Theo PGS.TS Nguyễn Phương Mai, những quan điểm trên là cách vơ đũa cả nắm, quy chụp đàn ông.
Vụ hai nghệ sĩ Việt bị tố xâm hại tình dục cô gái người Anh 17 tuổi ở Tây Ban Nha thời gian qua được nhiều người quan tâm. Không chỉ giới truyền thông, nhiều người Việt, các chuyên gia cũng đặc biệt chú ý về vấn đề này.
Nội dung liên quan
PGS.TS Nguyễn Phương Mai - Giảng viên, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực giao tiếp, quản trị đa văn hóa tại Khoa Kinh tế thuộc trường ĐH Khoa Học Ứng Dụng Amsterdam, Hà Lan cũng có chia sẻ về vụ việc này. Theo đó, cô cho biết hiện tại không nên kết tội vội vàng, với cả 2 nghệ sĩ lẫn cô gái liên quan.
Với cô, điều đáng sợ nhất là những phát ngôn của một số người làm nghệ thuật cho rằng "đàn ông mà không chơi gái mới là lạ" (ca sĩ Pha Lê) và "đi Tây đàn ông nào chẳng muốn thử dâu ngô" (NSƯT Kiều Thanh).
PGS.TS Nguyễn Phương Mai nêu quan điểm: "Nếu là một người đàn ông văn minh, hiếm ai có thể thấy những phát ngôn trên ổn thoả.
Trước hết, đó là cách vơ đũa cả nắm, gộp mấy chục triệu đàn ông Việt Nam vào một rọ. Phát ngôn ấy cho rằng sự lang chạ, ngoại tình, ăn vụng bên ngoài, đi tìm của lạ là một phần bản chất của tất cả đàn ông. Ai không có chắc có lẽ không phải đàn ông đích thực.
Nội dung liên quan
Đó cũng là tư tưởng coi thường đàn ông, đặt họ ở tầm bản năng thay vì bản lĩnh, nhìn họ như những con đực đói sex. Nó gạt ra ngoài những người đàn ông văn minh, chung thủy, những người đàn ông theo đuổi những giá trị khác biệt hơn là sự phồn thực nông nổi của thịt da.
Nó cũng gạt ra ngoài những người đàn ông trưởng thành, chín chắn, có lý trí, có khả năng kiểm soát bản thân, biết nhìn nhận ham muốn nhưng cũng biết điểm dừng để tôn trọng chính mình và những người mình yêu thương".
Cô chia sẻ, là con người, chúng ta ai cũng có những góc khuất, những ý nghĩ tội lỗi, những khi phần "con" chiến thắng phần "người". Sự trà xanh, tiểu tam hay đi tìm của lạ cũng vậy. Một khi không có sự đồng thuận của bạn tình hay vợ chồng thì đó là sự lừa dối. Mà lừa dối là sai.
Nội dung liên quan
"Ta có thể lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông. Đôi khi ta thậm chí có thể im lặng và che giấu cho một người lang chạ. Ta làm được bởi ta hiểu mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Bởi ta hiểu những lắt léo của mỗi phận người. Bởi ta hiểu chính ta cũng sẽ có lúc yếu lòng hoặc lầm lỗi. Bởi ta biết không ai là hoàn hảo.
Nhưng sai vẫn là sai.
Ta không nên biến sai thành đúng, biến đen thành trắng, bình thường hoá chuyện lang chạ, bình thường hoá chuyện lừa dối, đổi màu cái sự thử của lạ và gian dâm thành một nét văn hoá (đàn ông), đổi màu sự bê tha, buông thả thành bản chất giống loài (đàn ông), đánh tráo khái niệm để định nghĩa lại thế nào là con người có lý trí", nữ chuyên gia bày tỏ.
Theo cô, cách dễ dàng để nhìn ra định kiến giới là hoán đổi giới tính. Thử hỏi, có nghệ sĩ nổi tiếng nào dám tuyên bố rằng trăng hoa bên ngoài là văn hóa của đàn bà? Rằng phụ nữ ở nhà ăn khoai lang mãi cũng chán nên đi nước ngoài bà nào chả muốn thử của lạ?
Đàn ông cũng là người. Bản chất của chữ "đàn ông" không nhất thiết phải là xấu xí. Họ xứng đáng được tôn trọng và đánh giá theo một thang điểm công bằng và văn minh hơn.
Ý kiến của PGS.TS Nguyễn Phương Mai nhận được nhiều sự đồng tình từ cộng đồng mạng. Bài đăng của cô nhanh chóng tăng vọt lượt tương tác, số người chia sẻ cũng lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.
Nguyễn Phương Mai đã có một thời gian dài làm báo trước khi bước vào sự nghiệp học thuật. Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục viết trong các cuộc hành trình tới nhiều nơi trên thế giới với tư cách nhà báo tự do. Cô là tác giả của hai cuốn sách Tôi Là Một Con Lừa và Con Đường Hồi Giáo xuất bản tại Việt Nam.
Nguồn: TH&PL