Giữa làn sóng tranh luận việc đưa Lịch sử thành môn học tự chọn, bà Nguyễn Thị Sơn cũng bày tỏ quan điểm cá nhân.
Thông tin đưa Lịch sử thành môn học tự chọn ở cấp 3 đã làm xôn xao dư luận thời gian qua. Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về quyết định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, phần đông bày tỏ mong muốn vẫn để Lịch sử là môn học chính thức, vì nó cần thiết cho mỗi người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, số khác lại cho rằng quyết định mới này hợp lý và phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế. Một số chuyên gia, người có chuyên môn trong nghề đã lên tiếng về vấn đề này.
Nội dung liên quan
Bà Nguyễn Thị Sơn - "nữ tướng" Sơn Kim Group - gia tộc có tiếng trong giới kinh doanh tại Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Theo đó, bà Sơn cho rằng: "Thật ra việc học lịch sử không chỉ dành cho học sinh mà dành cho toàn xã hội".
Nội dung liên quan
"Trong xã hội ta, những ai thật sự biết, thuộc, và hiểu rõ sử ta? Tôi cho rằng không nhiều. Nên việc phổ biến lịch sử không chỉ là thầy cô giáo trong nhà trường mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, các hội đoàn từ trung ương đến địa phương, các cuốn sách viết về sử học trong các thư viện của quốc gia và các tỉnh thành...", "lão phật gia" Sơn Kim Group chia sẻ.
Theo bà, phim cổ trang Trung Quốc và Hàn Quốc không chỉ phổ biến lịch sử của họ cho người dân của họ mà còn xuất khẩu phim cho toàn thế giới biết. Và bà tin rằng các hãng phim của ta có thể làm được như thế.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Sơn chia sẻ thêm về việc phụ huynh kỳ vọng vào con cái nhiều quá khiến chúng áp lực mỗi lần thi cử.
"Cấp 3 từ lớp 10 đến ngày đi thi tốt nghiệp THPT và thi vào đại học, áp lực thi rất nặng nề. Nhiều lần tôi đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT. Bộ giáo dục không đồng ý và xã hội không phải ai cũng đồng tình.
Vậy nên gọn lại cho học sinh chọn lựa môn học vừa sức để đi thi, để chọn ngành vào đại học. Ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, cũng đã vất vả lắm rồi các bố mẹ ạ", bà Sơn nói.
"Nữ tướng" Sơn Kim Group chia sẻ thêm, việc học sử là việc học suốt đời, bà đã 73 tuổi đến giờ vẫn thỉnh thoảng xem sách sử học để biết sử ta và sự tương quan với sử thế giới.
Nguồn: TH&PL