức uống có gas vì nó có chứa axit, gây mỏi cơ. Bản thân mình cũng không uống được nước có gas và cả rượu bia mà chỉ uống được nước trái cây, nước lọc. 

Trong việc ăn thì mình hạn chế những thực phẩm chiên, đồ nguội. Riêng đồ chiên chắc chắn sẽ gây tăng cân, còn đồ nguội nếu không chế biến kỹ thì dễ gây đau bụng. Những bạn nào thừa cân hay đang ép cân thì càng không nên đụng vào các ăn này.

Thay vào đó, nên ăn nhiều trái cây, đặc biệt là chuối vì chuối phù hợp cho các vận động viên phải tập luyện trong thời gian dài. Ngoài ra chuối có hàm lượng dưỡng chất giúp điện giải khi bị chuột rút và giúp bù đường, nước muối. Mình cũng thường pha chanh muối để uống vì nó có chất điện giải, giúp duy trì thể lực tốt và không chuột rút.

Bên cạnh đó, còn cần tránh ăn rau muống, nước cốt dừa, cà pháo và măng. Đây là 4 thực phẩm đỏ đối vận động viên bơi đường dài hoặc các vận động viên trong khi bơi cần sử dụng đến cơ và sức mạnh.
Bạn đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam?
Mọi thứ đều đang diễn ra rất tốt. Đoàn bơi Việt Nam vừa chuyển đến khách sạn vào ngày 12/5/2022 để chuẩn bị đến 14/5 thì sẽ chính thức thi đấu. Mọi thứ đều được phục vụ chu đáo từ các bạn tình nguyện viên đến đường sá, phương tiện di chuyển, chỗ ở.

Thật sự khâu tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam rất đáng khen vì không để xảy ra bất kỳ vấn đề gì. Mình cũng có hỏi các bạn nước khác thì mọi người nhận xét mọi thứ rất tốt và không có ý kiến phàn nàn nào.
gap kinh ngu nguyen huu kim son cho du ai noi gi ve chi anh vien minh cung khong quan tam - anh 0
Đây là lần thứ ba tham dự SEA Games, bạn cảm thấy như thế nào?
Thật sự mà nói, mình cảm thấy bản thân khá “già”. Mình không tin đây đã là kỳ SEA Games thứ 3 mình tham dự. Mình muốn mình và tất cả vận động viên đều cố gắng hết sức ở kỳ SEA Games này vì đây là lần đầu sau gần 20 năm SEA Games một lần nữa được tổ chức ở Việt Nam.

Riêng bản thân mình cũng sẽ thi đấu hết mình vì không dễ gì để tham dự SEA Games và không phải ai cũng có cơ hội trở thành 1 trong 2 vận động viên đại diện tranh đấu cho cự ly ở bộ môn bơi lội.
Sự vắng mặt của kình ngư Ánh Viên sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích đội tuyển cũng như toàn đoàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc áp lực giành huy chương sẽ đặt nặng lên vai các bạn. Về vấn đề này, bạn có nhận định gì?
Theo mình được biết, 100% số huy chương vàng ở SEA Games bơi lội Việt Nam, đều thuộc về VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên. Chỉ bao nhiêu đó thôi đã đủ chứng minh tầm quan trọng của chị Viên đối với đoàn bơi Việt Nam.

Mình rất phục chị Viên vì chị rất giỏi, không chỉ trong 1 kỳ SEA Games mà là cả quá trình thi đấu và luyện tập. Cho dù bây giờ ai nói gì về chị Viên, mình cũng không quan tâm vì chị đã làm rất tốt và rất giỏi ở vai trò của mình, vì phía đội nữ, 100% số huy chương vàng bơi lội SEA Games đều là do chị Viên mang về.

Phía nam có thể là mấy chục phần trăm là anh Phước, mấy chục phần trăm là anh Hoàng, mấy chục phần trăm là mình, mấy chục phần trăm là anh Việt, mấy chục phần trăm là Hưng Nguyên. Nhưng nữ chỉ có 1 cái tên là Nguyễn Thị Ánh Viên và không ai có thể vượt qua cả.

Đương nhiên, điều này cũng gây áp lực lên những người đang muốn bảo vệ ngôi vị ở SEA Games, vì bơi Việt Nam có chị Viên cộng vào là 8 HCV thì mình có thể ngang ngửa với Singapore. Singapore rất sợ Việt Nam ở môn bơi vì bơi là môn thể thao mũi nhọn của họ. Việt Nam và Singapore là 2 nước tranh đua với nhau và không nước nào trong khu vực có thể qua được.

Nhưng đợt này không có chị Viên thì mình nghĩ khá là khó vì Singapore còn có nhiều đối thủ mạnh khác. Song song với đó còn có nhà vô địch Olympic 2016. Chưa kể, những vận động viên Singapore hạng nhì, chỉ xếp sau chị Viên ở những kỳ đại hội trước có thể sẽ lên nắm HCV.
Với thành tích 15 phút 27 giây 31, đồng thời mang về tấm HCB cho đoàn Việt Nam ở nội dung 1500m, bạn cảm thấy như thế nào?
Vì bơi đường dài nên sau khi hoàn thành đường bơi, mình gần như cạn kiệt sức lực. Ngoài ra, dù giành được HCB nhưng do thành tích này vẫn chưa đủ tốt đối với mình nên mình thật sự không quá hài lòng.
Cuối cùng, bạn có gì muốn nhắn gửi đến các vận động viên Việt Nam tham dự SEA Games 31 cũng như các cổ động viên trên cả nước?
Bên cạnh lời cổ vũ, hy vọng tất cả vận động viên Việt Nam đều đạt được thành tích tốt ở các môn thi, mình mong mọi người có thể đặt an toàn của bản thân lên hàng đầu trong khi thi đấu.

Sau vài ngày diễn ra đại hội, mình có thấy thông tin về một số VĐV gặp chấn thương. Chấn thương thường mất nhiều thời gian để phục hồi và khó quay lại thời kỳ đỉnh cao do nguy cơ gặp ám ảnh về nó.

Đồng thời, mình xin gửi lời cảm ơn đến các cổ động viên đã luôn đồng hành và tiếp lửa cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, mình mong rằng các bạn khi đến xem thi đấu hãy tuân thủ quy tắc 5K cũng như giữ gìn vệ sinh chung, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Cảm ơn Kim Sơn về những chia sẻ của bạn cùng ! Chúc bạn đạt được thành tích tốt tại SEA Games 31 và tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong sự nghiệp bơi lội.

SEA Games 31 (Đại hội Thể thao Đông Nam Á) là sự kiện thể thao đa môn được diễn ra tại Hà Nội trong khoảng thời gian từ ngày 12/5 đến hết ngày 23/5. Tại SEA Games 31, có 40 môn thể thao sẽ được tổ chức thi đấu. Đây là lần thứ hai Hà Nội đăng cai SEA Games kể từ năm 2003.

gặp nam thần cầu lông Phạm Hồng Nam, nghe chuyện cực phẩm chuẩn bị SEA Games 31

'Nữ cường' Nguyễn Thị Huyền: Bà mẹ một con cùng câu chuyện cổ tích tại SEA Games

Dương Thuý Vi giành HCV lần thứ 5 tại SEA Games

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