Tuyến nhân vật nữ trong Đêm Tối Rực Rỡ! luôn là gam màu đặc trưng tạo nên sức hút riêng biệt cho bộ phim.
Trong thời gian gần đây, Đêm Tối Rực Rỡ! (The Brilliant Darkness!) mang đến nhiều cảm xúc bất tận cho từng "vị khách" tham dự đám tang của ông Sang. Không quá phô trương - truyền thông, quảng bá không "rực rỡ" như cái đám tang rùm beng đậm chất miền Nam, thế nhưng nội dung mà Đêm Tối Rực Rỡ! xây dựng phải khiến người xem nghẹt thở, lắng đọng qua từng phút giây trải nghiệm cái đám tang có một không hai.
Và với sự thành công của bộ phim, không thể không nhắc đến tuyến nhân vật nữ - những hình tượng phụ nữ điển hình trên màn ảnh Việt thúc đẩy cảm xúc, xây dựng cao trào của Đêm Tối Rực Rỡ!.
Đêm Tối Rực Rỡ! "tượng hình" kiểu người phụ nữ trên màn ảnh Việt
Xuất thân là một người nước ngoài "đặt chân" đến ngành điện ảnh Việt - trước đó là thành công của Em Chưa 18, nhưng đạo diễn Aaron Toronto cũng thấu cảm được mọi ngóc ngách cảm xúc của từng nhân vật thông qua sự hỗ trợ của vợ mình, diễn viên chính kiêm biên kịch của Đêm Tối Rực Rỡ! - Nhã Uyên. Với góc nhìn phương Tây qua lăng kính Á Đông, cả hai tạo ra hai gam màu xanh - đỏ vô cùng đặc trưng, đơn giản nhưng bao quát, "tượng hình" được kiểu người phụ nữ trên màn ảnh Việt và cả bên ngoài xã hội.
Nhắc đến tuyến nhân vật nữ trong Đêm Tối Rực Rỡ! không thể bỏ lỡ người mẹ mắc bệnh tâm lý Xuân Thanh (do Nhã Uyên thủ vai) - nhân vật tạo nên nhiều bàn luận cho khán giả sau hồi kết của bộ phim. Là nạn nhân điển hình của nạn bạo lực gia đình, Xuân Thanh tự bóc tách lớp vỏ cảm xúc của mình qua từng giai đoạn, bởi sự tác động từ chính gia đình của cô trong Đêm Tối Rực Rỡ!.
Chịu sự ảnh hưởng tâm lý bởi cha của mình - ông Toàn (do Kiến An thủ vai), "mầm mống" đó dần hình thành và lan rộng đến khi Xuân Thanh lập gia đình và có một mái ấm nhỏ. Dù "điện ảnh hóa" sự tổn thương bởi bạo lực gia đình, đâu đó Xuân Thanh cũng "bóp nghẹn" cảm xúc của người xem qua từng phân cảnh.
Hay bà Gái (do Phương Dung thủ vai) - hình tượng người mẹ, người vợ thường thấy trong những gia đình ở các quốc gia phương Đông. Với tính cách dĩ hòa vi quý pha chút đồng bóng lòe loẹt, vừa muốn xoa dịu chồng lại muốn an ủi những đứa con chịu tổn thương giống như mình, thế nhưng bà Gái đã vô tình "ươm mầm" cho những hành động độc hại do ông Toàn gây ra.
Luôn tạo vỏ bọc gia đình êm ấm, giàu sang với người ngoài, nhưng sâu bên trong là gốc rễ của nỗi đau, cam chịu và vô vàn những lời đay nghiến thậm tệ. Hình tượng bà Gái đã xoáy sâu vào văn hóa, lối sống của một bộ phận người dân Việt nói riêng, khắc họa góc khuất đang dần lụi tàn bởi "mưu cầu" hạnh phúc gia đình.
Và một nhân vật không thuộc tuyến nhân vật chính nhưng vẫn khiến khán giả ám ảnh là người chị chồng Bích Ngọc (do Diễm Phương thủ vai). Nóng tính, la lối và luôn "phân bì" với em chồng, Bích Ngọc là mảng màu thực sự thú vị trong Đêm Tối Rực Rỡ!. Thú vị đến nỗi, khán giả có thể bắt gặp hình tượng Bích Ngọc ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ ngôi nhà nào có nhiều thế hệ đang chung sống với nhau.
