Động thái mới nhất của Ánh Viên khi gửi đơn lên Tổng cục TDTT xin nghỉ tuyển quốc gia và giải nghệ ở tuổi 25.
Việc "kình ngư" Ánh Viên từ giã sự nghiệp thi đấu và giải nghệ ở thời điểm có lẽ là quá sớm như vậy không khỏi gây tiếc nuối cho người hâm mộ thể thao. Nhiều thông tin "suy đoán" việc Ánh Viên xin nghỉ tuyển được cho là do ảnh hưởng bởi phong độ thi đấu giảm sút và thu về những thành tích không được như mong đợi tại Olympic 2020 vừa qua. Thành tích gần đây của Ánh Viên nhận lại nhiều chỉ trích đáng buồn nhưng nhìn lại những đóng góp mà "cô gái thép" đã cống hiến cho thể thao Việt Nam là không thể đong đếm hết.
Từ con rạch nhỏ trước nhà hoá thành "kình ngư" SEA Games
Từ việc "bất đắc dĩ" tham gia cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng năm 2007 tại khúc sông Cái Răng, Ánh Viên bén duyên với sự nghiệp bơi lội và chính thức bước vào con đường huấn luyện chuyên nghiệp tại Quân khu 9 năm 2008. Khổ luyện xa gia đình và những đánh đổi Ánh Viên bỏ ra xứng đáng giúp cô có được những thành tích đáng ngưỡng mộ khi tham gia những sân chơi thể thao lớn trong khu vực.
Tham gia SEA Games 26 khi chỉ mới 15 tuổi, Ánh Viên đã giành được 2 HCB ở nội dung 100 m bơi ngửa và 400 m hỗn hợp.
Tại SEA Games 27 diễn ra ở Mianma năm 2013, Ánh Viên giành được 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ và được bình chọn là gương mặt "Ấn tượng vàng SEA Games 27" khi phá 2 kỷ lục SEA Games ở các cự ly 200 m ngửa với thành tích là 2 phút 14 giây 80 và 400 m hỗn hợp với thành tích 4 phút 46 giây 16.
Tại "đường đua xanh" ở SEA Games 28, Ánh Viên đã phá kỷ lục về số HCV cá nhân trong 1 kỳ SEA Games của cựu VĐV Jescelin Yeo (Singapore) năm 1993 và Tao Li (Singapore) năm 2011. Với thành tích ấn tượng đạt được giúp cô trở thành VĐV tiêu biểu nhất của đoàn Việt Nam tại SEA Games 28.
Tại SEA Games 29, "tiểu tiên cá" Ánh Viên khi đó là Đại uý quân nhân chuyên nghiệp được cộng đồng báo chí nước ngoài dành nhiều sự quam tâm đặc biệt. Đăng kí thi đấu ở 14 nội dung, Ánh Viên giành 8 HCV, 2 HCB và xuất sắc với 8 kỉ lục được phá tại SEA Games 29.
Trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có trích dẫn những mĩ từ mà báo quốc tế dành cho tài năng Ánh Viên: "Swim Swam đưa tin 'Ánh Viên của Việt Nam vẫn cho thấy phong độ rất ấn tượng', trang Asiancorrespondent đưa dòng tít: 'Nguyễn Thị Ánh Viên tạo ra cơn địa chấn ở SEA Games...' hay trang Daily Mail (Anh) viết có đoạn: 'Kình ngư số 1 Việt Nam làm dậy sóng đường đua xanh ở Malaysia...".
SEA Game 30 diễn ra tại Philipines, Ánh viên không thể tái lập thành tích 8HCV như 2 kì đại hội trước khi giành về 6 HCV, 2HCB và không có kỉ lục nào được lập nhưng Ánh Viên vẫn nhận phần thưởng dành cho VĐV đoạt nhiều HCV nhất tại lễ bế mạc SEA Games 30.
Tại Đại hội thể thao trẻ châu Á, Ánh Viên mang về hoàng loạt thành tích cho đoàn thể thao Việt Nam:
- Năm 2013 giải Vàng môn bơi 50 m ngửa tại Nam Kinh
- Năm 2013 giải Vàng môn bơi 200 m ngửa tại Nam Kinh
- Năm 2013 giải Vàng môn bơi 200 m hỗn hợp cá nhân tại nam Kinh
- Năm 2013 giải Bạc môn bơi 100m ngửa tại Nam Kinh
Dấu chân thành tích của Ánh Viên cũng được ghi dấu tại những đấu trường thể thao quốc tế khác như đoạt 4 HCV, 2 HCB, phá cự ly hỗn hợp 400m tại giải bơi hỗn hợp tại Giải bơi mùa xuân bang Florida, Mỹ năm 2014 hay tại Giải bơi lội Arena Pro Swim Series 2017 diễn ra tại Atlanta (Mỹ), kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên giành được huy chương bạc tại nội dung thế mạnh 400m hỗn hợp cá nhân nữ với thành tích 4 phút 45 giây 25.
