Đó là lời thỉnh cầu của nhiều người dùng mạng xã hội khi chứng kiến câu chuyện xúc động của Q.T kể về việc bố mình bị bom hàng vào những ngày gần Tết.
Câu chuyện "bom hàng" shipper chưa từng là một câu chuyện mới nhưng nó luôn là một đề tài nóng mà ai cũng ra sức đấu tranh, kêu gọi để bài trừ "văn hoá bom hàng".
Những ngày gần Tết, shipper lại thêm bận rộn với mớ hàng hoá tồn kho từ những đợt siêu sale trong mùa dịch. Họ luôn trong trạng thái hoạt động hết công suất để kịp mang hàng hoá đến cho khách hàng, đồng thời cũng là để kiếm thêm thu nhập để đón một cái tết ấm no trong những ngày cận Tết. Tuy nhiên, trong quá trình giao hàng khó khăn shipper luôn rơi vào trạng thái khốn đốn khi phải gặp những "thượng đế bom hàng".
"Ăn đi con, bị bom"
Những lần rong ruổi ngoài đường để mua và giao hàng hoặc vận chuyển hàng hóa thường tốn rất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều lúc người giao hàng còn phải tự bỏ tiền túi để mua hàng trước khi nhận lại đúng số tiền đó sau khi đã giao hàng thành công. Thế nhưng nhiều người vẫn cảm thấy thích thú khi đặt hàng xong rồi "biệt tăm biệt tích".
Mới đây, trên mạng xã hội lại chia sẻ rầm rộ một câu chuyện từ bạn Q.T, khi có bố làm shipper nhưng bị bom hàng với 5 đơn gà rán khiến nhiều người bức xúc.
Cụ thể, câu chuyện của Q.T đăng tải như sau:
"Em biết trong group ít nhiều cũng sẽ có nhiều anh chị làm shipper. Em biết nghề shipper cực nhưng mưu sinh thì chấp nhận điều đó. Nhà em không khá giả gì, mẹ đi giúp việc, ba chạy shipper, em cũng phụ giúp ba mẹ đi làm kiếm thêm tiền.
Ba em từ lúc làm shipper đến giờ toàn thức 4-5h sáng chạy đi giao hàng, về nhà tối toàn 10-11h, hiếm bữa về nhà sớm ăn cơm cùng gia đình. Cũng sắp Tết rồi, ai cũng muốn có Tết ấm no cả. Ba cũng cố bỏ nghỉ trưa để mà kiếm thêm.
Những ai làm shipper chắc cũng hiểu 1 đơn hàng giao thành công không nhận được bao nhiêu cả, nhưng đó đều là sự cố gắng. Nhưng mà em không hiểu sao lại có những người thất đức đi bom hàng như vậy.
Đây không phải 1 lần hay 2 lần. Ba em toàn nói dối là được người ta cho, nhưng em nhìn là em biết ngay, xót chứ đúng không ạ.
Nay em đi làm từ sáng đến tối mới được về, về nhà 2 cánh tay rã rời. Vừa mở tủ ra thì thấy túi hàng này, em bật khóc hẳn, mọi người có thể nói em mắc gì khóc, em khóc vì em thương ba mình, cực khổ đã đành, còn gặp gì đâu. Trong ảnh là tận 5 phần gà, em có tra giá gần 70k 1 phần, chúng nó bom tận 5 phần. Gần Tết rồi, sao người ta ác quá".
Ngay khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc và đồng cảm với câu chuyện của N.T. Nhiều shipper đồng lòng cho rằng, trong tất cả các loại boom hàng thì sợ nhất bị boom thực phẩm, vì chẳng thể trao trả lại được, hoặc phải cố nuốt số tiền mà mình đã bỏ ra.
Nhắc đến "bom hàng", nhiều người lại nhớ ngay đến những câu chuyện trước đây được chia sẻ trên mạng xã hội: anh shipper ngậm ngùi đem bốn ly trà sữa về nhà khoe với vợ rằng được khách tặng; có người đã phải tự "thưởng thức" 12 ổ bánh mì, hay ăn pizza trong nước mắt,... Người dùng mạng ai nấy cũng phẫn nộ sau khi đọc những mẩu chuyện như thế này.
Sao không san sẻ cho nhau những cái tết ấm no...
Thời điểm cận Tết, cũng là lúc nhiều người tất bật với cuộc sống để có thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Đồng thời lời kêu gọi "Gần Tết rồi, xin hãy tử tế với nhau" trở thành khẩu hiệu để chúng ta lan toả tinh thần yêu thương và mong ai cũng có một năm mới ấm no, hạnh phúc.
"Có những lúc làm về hơi khuya, bắt grab hay qua cửa hàng tiện lợi mua đồ cũng là lúc mình thấy mấy anh shipper với mấy bạn nhân viên vẫn đang làm việc dù đã trời khuya. Ở những con đường thế này, giả sử gặp người đang hoàng thì mình không nói chứ nhiều vụ cướp bóc, rồi nguy hại đến tính mạng không hề thiếu. Khá nguy hiểm nhưng đồng lương cũng không quá nhiều. Không vì mưu sinh chẳng ai làm những công việc này đâu...", một bình luận để lại bày tỏ sự đồng cảm trước câu chuyện của Q.T.
Thế mới thấy, nhiều người vẫn chưa thật sự có ý thức trong việc sử dụng các loại dịch vụ giao hàng. Nhất là khi những hình thức xử lý như khóa tài khoản bùng hàng lại không thể ngăn chặn triệt để những cá nhân này thực hiện hành vi tương tự trong tương lai.
Đừng chỉ vì quá thích một món hàng nên đặt thử cho vui rồi không nhận. Hãy nắm chắc khả năng tài chính của của bản thân trước khi nhấn nút đặt hàng. Điều quan trọng nhất là phải có trách nhiệm với hành động của mình để tránh những trường hợp "bom hàng" làm thiệt hại về thời gian và tiền bạc với những người làm ăn chân chính.
Tết đến rồi, hãy đối xử tử tế với nhau
Nguồn: TH&PL