Phong trào sao kê từ thiện đã bị đẩy lên làm ảnh hưởng đến uy tín của người làm từ thiện. Gốc rễ của vấn đề, theo nhiều chuyên gia, là vẫn chưa có quy định rạch ròi về việc cá nhân làm thiện nguyện.
Vào lúc 14h30 ngày 24/9/2021 đã diễn ra tọa đàm trực tuyến "Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?" do báo Đại Đoàn Kết, cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức. Sự kiện diễn ra với mong muốn tìm hướng đi đúng cho hoạt động từ thiện của cá nhân, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng luật, lan toả điều thiện trong cuộc sống.
Khách mời của chương trình gồm: Ông Lưu Bình Nhưỡng, Tiến sĩ Luật, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội khoá XIV; Đại tá, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh và một số nghệ sĩ thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện nguyện như MC Phan Anh, ca sĩ Thái Thùy Linh,… Đối với ca sĩ Thủy Tiên vì lý do sức khỏe nên đã xin phép vắng mặt tại chương trình dù đã nhận lời trước đó.
Có những người từ thiện cá nhân không hề trục lợi nhưng vẫn là vi phạm pháp luật
Dưới góc nhìn pháp lý, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng từ thiện là một vấn đề liên quan đến tâm đức, nếu con người ta có lòng tốt và làm từ thiện thì đó là một điều vĩ đại. Ông khẳng định: "Chúng ta không chỉ có nột quy định duy nhất về việc làm từ thiện tại Nghị định 68 vào năm 2008 và những ngày qua cũng đã có nhiều ý kiến để sửa đổi. Chúng tôi cũng đã có đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhưng đến bây giờ thì Bộ Tài chính vẫn chưa có thể sửa đổi được".
Cụ thể, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, điều 5 quy định các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, gồm:
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện và bây giờ đã được thay thế bằng nghị định số 93/2019.
- Các cơ quan thông tin đại chúng bao gồm Báo đài hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
Như vậy, ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
Có thể thấy, pháp luật đã có những quy định chặt chẽ về vấn đề này, ngoài ra, theo Nghị định 93 thì các quỹ xã hội từ thiện được quyền tiếp nhận tiền từ thiện và thành lập các quỹ, ví dụ như: quỹ trẻ em, quỹ người nghèo, hay các loại quỹ liên quan đến chất độc màu da cam,v.v… riêng những quỹ này sẽ được hoạt động theo những điều lệ riêng và được nhà nước phê duyệt, công nhận.
Ngoài ra, chúng ta còn có một Nghị định rất quan trọng và đã được Thủ tướng ký vào đó là Nghị định 20 vào ngày 15/3/2021 về vấn đề tổ chức vận động để chúng ta thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cá nhân. Ví dụ cá nhân có thể nuôi những trẻ em mồ côi mà được các tổ chính quyền cho phép thì người ta có quyền để nuôi.
Chia sẻ thêm về cách vận động từ thiện ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết bản thân cũng là một người đi làm từ thiện nhưng sẽ thực hiện theo cách của một người hiểu pháp luật: "Tôi đi làm từ thiện vẫn phải nhân danh người đóng góp tiền và tôi không bao giờ cầm một đồng xu nào.
Các Đại biểu Quốc hội cũng thế, người ta phải dựa vào uy tín để vận động doanh nghiệp, cá nhân để ủng hộ. Ví dụ, chúng tôi có thể xin một lúc mấy chục căn nhà nhưng chúng tôi đề nghị xây nhà tình nghĩa cho bà con ở tỉnh này thì chúng tôi sẽ gặp mặt liên hệ với Mặt trận hoặc đại biểu ở đó để trình bày thì người ta sẽ tiếp nhận, xem xét và tiến hành xây nhà, chứ chúng tôi không bao giờ cầm tiền!"
Chưa cần nói đến vấn đề có trục lợi hay không, việc một cá nhân đứng ra vận động, thành lập một quỹ riêng nhưng chỉ cần thực hiện không đúng với quy định của pháp luật thì nó đã là một vấn đề rồi. Ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: "Có những người không hề có trục lợi nhưng vẫn là vi phạm pháp luật. Lòng tốt nếu thiếu lý trí có thể dẫn đến những hệ quả xã hội, chính lòng tốt đôi khi lại là nguồn nguy hiểm cao độ về vấn đề vi phạm".