Bắt nguồn từ sự nuông chiều con cái quá mức và nhẫn nhịn của người chồng, Bích Ngọc dần "đắm chìm" vào cái tôi quá cao, đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu mà quên đi bản thân cũng đang sống vì chồng, vì con và cả ngôi nhà mà cô căm ghét.
Cả ba nhân vật Xuân Thanh, bà Gái và Bích Ngọc đều "tượng hình" những hình ảnh quá đỗi quen thuộc trong các gia đình tam đại đồng đường ở Việt Nam. Đặc biệt hơn, khi chính những người phụ nữ này chịu nhiều tổn thương về thể xác lẫn tinh thần, tạo ra những mảng cảm xúc đặc biệt, hòa quyện và đem đến "chất kích thích" cho Đêm Tối Rực Rỡ! - khiến người xem phải suy ngẫm, day dứt về những câu chuyện đã xảy ra trong bộ phim.
Hơn thế, bắt nguồn câu chuyện ở một quốc gia phương Đông, cụ thể là Việt Nam, đạo diễn Aaron Toronto dường như "ngầm hiểu" được những vấn đề xã hội ở Việt Nam xoay quanh người phụ nữ. Từ đó, Aaron Toronto điểm sắc cho từng nhân vật nữ một cách chân thực, quen thuộc đến "nghẹt thở".
Suy cho cùng, gốc rễ khổ đau của người phụ nữ cũng bởi hai chữ cam chịu?
Có thể dễ dàng nhận ra, gốc rễ bi kịch trong gia đình ông Toàn và những người phụ nữ phải nhận lấy đều bắt nguồn từ hai chữ cam chịu. Bà Gái có thể tìm một bến đỗ hạnh phúc mới trong quá khứ, Xuân Thanh có thể bắt đầu một cuộc sống từ lập, rời xa người cha độc hại của mình và Bích Ngọc cũng có thể lựa chọn một nơi ở mới.
Nhưng không, cả ba và những người phụ nữ khác trong gia đình đều chọn "cam chịu" - ở lại ngôi nhà dưới cái bóng của ông Toàn, chịu sự dày vò và tổn thương đến cùng cực. Không chỉ riêng gia đình ông Toàn trên màn ảnh rộng, mà hiện nay một bộ phận gia đình Việt cũng đang chịu hoàn cảnh tương tự. Chính vì lẽ đó, đạo diễn Aaron Toronto mang những bi kịch từ trong những gia đình Á Đông, "điện ảnh hóa" chúng và Đêm Tối Rực Rỡ! là tấm gương phản chiếu lên điều này.
Như lối sống của người phụ nữ Á Đông, cam chịu hay nói "văn vẻ" hơn là "sống vì gia đình" đã trở thành truyền thống qua nhiều thế hệ. Và Đêm Tối Rực Rỡ! chỉ phơi bày nhiều góc khuất trong một gia đình tam đại đồng đường, và cho khán giả nói chung và phụ nữ nhận ra, liệu chúng ta có đang cam chịu không?
Liệu có cần những tác phẩm tương tự mang hình ảnh người phụ nữ như Đêm Tối Rực Rỡ!?
Chủ đề về gia đình, cụ thể hơn là về những góc khuất hạnh phúc hôn nhân, xung đột nhiều thế hệ đã không còn quá xa lạ đối với nhiều khán giả tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Thế nhưng, điều khiến Đêm Tối Rực Rỡ! "vụt sáng" có lẽ là bởi quá chân thực, mà nhiều tác phẩm truyền hình cho đến điện ảnh cũng không dám "đối mặt".
Như tác phẩm truyền hình Gạo Nếp Gạo Tẻ, Hương Vị Tình Thân, Cây Táo Nở Hoa hay dự án điện ảnh Bố Già, tất cả bi kịch đều dừng lại ở mức vừa phải, và người tuyến nhân vật nữ không nhận "cay đắng" quá lớn như trong Đêm Tối Rực Rỡ!. Thế nhưng, cần phải có nhiều tác phẩm như Đêm Tối Rực Rỡ!, xé màn, bóc tách nhiều khía cạnh hơn về tâm lý, cuộc sống của người phụ nữ trong bối cảnh như ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: TH&PL