Cấp quân hàm, khen thưởng cho những thành tích vinh quang mà Ánh Viên đem về cho thể thao Việt Nam
Nguyễn Thị Ánh Viên được Trung tâm Thể dục Thể thao quốc phòng 4 (Quân khu 9) "chiêu mộ" và đào tạo từ năm 10 tuổi. Qua thời gian dài khổ luyện không chỉ xác lập những kỷ lục mới cho làng bơi nội Việt Nam, Ánh Viên còn liên tục được đặc cách phong quân hàm nhờ thành tích đặc biệt xuất sắc.
Tháng 8.2013 Ánh Viên được Bộ trưởng Bộ quốc phòng ký quyết định chuyển chế độ phục vụ từ công nhân viên quốc phòng sang quân nhân chuyên nghiệp và phiên quân hàm Thượng úy Quân nhân chuyên nghiệp khi chưa đầy 17 tuổi.
Năm 2014, khi ấy cô mới 18 tuổi, sau khi đạt nhiều thành tích tại SEA Games 27 và giành về hàng loạt huy chương tại các giải đấu quốc tế khác, Ánh Viên được Bộ tư lệnh Quân khu 9 tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Bộ quốc phòng thăng quân hàm từ Thượng úy lên Đại úy trước niên hạn. Cho đến hiện tại Nguyễn Thị Ánh Viên - Nữ kình ngư số một Việt Nam đang mang quân hàm Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp.
Ánh Viên ngoài là một VĐV, cũng là một quân nhân trẻ, còn nhiều cơ hội phát triển đang chờ phía trước. Trong quân đội luôn tạo mọi điều kiện để cô được học tập, rèn luyện và phát tiển cũng như đóng góp cho phong trào thể thao toàn quân.
Kình ngư số 1 "đường đua xanh"- tìm người thay thế quả thực không dễ
Ông Đinh Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước thẳng thắn quan điểm: "Lúc này chưa ai có khả năng thay thế được Ánh Viên".
Tại Thế vận hội Olympic 2020 vừa qua, Ánh Viên nhận lại nhiều chỉ trích khi có những thành tích đáng buồn thậm chỉ là bị bỏ xa với các đối thủ "đàn em". Nhưng có một điều chúng ta cần phải biết rõ rằng phong độ của một nữ VĐV bơi lội thường giảm sút sau tuổi 23. Báo Quân đội Nhân dân trích dẫn: "Ngay cả Katie Ledecky, kỷ lục gia bơi lội Mỹ cũng đang trên đà thoái trào ở tuổi 24.
Tại Olympic Tokyo 2020, cô đã để tuột mất tấm huy chương vàng ở nội dung bơi tự do 400m sở trường và chỉ về nhì với thời gian 3 phút 57 giây 36... Đàn chị của Ledecky ở đội tuyển bơi lội Mỹ, Missy Franklin mới 26 tuổi nhưng đã giải nghệ 3 năm trước, lập gia đình và chuẩn bị sinh con. Ye Shiwen, nàng tiên cá của bơi lội Trung Quốc bằng tuổi Ánh Viên nhưng không có danh hiệu quốc tế nào trong 2 năm qua".
Đấu trường thể thao thế giới thực sự là quá mạnh và thách thức đội ngũ cũng như năng lực của thể thao Việt Nam rất nhiều. Kể cả khi Ánh Viên đang ở thời kì phong độ đỉnh cao cũng không dễ dàng gì để cạnh tranh huy chương tại những sân chơi thể thao lớn như Olympic.
Việc một VĐV duy trì thành tích trong thời gian dài là rất khó, ai rồi cũng có một "thời hoàng kim" để nhắc lại, vì thế thay vì chỉ trích thậm tệ hãy nhìn lại những đóng góp mà "tiểu tiên cá" đã cống hiến cho thể thao Việt Nam những năm qua. Và trên con đường tiếp theo, dù rời tuyển Việt Nam, giã từ sự nghiệp thi đấu thể thao nhưng hãy ủng hộ cho cô gái nhỏ với những dự định và hoài bão mới.
Nguồn: TH&PL