Cần xã hội hóa vấn đề làm từ thiện
Về vấn đề pháp lý cho việc làm từ thiện cá nhân, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu những ý kiến như sau:
"Thứ nhất, cần khẳng định làm từ thiện là vấn đề mang tính trách nhiệm xã hội. Tôi cho rằng hiện nay cần phải dựa trên cơ sở uy tín của những người nổi tiếng, tôi rất hoan nghênh. Cần phải có một xã hội hóa về vấn đề công tác từ thiện, không chỉ là MTTQ hay Hội chữ thập đỏ cho nên chúng ta phải mở rộng và không nên cấm các cá nhân làm từ thiện. Điều quan trọng chính là chúng ta phải tạo được một cơ chế pháp lý.
Thứ hai, cơ chế pháp lý có hai ý nghĩa:
Một là, giúp việc làm từ thiện được hiệu quả hơn. Ví dụ như chủ thể là ai, ai mới là người được đứng ra vận động cá nhân? Theo luật dân sự chúng ta có quyền làm những việc tốt, tôi là người có tiền thì tôi có quyền đóng góp cho bất kỳ ai và nó còn liên quan đến quyền hiến pháp, quyền của luật dân sự.
Hai là, chúng ta cần phải quy định rất rõ về phương thức để làm từ thiện, chứ không thể để cho người ta "mò mẫm" phải minh bạch, sao kê như thế nào mới đúng?
Vấn đề thứ 3, song hành với việc tạo điều kiện cho người ta làm từ thiện cá nhân thì chúng ta phải có cơ sở để nắm, kiểm soát. "Để tránh tình trạng có thể dẫn đến tiêu cực hay vấn đề trục lời thì tốt nhất không nên cho cá nhân làm từ thiện", tôi cho rằng đây là quan điểm cực đoan và ngược lại với điều chúng ta làm từ trái tim.
Chỉ sao kê thôi thì không đủ chứng minh sự minh bạch
Với câu hỏi lớn được đặt ra: Làm từ thiện có cần minh bạch? thì Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh khẳng định: "Làm từ thiện rất cần sự minh bạch, trong sáng và công tâm". Đồng thời, ông cũng khẳng định việc sao kê của nghệ sĩ thời gian qua "đã rất đúng rồi nhưng chưa đủ. Sao kê làm sao có thể chứng minh hết được sự minh bạch. Ví dụ Thái Thùy Linh thu vào tiền tự thiện 100 tỷ, và bạn rút ra hết một 100 tỷ nhưng bạn lấy 100 tỷ đó tiêu cho ai, đưa cho ai thì làm sao kiểm soát. Đó mới là cái cần quan tâm!"
Ông cho biết thêm, để cần sự minh bạch, sau khi rút tiền ra chúng ta cần có kế toán, quỹ cụ thể để kiểm soát bao gồm những danh sách cụ thể và được người nhận ký nhận đàng hoàng thì mới đủ sự minh bạch.
Đối với các nhân làm từ thiện, làm thế nào để giải quyết những rắc rối phát sinh trong điều kiện chưa có một bộ luật cụ thể. Để trả lời cho câu hỏi này, ông Lê Ngọc Khánh cho biết: "Hiện tại vẫn chưa có những sửa đổi về Nghị định 64, nhưng trong lúc chờ đợi chúng ta vẫn phải làm từ thiện thôi vì cuộc sống vẫn đang chảy. Chỉ có điều chúng ta cần phải làm cho đúng pháp luật và có tâm và công minh chính đại thôi. Tôi nghĩ là không còn cách nào khác".
Theo ông, mỗi người làm từ thiện cá nhân nên thành lập một quỹ để quản lý và ghi chép rõ ràng chứ không nên giữ số tiền một cách đơn độc hoặc không công khai. "Cứ minh bạch, rõ ràng thì tôi tin mọi chuyện cũng sẽ tốt đẹp thôi" – Tiến sĩ, Luật Sư Lê Ngọc Khánh chia sẻ.
Nguồn: TH&PL