Đừng để sự ích kỷ của cá nhân ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong những ngày vừa qua, hình ảnh những anh bộ đội tay xách nách mang những giỏ lương thực, rau củ đi đến từng ngóc ngách của thành phố để giao thực phẩm thật khiến mọi người cảm động. Nhất là trong những ngày Sài Gòn đổ mưa, hình ảnh những chiến sĩ áo xanh đội mưa vượt gió càng khiến mọi người trân trọng những bó rau, con cá mà các anh mang đến.
Thế nhưng trong thời gian gần đây, thông tin về việc các anh chiến sĩ bị "bom hàng" xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến bức xúc của cộng đồng mạng. Trước những anh bộ đội, các tình nguyện viên cũng đã từng gặp những trường hợp bùng hàng tương tự.
Những món hàng được các anh chiến sĩ chọn lựa cẩn thận, sắp xếp và di chuyển trong thời gian hàng tiếng đồng hồ lại bị từ chối nhận thẳng thừng chỉ vì lý do muốn "đặt thử xem có thật không". Một lý do mà khi nghe ai cũng phải thốt nên bốn chữ "lạnh lùng" và "vô tâm". Sự thiếu ý thức của nhiều người trong tình huống này nhận được vô số chỉ trích từ người dùng mạng xã hội.
Hành động "bom hàng" không chỉ làm tổn thất về tiền bạc, thời gian mà còn làm vất vả thêm công tác phòng chống dịch bệnh của cả nước. Những chiến sĩ bộ đội tham gia phòng chống dịch đã bỏ rất nhiều công sức để hoàn thành từng đơn hàng. Do đó, việc bùng hàng với những lý do không thể chấp nhận như thế này cần phải chấm dứt, để những món hàng đến được với những người dân gặp cảnh gặp khó khăn.
Trước giãn cách, người ta còn "bom hàng" nhiều hơn thế!
Quay về thời gian trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chuyện bùng hàng đã có từ rất lâu và càng xuất hiện nhiều hơn sau khi các trang mua hàng trực tuyến ra đời. Việc đặt hàng nhưng không nhận này chắc chắn gây ra nhiều thiệt hại, trong đó không thể không kể đến những có những người làm nghề giao hàng.
Những lần rong ruổi ngoài đường để mua và giao hàng hoặc vận chuyển hàng hóa thường tốn rất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều lúc người giao hàng còn phải tự bỏ tiền túi để mua hàng trước khi nhận lại đúng số tiền đó sau khi đã giao hàng thành công. Thế nhưng nhiều người vẫn cảm thấy thích thú khi đặt hàng xong rồi "biệt tăm biệt tích".
Nhắc đến "bom hàng", nhiều người lại nhớ ngay đến những câu chuyện trước đây được chia sẻ trên mạng xã hội: anh shipper ngậm ngùi đem bốn ly trà sữa về nhà khoe với vợ rằng được khách tặng; có người đã phải tự "thưởng thức" 12 ổ bánh mì, hay ăn pizza trong nước mắt,... Người dùng mạng ai nấy cũng phẫn nộ sau khi đọc những mẩu chuyện như thế này.
Ý thức mua hàng cần được nâng cao
Thế mới thấy, nhiều người vẫn chưa thật sự có ý thức trong việc sử dụng các loại dịch vụ giao hàng. Nhất là khi những hình thức xử lý như khóa tài khoản bùng hàng lại không thể ngăn chặn triệt để những cá nhân này thực hiện hành vi tương tự trong tương lai.
Để trở thành người mua hàng có văn hóa, người sử dụng các dịch vụ mua bán trực tuyến trước hết phải tự nâng cao ý thức bản thân. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người làm nghề shipper, phải vượt đường xá xa xôi, bất kể nắng mưa để hiểu được những khó khăn trong nghề và trân trọng hơn công sức của mà họ phải bỏ ra.
Đừng chỉ vì quá thích một món hàng nên đặt thử cho vui rồi không nhận. Hãy nắm chắc khả năng tài chính của của bản thân trước khi nhấn nút đặt hàng. Điều quan trọng nhất là phải có trách nhiệm với hành động của mình để tránh những trường hợp "bom hàng" làm thiệt hại về thời gian và tiền bạc với những người làm ăn chân chính.
Đặc biệt là trong thời điểm này, ý thức của người dân cần được nâng cao hơn để hiện tượng "bom hàng" không còn diễn ra. Các chiến sĩ bộ đội luôn sẵn sàng trong công việc hỗ trợ người dân. Do đó, mọi người hãy hợp tác với các anh để những gói lương thực được đến tay người dân một cách nhanh nhất.
Nguồn: TH&PL